Quảng bá du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài
Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Trung Quốc sẽ diễn ra tại các thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), Bao Đầu (Khu tự trị Nội Mông Cổ), Nam Xương (tỉnh Giang Tây), theo tin tức trên báo Điện tử Chính phủ.
Dự kiến tại mỗi sự kiện xúc tiến du lịch sẽ có sự tham gia của Cục Du lịch tỉnh, thành phố, Sở Ngoại vụ địa phương, cơ quan truyền thông và khoảng 300-350 hãng lữ hành của Trung Quốc.
Trung Quốc luôn là thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Trong năm 2016, Việt Nam đón 2,6 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng trưởng 51,4% so với năm 2015. Bảy tháng đầu năm 2017, đã có 2,2 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng cục Du lịch đã xác định các thị trường khách có khả năng tăng trưởng mạnh gồm: Thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam (Trung Quốc, Lào, Campuchia); thị trường gần (các quốc gia trong khối ASEAN); thị trường gần có quy mô lớn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan). Thị trường xa có tiềm năng tăng trưởng cao là Nga, Australia, New Zealand, 5 nước Tây Âu đang được Việt Nam miễn thị thực...
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ tham gia các hội chợ quốc tế lớn như: Hội chợ du lịch quốc tế JATA (từ ngày 21-24/9 tại Tokyo, Nhật Bản), TOP RESA (từ ngày 26-29/9 tại Paris, Pháp), ITF (từ ngày 27-30/10 tại Đài Loan), WTM (từ ngày 6-10/11 tại London, Anh), báo Vietnamplus đưa tin.
Những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh, dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh và bền vững với mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Kết quả tăng trưởng này có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Việc tham gia các hội chợ quốc tế lớn, đều đặn đang dần từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam ở sân chơi lớn trên thế giới; chủ động hơn trong định vị thương hiệu "Việt Nam-Vẻ đẹp bất tận" (Vietnam-Timeless Charm) trên thị trường du lịch toàn cầu.
Qua các cuộc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch đã góp phần hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong quảng bá điểm đến và sản phẩm, dịch vụ du lịch. Nhiều điểm du lịch của Việt Nam đã nổi tiếng và định vị được thương hiệu với khách du lịch quốc tế như Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Mũi Né... góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Ngoài xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch theo cách truyền thống, Tổng cục Du lịch đã triển khai các hoạt động thông tin, quảng bá trên trang thông tin điện tử: vietnamtourism.gov.vn (về chính sách); vietnamtourism.com; vietnamtourism.vn (về quảng bá điểm đến, sản phẩm).
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đã tiến hành quảng bá trên một số trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook với trang fanpage: VietnamTimeless-charm. Kết quả, kênh Youtube sau 3 năm triển khai đã thu hút 340.000 lượt view; trang fanpage thu hút hơn 19.000 người theo dõi thường xuyên; trang vietnamtourism.com thu hút 2,3 triệu lượt truy cập; trang vietnamtourism.gov.vn thu hút khoảng 1,35 triệu lượt truy cập mỗi tháng... góp phần tạo hiệu ứng tốt trong quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo