Quan liêu ngay từ khi xây dựng luật?
Báo cáo của ngành kiểm sát tại kỳ họp thứ tư, quốc hội khóa XIII cho thấy, đến nay cả nước còn 508 người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được. Trong đó, đã có 3 người chết do bệnh tật, 3 người tự sát, thậm chí có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng. Báo cáo cũng thừa nhận, vấn đề này đã gây áp lực lớn cho các đơn vị giam giữ phạm nhân, gây bức xúc cho lực lượng làm công tác quản lý phạm nhân và cả những người đang chờ thi hành án. Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc chậm trễ trong thực hiện thi hành án tử hình bằng thuốc độc đã khiến nhiều tỷ đồng của nhà nước để xây dựng các cơ sở thi hành án "đắp chiếu", mà quan trọng hơn còn ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) phân tích, để chuẩn bị cho việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc, ngân sách Nhà nước đã phải chi nhiều tiền đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ để thi hành án tử hình tại 5 địa phương. Đã có 490 lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ làm công tác thi hành án tử hình được tập huấn nghiệp vụ. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được nguồn cung ứng thuốc để phục vụ thi hành án tử hình. Lãng phí là rất lớn, quốc hội cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đối với việc thực hiện Luật Thi hành án nêu trên.
Lý giải cho sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, quá trình triển khai thực hiện nảy sinh vấn đề mới là chưa tìm được nguồn thuốc cung ứng phục vụ thi hành án. Theo ông Cường, do nghị định hướng dẫn ban hành của Chính phủ nêu cụ thể tên 3 loại thuốc, trong khi Việt Nam chưa sản xuất được những loại thuốc này. Quá trình đàm phán nhập khẩu cũng có khó khăn phát sinh vì không thể mua được thuốc. Để khắc phục tình hình trên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cơ quan liên ngành đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Y tế xem xét sửa nghị định theo trình tự rút gọn, dự kiến cuối năm nay sẽ sửa xong và sau khi có nguồn thuốc sẽ cố gắng thực hiện việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề xuất, trường hợp nguồn thuốc mà Việt Nam có thể sản xuất không sử dụng được, đề nghị quốc hội xem xét, bổ sung những cơ chế, quy định khác để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc.
Còn nhớ, tại kỳ họp cuối năm trước vấn đề này cũng đã được đưa lên bàn nghị sự. Nhưng sau một năm, mọi việc vẫn "giẫm chân tại chỗ". Sốt ruột và bức xúc, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Thành phố Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc trình dự án luật để quốc hội xem xét thông qua trên cơ sở bảo đảm đủ điều kiện thi hành khi luật có hiệu lực.
Không lạc quan như Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiên lượng khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, vấn đề không phải chỉ có ở nguồn thuốc, mà còn rất nhiều khó khăn khác như cả nước mới có 5 cơ sở có đủ các trang thiết bị cần thiết, việc di chuyển đối tượng đến nơi thi hành án trên không hề đơn giản, tốn kém và mất thời gian đi lại.
Lâu nay người ta vẫn nói nhiều tới những hạn chế trong công tác xây dựng luật ở nước ta dẫn tới tình trạng luật làm ra nhiều nhưng rất khó đi vào cuộc sống. Những bất cập nảy sinh khi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc trong Luật Thi hành án hình sự một lần nữa cho thấy những hạn chế trong công tác này. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta đã quan liêu ngay từ khi bắt tay vào xây dựng luật này?
Hồng Lĩnh (Theo Hà Nội Mới)
End of content
Không có tin nào tiếp theo