Quan hệ Nga-Thổ biến đổi sau cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này chuyển đổi sang hình thức chính phủ tổng thống sẽ phát triển như thế nào? Sự hợp tác giữa Ankara và Moskva về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương sẽ chuyển biến ra sao? Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời những câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Theo nhà báo kiêm chuyên gia về Nga và quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ Cenk Bashlamysh, sau cuộc trưng cầu sự phát triển quan hệ với Moskva sẽ trở nên quan trọng hơn đối với Ankara.
"Nếu bạn nhìn vào phản ứng các các quốc gia châu Âu đối với kết quả trưng cầu, có vẻ như mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng và căng thẳng mới. Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục xa rời EU, quan hệ Ankara với liên minh trong những năm gần đây đã trở nên đặc biệt căng thẳng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không "cắt cầu" quan hệ với Mỹ. Trong những điều kiện như vậy, liên hệ giữa Moskva và Ankara chắc chắn sẽ trở nên rất quan trọng."
Đồng thời, chuyên gia chỉ ra rằng sự khác biệt chính trị, đặc biệt là về vấn đề Syria sẽ cản trở quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga:
"Gần đây, vấn đề Syria đã một lần nữa trở thành một yếu tố làm tăng bất đồng giữa Ankara và Moskva. Điều này xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ vào căn cứ quân sự Syria. Tất nhiên, động thái này đã khiến phía Nga tức giận. Tình hình hiện nay cho thấy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trong tương lai gần sẽ khá "thăng trầm".
Tuy nhiên, là nước hiện nay đang có quan hệ căng thẳng với phương Tây, ít có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện động thái mạnh chống Nga. Về phần mình, Nga cũng quan tâm đến việc duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy rằng cả hai bên sẽ tuân thủ chính sách hợp tác trong các lĩnh vực then chốt mang lại lợi ích chung."
Nhà kinh tế Tuncay Turshudzhu cho rằng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sau trưng cầu dân ý sẽ được phát triển "một cách thận trọng".
"Các sự kiện như máy bay Nga bị bắn rơi và vụ sát hại đại sứ Nga tất nhiên có ý nghĩa rất nghiêm trọng đối với quan hệ giữa hai nước. Có thể nói rằng chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn cho cả hai quốc gia, mặc dù các bên vẫn còn căng thẳng với nhau. Có thể lấy ví dụ phía Nga tiếp tục hạn chế nhập khẩu cà chua Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó gây thiệt hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 400-500 triệu USD/năm. Có thể thấy nền tảng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mong manh và nhạy cảm như thế nào qua việc hiện nay Moskva lo ngại về khả năng bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trưng cầu dân ý, cũng như nguy cơ đe dọa an ninh tiềm ẩn trong cả nước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quan hệ trong tương lai giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển một cách thân thiện nhưng thận trọng", ông Turshundzhu kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo