Pháp luật

Quan hệ tiền gửi có phải là quan hệ tài sản ?

“Tiền gửi của khách hàng có phải là tài sản của ngân hàng không?” là câu hỏi mà đại diện Viện Kiểm sát đặt ra cho các bên tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây có lẽ là câu hỏi chạm đến phần cốt lõi của vụ án: giới hạn trách nhiệm của Vietinbank đối với người gửi tiền.

 Bài viết này làm rõ thêm điểm pháp lý quan trọng để trả lời câu hỏi trên, là quan hệ tiền gửi có phải là quan hệ vay tài sản, từ góc nhìn tham chiếu luật nước ngoài, và quan điểm của cơ quan quản lý Việt Nam.

Luật common law (thông luật): ngân hàng là con nợ

Theo hệ thống pháp luật của các nước thuộc hệ thống common law như Anh, Australia, New Zealand, Singapore và Hongkong, thì bản chất pháp lý của việc gửi một khoản tiền vào ngân hàng đã được xác định rõ ít nhất từ năm 1848, trong án lệ rất nổi tiếng Foley v Hill (1848) 11 HL Cas 28; 9 ER 1002.

Trong án lệ này, Tòa án tối cao Anh (House of Lords) xem xét bản chất mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là người gửi tiền vào ngân hàng. Các thẩm phán đã phán quyết một cách rõ ràng rằng, tiền, một khi được gửi vào ngân hàng, nếu không nói rõ là tiền gì khác, thì tiền đó trở thành tiền của ngân hàng, nằm dưới sự kiểm soát của họ; họ có toàn quyền sử dụng số tiền đó theo ý của họ để tạo ra lợi nhuận và hưởng phần lợi nhuận đó.

Nói cách khác, khi khách hàng nộp một khoản tiền vào tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm hay tài khoản tiền gửi có kỳ hạn mở tại ngân hàng, thì lập tức ngân hàng trở thành “con nợ” (debtor) hay “người đi vay” (borrower) và khách hàng trở thành “chủ nợ” (creditor) của ngân hàng hay “người cho vay” (lender). Khách hàng đã cho ngân hàng vay một khoản tiền đúng bằng “số dư có” (credit balance) trên tài khoản của mình.

Người gửi tiền lúc này mất quyền sở hữu đối với khoản tiền mặt đã gửi, bởi quyền sở hữu đã chuyển sang cho ngân hàng, nhưng họ không mất tất cả các quyền tài sản. Thay vì sở hữu khoản tiền mặt đã gửi, người gửi tiền có một quyền đòi lại đúng số tiền đã gửi, quyền đó gọi là chose in action – là một loại quyền tài sản, bao gồm quyền đòi nợ.

Việt Nam: tiền gửi là “Tài sản Có” của Ngân hàng

Các văn bản pháp luật của Việt Nam không nói rõ việc gửi tiền vào ngân hàng làm phát sinh quan hệ cho vay giữa người gửi và ngân hàng như luật common law.

Tuy nhiên đối chiếu các quy định của pháp luật về tiền gửi ngân hàng và chế định Hợp đồng vay tài sản (từ điều 471-479) của Bộ Luật dân sự (BLDS), có thể khẳng định mối quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng về bản chất pháp lý là hợp đồng vay tài sản quy định tại điều 471 của BLDS trong đó tài sản với tư cách là đối tượng vay là tiền.

Tuy nhiên hợp đồng vay giữa người gửi tiền và ngân hàng có một số điểm khác với hợp đồng vay thông thường. Ví dụ, việc hoàn trả tiền gửi của ngân hàng chỉ xảy ra khi khách hàng có yêu cầu. Còn khi khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn đến kỳ hạn thanh toán mà khách hàng không đến nhận và không có yêu cầu gì khác thì ngân hàng nhập lãi vào gốc và kéo dài kỳ hạn mới thường là bằng với kỳ hạn đã gửi mà không coi đó là một khoản nợ quá hạn giống như trong hợp đồng vay thông thường.

Mặc khác, trong Bản giải trình các nội dung sửa đổi Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ngày 15/3/2010, NHNN nhận định một trong những lý do phải sửa đổi hay ban hành văn bản thay thế hai quyết định nói trên là vì hai văn bản này chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng đầy đủ với các khoản mục “Tài sản Có” có phát sinh rủi ro tín dụng, trong đó có các loại tiền gửi tại các TCTD khác bởi vì tiền gửi tại các TCTD khác về bản chất cũng giống như một khoản cấp tín dụng (cho vay).

Thực tế, sau đó, trong Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013, quy định tại  điểm i khoản 1 điều 1 đã bổ sung thêm một số “Tài sản Có” phải phân loại, bao gồm cả tiền gửi tại các TCTD khác.

Điều  này cho thấy, nhìn về bản chất, cách tiếp cận từ góc độ pháp lý (BLDS) hay quản lý (quan điểm của cơ quan chủ quản – NHNN), quan hệ tiền gửi chính là hợp đồng vay. Và một khi đã gửi tiền vào ngân hàng, thì quyền sở hữu khoản tiền đó chuyển từ người gửi sang cho ngân hang; mọi rủi ro, mất mát, lừa đảo,… ngân hàng phải chịu, chứ không phải khách hàng.

TBKTSG
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo