Pháp luật

Quảng Bình: Dính án tham nhũng vẫn được điều động làm “lãnh đạo”

(DNVN) - Bị buộc thôi việc năm 2008 vì tội “nhận hối lộ” nhưng đến năm 2014 ông Nguyễn Xuân Việt “bỗng nhiên” được điều động là “lãnh đạo” đội KLCĐ và PCCCR số 1.

Từng nhận “chung chi” xe chở gỗ

Theo phản ánh của bạn đọc kèm tài liệu về một số vấn đề nổi cộm gây bức xúc tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình. Trong đó, đáng chú ý là việc ông Thái – Chi cục trưởng ra quyết định điều động ông Nguyễn Xuân Việt (nguyên Trạm trưởng trạm kiểm lâm Đèo Ngang, Quảng Trạch, Quảng Bình) người bị kết tội “Nhận hối lộ” 9.000 USD (đô la) năm 2008 giữ chức vụ Phó đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (KLCĐ và PCCCR) Kiểm lâm thị xã Ba Đồn.

Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch tuyên Nguyễn Xuân Việt phạm tội "Nhận hối lộ" phạt 36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.

Quyết định này do ông Phạm Hồng Thái – Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình ký ngày 28/4/2014.

Theo Bản án số 48/2008/HSST ngày 28/8/2008, TAND huyện Quảng Trạch đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Xuân Việt phạm tội: “Nhận hối lộ”. Phạt bị cáo Việt 36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án.

Cấm bị cáo Việt đảm nhiệm chức vụ trong ngành Kiểm lâm trong thời hạn 3 năm kể từ khi bản án có hiệu lực.

Giao bị cáo Việt cho Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch, Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trước đó, từ năm 2000, ông Việt đảm nhận chức vụ Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Đèo Ngang.

 

Ngày 10/7/2007, ông Việt cùng tổ công tác trạm Kiểm lâm tiến hành đón bắt xe chở lâm sản trái phép chạy qua địa bàn. Sau khi dừng được xe chở lâm sản để kiểm tra, tổ công tác do ông Việt đứng đầu không xử lý theo quy định pháp luật mà đòi lái xe và chủ xe phải chi 200 triệu đồng “nếu không sẽ mất xe”.

Quyết định điều động do ông Phạm Hồng Thái ký đã gây bức xúc trong nội bộ cán bộ kiểm lâm tỉnh và người dân.

Ông Việt là người trực tiếp đánh xe đi đến điểm hẹn để nhận tiền. Tại một cây xăng trên địa bàn, Việt đã nhận của chủ xe 9.000 USD. Sau khi nhận tiền, Việt điện cho cấp dưới “thả” xe ra.

Việc làm của ông Việt và các cán bộ liên quan, vi phạm nghiêm trọng Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức… Và ông Việt đã phải trả giá cho việc làm của mình bằng bản án như đã nêu trên.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là sau đó ông Việt lại được Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình là ông Phạm Hồng Thái điều động giữ chức vụ Phó đội trưởng đội KLCĐ và PCCCR số 1.

Theo Quyết định số 409/QĐ-KL ngày 28/4/2014, ông Việt đang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn được điều động giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1.

 

Quyết định này đã gây bức xúc trong nội bộ cán bộ kiểm lâm tỉnh và người dân.

Quyết định điều động có đúng luật?

Nói về vấn đề trên, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết: Điều 69 Luật phòng, chống tham nhũng quy định về việc Xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau:

Người có hành vi tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.”

Điều 3 luật này quy định hành vi nhận hối lộ là hành vi tham nhũng.

 

Theo quy định của luật này, ông Nguyễn Xuân Việt là người bị TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình kết án về tội “Nhận hối lộ” thuộc trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng thì phải bị buộc thôi việc.

Tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, điểm c khoản 2 Điều 23 của Nghị định quy định như sau:

“Điều 23. Các quy định liên quan đến việc thi hành quyết định kỷ luật

2. Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc:

c) Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Nếu công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.”

 

Điều này có nghĩa là sau 12 tháng kể từ ngày bị buộc thôi việc, ông Nguyễn Xuân Việt có quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, nhưng không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời gian có hành vi nhận hối lộ, ông Nguyễn Xuân Việt giữ chức vụ Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Đèo Ngang thuộc Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch.

Tuy nhiên theo Quyết định số 409/QĐ-KL ngày 28/4/2014, ông Việt đang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng Hạt kiểm lâm thị xã Ba Đồn được điều động giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1.

Như vậy vị trí công tác hiện tại của ông Việt có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ mà ông Việt đảm nhiệm trước khi bị kết án. Do đó điều này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Chưa hết, trong quyết định điều động hoặc bổ nhiệm vị trí cán bộ theo Luật cán bộ công chức đều phải Xét phẩm chất đạo đức và năng lực của công chức… Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà một cán bộ đã bị tuyên án tham nhũng vẫn đủ tiêu chuẩn về đạo đức để được xét duyệt điều động vào một vị trí then chốt?!

 

Xin được dành câu hỏi này cho lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình trả lời dư luận.

Nhóm PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo