Chân dung

Quà tặng nhân đôi của một doanh nghiệp xã hội

Cửa hàng Mekong Quilts, bề ngoài không khác bất kỳ cửa hàng bán hàng “made in Vietnam” nào ở trục đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.Hồ Chí Minh), nhưng bà Nikky, du khách Úc, hào hứng hơn khi mua được chiếc túi xách hoa văn thêu tay giá 420.000 đồng tại cửa hàng này.

“Tôi ưng ý vì vừa tìm được món đồ thủ công chất lượng chẳng kém hàng sản xuất tại các làng nghề, vừa giúp đỡ được những người khó khăn”, bà chia sẻ.

 

Mô hình doanh nghiệp xã hội Mekong Quilts là một dự án của tổ chức phi lợi nhuận Mekong Plus, triển khai đầu tiên ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vào năm 2001, sau đó phát triển ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và tỉnh Rumdoul (Campuchia). Sản phẩm chính là chăn mền (quilt), trải giường, bao gối…

 

Vì sao là quilt?

 

Từng có nhiều năm làm giám đốc tiếp thị ở châu Âu, ông Kervyn chọn những mặt hàng này để kinh doanh tại Việt Nam vì tin vào sức cạnh tranh của chúng. Khách hàng đã từng chia sẻ với ông một cái mền thêu tay tinh xảo bán ở Việt Nam khoảng 400 USD vẫn còn rẻ so với giá 2.000 USD ở Mỹ.

 

Ngay từ đầu mục tiêu sản phẩm của ông là chú trọng chất lượng hơn giá cả. Bởi lẽ ông muốn “xoá tan cảm nhận thông thường của mọi người, rằng cứ sản phẩm của tổ chức từ thiện làm thì chất lượng đều kém”.

 

Đối tượng khách hàng được xác định là người nước ngoài, gồm du khách hoặc người ngoại quốc sống ở Việt Nam. Ngoài chăn mền, quản lý cửa hàng Mekong Quilts trên đường Ngô Đức Kế cho biết: khách Nhật thích sản phẩm làm từ lục bình, trong khi người Pháp, Đức ưa chuộng vật dụng từ tre…

 

Ông Kervyn cho rằng “làm từ thiện không chỉ là đi vận động tài trợ”, muốn phát triển bền vững thì phải khiến đối tác thực sự quan tâm đến mình, “chỉ có thể thu hút họ bằng chất lượng”.

 

Lực lượng lao động chủ chốt của Mekong Quilts là phụ nữ ở các vùng quê nghèo kể trên. Để bảo đảm đáp ứng thị hiếu của những “thượng đế” quốc tế, Mekong Quilts có hai tình nguyện viên ruột là người Pháp và Úc chịu trách nhiệm chuyên môn, thiết kế, phối màu, tiếp thị.

 

Là dự án phi lợi nhuận nên ông đặt bài toán chi phí và chất lượng lên hàng đầu. Tại TP. Hồ Chí Minh, Mekong Quilts chỉ có một cơ sở hành chính nhỏ ở Gò Vấp để quản lý kho, đào tạo và kiểm tra chất lượng. Hiện dự án có hơn 350 thợ và nhân viên, chia thành 20 nhóm rải khắp địa phương, cùng 100 cộng tác viên theo dõi doanh số bán hàng và hiệu quả cải thiện đời sống hộ nghèo.

 

Ban đầu, sản phẩm làm ra được bán ở nhà riêng của ông tại quận Bình Thạnh thông qua mạng lưới tình nguyện viên và bạn bè thân quen, với doanh số hạn chế. Sau này ông có thêm một cửa hàng ở Ngô Đức Kế (TP. Hồ Chí Minh), bốn chi nhánh ở Hà Nội và Campuchia. Hiện ông đang mở rộng bán hàng qua internet cho khách ở Ấn Độ và Pháp.

 

Phát triển bền vững

 

Từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động cộng đồng, ông Kervyn nhận ra dù được hỗ trợ vốn và đào tạo nghề, cuộc sống người nghèo chủ yếu làm nông rất bếp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Công việc từ dự án Quilts sẽ ổn định hơn với thời gian đào tạo một thợ tốn hơn một năm. Ban đầu, thợ có thể mất 4 – 5 ngày để làm một vỏ gối, nhưng khi lành nghề thì chỉ mất một ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng. Hiện thu nhập của thợ trung bình khoảng ba triệu đồng/tháng.

 

Mô hình doanh nghiệp xã hội đã được Việt Nam nhắc đến suốt 15 năm qua như một giải pháp triển vọng giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội. Trong khi ông chỉ đơn giản gọi đó là “quà tặng nhân đôi (gift twice)”, cho khách hàng và người nghèo. Mekong Quilts dành 50% lợi nhuận chi trả tiền công, phí kinh doanh và 50% sẽ đưa về phát triển nông thôn. Với ông Kervyn, đây chính là “tính cộng đồng” thực chất của một doanh nghiệp xã hội, đem lại việc làm và thu nhập cho người thợ đồng thời làm lợi cho địa phương.

 

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, ngoài vốn tài trợ, ông Kervyn còn băn khoăn vấn đề hợp tác của địa phương. Ông cho rằng các dự án thúc đẩy cộng đồng nói chung cần được chính quyền quan tâm hơn. Trước đây, những khó khăn này đã khiến ông quyết định không triển khai dự án tại huyện Định Quán (Đồng Nai), Lâm Đồng…

 

Giám đốc hội đồng Anh Việt Nam Robin Rickard khẳng định: “Trách nhiệm xã hội không chỉ là một ý tưởng được chào đón về khía cạnh đạo đức. Nó còn giúp tăng cường sức mạnh của thương hiệu, danh tiếng, sự nhận biết và lòng trung thành”. Nhưng thực tế, rất ít doanh nghiệp trong nước thực sự quan tâm đến điều này.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo