Pháp luật

Quan làm, dân chịu

Những lô cao su đang tuổi dậy thì mơn mởn, được trồng theo hợp đồng. Nhưng đúng lúc cao su đang bắt đầu cho cạo mủ thì người trồng rừng bất ngờ nhận được thông báo buộc phải chặt bỏ và không có bồi thường! Lý do buộc chặt bỏ là trồng sai mục đích.

Gánh hậu quả vì chính quyền sai

Năm 2004, ông Trần Văn Đông (ngụ P.4, TX.Tây Ninh) được Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký hợp đồng trồng cao su trên diện tích 21 ha, nằm trên địa bàn xã Suối Dây, huyện Tân Châu (hợp đồng giao khoán đất số 113/HĐ.DADT, thời hạn 50 năm). Sau khi bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư vào khu đất, từ khai hoang, san lấp mặt bằng đến xây tường rào xung quanh, ông Đông bắt đầu trồng cao su theo nội dung hợp đồng. “Hồi đó, khu đất này toàn hố bom, ao tù và cây dại. Không kể rắn rết, khu đất còn rất nhiều trái đạn pháo, mìn từ thời chiến tranh để lại.

Tôi phải thuê người đến rà, dọn sạch mìn trước khi thuê xe ủi, xe cuốc đến san lấp. Ròng rã 3 tháng trời, tốn tiền tỷ, khu đất mới ra hình hài. Nhưng tôi nghĩ, hợp đồng thuê đến 50 năm, nên không ngại đầu tư”, ông Đông nhớ lại. Sau khi trồng cao su xong, ông Đông tiếp tục vay mượn tiền đào mương, dùng lưới B40 rào xung quanh. Đến thăm vườn cao su của ông Đông, chúng tôi mới thấy, do có sự đầu tư rất lớn nên cao su của ông đều tăm tắp, khác hẳn những vườn bên cạnh.

Năm 2010, sau 6 năm trồng, chăm sóc, khi ông Đông bắt đầu mở miệng, cạo mủ vườn cao su, thì 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng và UBND xã Suối Dây buộc ông Đông phải chặt  bỏ giao trả 4,9 ha cao su trong diện tích 21 ha đã ký hợp đồng để giao cho Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý và trồng rừng với lý do: phần diện tích này ông Đông trồng không đúng mục đích. Do yêu cầu này quá vô lý nên ông Đông không chấp nhận và gửi đơn khiếu nại.

 

Hệ thống máy bơm, tưới đã được ông Đông đầu tư hàng trăm triệu đồng

Hệ thống máy bơm, tưới đã được ông Đông đầu tư hàng trăm triệu đồng

Ngày 25/5/2010, ông Đông nhận được thông báo số 154/TB-RPHDT của Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, thu hồi hợp đồng giao khoán đất số 113 để lập hợp đồng mới (với diện tích giảm đi 4,9 ha) với lý do: “Nguyên nhân thu hồi hợp đồng của ông Đông là vì trước đây Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng chưa xác định được ranh mốc cụ thể giữa khu vực trồng cao su, cây ăn trái và khu vực trồng rừng nên đã lập hợp đồng giao khoán đất trồng cao su bao trùm lên khu vực đất quy hoạch trồng rừng”! “Đó là điều hết sức vô lý! Nội dung hợp đồng số 113 ghi rất rõ: Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng có nghĩa vụ xác định diện tích, vị trí, ranh giới đất nhận khoán trên bản đồ và trên thực địa. Họ giao cho tôi diện tích đó, tôi nhận đúng và trồng đúng loại cây. Bây giờ lại nói tôi trồng cây không đúng mục đích?”, ông Đông bức xúc nói.

Vì ông Đông không chấp hành thông báo số 154/TB-RPHDT, ngày 19/07/2010, UBND huyện Tân Châu tiếp tục ban hành quyết định số 1371/QĐ-KPHQ với nội dung: “Buộc ông Đông chặt bỏ toàn bộ diện tích cây trồng không đúng mục đích và giao trả lại 4,9 ha đất tại thửa số 524, tờ bản đồ số 5, tiểu khu 52 khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc xã Suối Dây, cho 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý, sử dụng theo quy định”. Ông Đông làm đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Tân Châu khiếu nại quyết định trên. Ngày 20/09/2010 Chủ tịch huyện Tân Châu ban hành quyết định số 1884//QĐ-UBND, bác đơn của ông Đông về việc khiếu nại quyết định số 1371/QĐ-KPHQ ngày 19/07/2010 của UBND huyện Tân Châu.

Tỉnh bao che cho cấp dưới

Không chấp nhận quyết định này, ngày 11/10/2010 ông Đông nộp đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh để khiếu nại quyết định số  1884/QĐ-UBND ngày 20/09/2010 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu.

Căn cứ Điều 28, Luật Khiếu nại qui định, thì trong thời hạn 30 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phải giải quyết khiếu nại của ông Đông. Nhưng mãi đến ngày 25/06/2012, Chủ tịch tỉnh mới ban hành quyết định số 1214/QĐ-UBND (và mãi đến ngày 05/09/2012 UBND huyện Tân Châu mới tống đạt quyết định này cho ông Đông). Như vậy Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã vi phạm Luật Khiếu nại về thời hạn giải quyết khiếu nại gần 2 năm. Nội dung quyết định 1214/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh là bác khiếu nại của ông Đông, giữ nguyên quyết định 1884/QĐ-UBND.



Hàng chục người dân xã Suối Dây có cao su bị buộc phải chặt đang bức xúc trình bày với PV


Hàng chục người dân xã Suối Dây có cao su bị buộc phải chặt đang bức xúc trình bày với PV

Không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Đông khởi kiện hành chính quyết định này ra TAND tỉnh Tây Ninh. Nhưng Tòa án tỉnh cho rằng đối tượng khởi kiện trong vụ án này là quyết định số 1371 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu chứ không phải quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 25/06/2012 của Chủ tịch tỉnh nên chuyển đơn của ông Đông về TAND huyện Tân Châu xem xét, giải quyết.

TAND tỉnh Tây Ninh cho rằng đối tượng khởi kiện của vụ án này là quyết định 1371 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu là cố tình “né” tỉnh. Bởi ông Đông kiện quyết định số 1214/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chứ không khởi kiện quyết định 1371/QĐ-KPHQ ngày 19/07/2010 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu.

“Điều 30, Luật Tố tụng Hành chính qui định: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các yêu cầu của cá nhân, tổ chức về việc khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh. Cho nên, TAND huyện Tân Châu không có quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện này. Và, hậu quả pháp lý mà ông Đông phải chịu  là mất quyền khởi kiện. Chắc chắn rằng TAND huyện Tân Châu sẽ không thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Đông với  lí do là thời hiệu khởi kiện đã hết (điều 104, Luật Tố tụng Hành chính qui định thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính là một năm)”, ông Lưu Hải Triều, người tư vấn luật cho ông Đông nói.

Về xã Suối Dây, huyện Tân Châu, chúng tôi mới biết, không chỉ cá nhân ông Đông “lãnh đòn”, mà còn có 3 hộ khác cũng bị buộc chặt bỏ cao su cùng lý do như ông Đông. Ấy là chưa kể hàng chục hộ dân khác có từ 1 đến 5-6 ha cao su đã lớn, đang cạo mủ, nhưng do trồng trên đất sang nhượng và không có hợp đồng giao khoán nên khi bị buộc chặt bỏ họ đành ngậm ngùi đứng nhìn. Điều đáng nói là, sau khi chặt bỏ cây cao su đã lớn để trồng sao, dầu thay thế, thì những cây rừng “thứ thiệt” này không biết vì lý do gì, gần như không lên nổi, phải nhìn chăm chú mới thấy chúng đang phất phơ lẫn trong cỏ dại. Sát bên vườn cao su của ông Đông (gần hồ Dầu Tiếng hơn), chúng tôi thấy một khoảnh rừng trồng keo xen dầu rộng chừng 2 ha, đang được thu hoạch. Khi chúng tôi hỏi, lãnh đạo 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, đấy là diện tích ngày xưa bị ngập, người dân tự trồng lên và bây giờ họ khai thác!

"Diện tích thu hồi này thuộc vành đai 200 mét tính tứ mép nước hồ Dầu Tiếng đi lên. Do ngày xưa chưa có thiết bị đo chính xác nên đã giao không chính xác. Bây giờ phải thu hồi. Trong việc này, anh Đông không sai, chính vì vậy mà vừa qua Sở NN-PTNT và Sở TN-MT đã họp bàn tìm cách giải quyết. Đã có phương án tính đầu cây bồi thường cho anh Đông, nhưng do chi phí quá lớn nên cách này không được tán thành”, theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

“Trong việc này, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Còn việc thu hồi là phải thu, bởi vì đây thuộc hành lang an toàn lòng hồ Dầu Tiếng”, ông Phạm Hùng Thái - Bí thư Huyện ủy Tân Châu.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Nông Nghiệp)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo