Xã hội

Quá trình điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt như thế nào?

(DNVN) - Trả lời báo chí ngày 30/6 về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản.

Thủ tướng đã chỉ đạo, đây là vụ ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, nghiêm trọng, phức tạp, cần xác minh cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu chính đáng của người dân đang cần biết thông tin, tạo nên sức ép lớn nên các cơ quan chức năng phải xác định có kế hoạch, tính toán đầy đủ, bảo đảm thu thập đủ chứng cứ, xác định thủ phạm và đấu tranh để có kết quả như hôm nay.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc điều tra chia ra làm 3 nhóm triển khai: Nhóm thứ nhất là xác định  nguyên nhân, hình dung giải thích cái gì đang diễn ra trên biển 4 tỉnh miền Trung, tìm ra cơ chế gì đang gây ra hiện tượng hải sản và sinh vật chết hàng loạt? Điều này rất khó, phức tạp.

Nhóm thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm. Hai nhóm độc lập nhưng có quan hệ biện chứng, có mối liên hệ chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.

Riêng ở nhóm 1, các cơ quan chức năng đã tập trung 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong các lĩnh vực sinh học, hóa học, vũ trụ học, hải dương học… tiến hành nhiều việc liên quan nhiều đến các mẫu cá, nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du…

Đồng thời thực hiện nhiều hoạt động khác nhau xác định từ các hình ảnh vệ tinh bắt đầu diễn biến sự việc, hồi tố lại các sự việc từ trước khi phát hiện ra ô nhiễm. Nhiều cán bộ khoa học căn cứ cả những hình ảnh vệ tinh, xuống biển tìm theo các dấu vết ô nhiễm để xác định bản chất vấn đề là gì…

Các nhà khoa học, nhân viên đã lao động vất vả nguy hiểm, nhưng vẫn thận trọng, phân tích hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, cả các mẫu thí nghiệm độc tố vài tuần mới có hiệu quả. Ngoài ra lấy ý kiến các nhà khoa học, phòng thí nghiệm để đối chứng, nhiều thông số cần kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý khi giải quyết.

Thủ tướng đã chỉ đạo làm khoa học phải đúng theo trình tự khoa học. Do đó, chúng tôi đã tổ chức Hội đồng khoa học nhà nước đánh giá, lấy ý kiến các nhà khoa học thế giới phản biện độc lập, khi có đầy đủ chứng cứ, kết quả chính xác mới tổ chức công bố.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua, kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

 

Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết.

"Chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra khu vực biển miền Trung, tập trung vào 3 đối tượng như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, các khu công nghiệp Hà Tĩnh", người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Thành phần đoàn thanh tra có các nhà khoa học luyện thép, luyện kim, nhà sản xuất điện, các nhà công nghệ môi trường, nhà quản lý, nhà lập pháp…

Quá trình kiểm tra chúng tôi đã hồi tố, thực hiện các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện ra nhiều sai sót.

Qua kiểm toán năng lượng, chúng tôi đã thấy hàng loạt vấn đề quản lý thử nghiệm vận hành lỏng lẻo, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải đầu ra không bảo đảm yêu cầu, từ đó chúng tôi xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và xyanua. Đến bây giờ có thể nói đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa. Nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo