Quảng cáo láo, GSK nộp phạt ba tỉ USD
AFP cho biết GSK thừa nhận đã quảng bá một số công dụng của thuốc chống trầm cảm Paxil và Wellbutrin không được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. GSK cũng che giấu các số liệu về sự an toàn của thuốc chữa bệnh tiểu đường Avandia. Ngoài ra, GSK còn hối lộ các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân với thuốc của GSK.
Quảng cáo láo, hối lộ bác sĩ
Theo báo New York Times, bốn nhân viên của GSK đã âm thầm tố cáo các hành vi trái luật của hãng này từ cuối thập niên 1990 đến cuối thập niên 2000. GSK quảng bá việc sử dụng thuốc chống trầm cảm Paxil cho trẻ em dựa trên thông tin sai lệch từ một cuộc thử nghiệm. Nghiên cứu sau đó cho thấy loại thuốc này có nguy cơ dẫn tới việc trẻ em muốn tự sát.
GSK cũng quảng bá thuốc Wellbutrin có các công dụng như giảm cân, tăng ham muốn tình dục dù chỉ chữa bệnh trầm cảm. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy thuốc chữa bệnh tiểu đường Avandia của GSK làm tăng nguy cơ bệnh tim. Tuy nhiên, GSK không thông báo các kết quả nghiên cứu cho FDA. Loại thuốc này đã bị hạn chế sử dụng tại Mỹ từ năm 2010.
Chưa hết, các công tố viên Mỹ xác định GSK đã liên tục hối lộ các bác sĩ bằng nhiều cách, như mời họ đi nghỉ mát ở Jamaica, Bermuda, đi săn ở châu Âu, đi chăm sóc cơ thể tại các spa cao cấp, mua cho họ những chiếc vé vào nghe các buổi hòa nhạc sang trọng...
Do đó, các bác sĩ đã “trả ơn” bằng cách thường xuyên kê toa cho bệnh nhân bằng các loại thuốc của GSK. Các loại thuốc này là Zofran, Imitrex, Lotronex, Flovent và Valtrex...
Chủ tịch GSK Andrew Witty đã tìm cách chạy tội bằng cách khẳng định các sai phạm của hãng “diễn ra trong thời kỳ cũ” và các cá nhân có liên quan đã bị cho thôi việc. “Chúng tôi đã học được bài học từ các sai lầm cũ” - ông Witty nhấn mạnh và cam kết từ nay GSK sẽ cắt mọi khoản lương thưởng của bất kỳ quan chức nào có dính líu đến việc làm ăn phi pháp.
Trước GSK, vào tháng 5, Hãng Abbott Laboratories đã phải nộp phạt 1,6 tỉ USD do quảng cáo sai sự thật về thuốc chống rối loạn tâm lý Depakote. Hãng Johnson & Johnson cũng có thể sẽ phải nộp phạt khoảng 2 tỉ USD do quảng cáo láo công dụng thuốc chống rối loạn tâm lý Risperdal.
Cần truy tố các cá nhân
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nhận định đây là cái giá mà các đại gia dược phẩm toàn cầu sẵn sàng trả để kiếm bộn tiền từ việc bán thuốc. Chẳng hạn, như trường hợp của GSK, khoản tiền phạt 3 tỉ USD chẳng thấm tháp gì so với số tiền hãng này thu được từ việc bán các loại thuốc Paxil, Wellbutrin và Avandia.
Khảo sát của Hãng IMS Health cho thấy GSK đã kiếm được 10,4 tỉ USD từ thuốc Avandia, 11,6 tỉ USD từ thuốc Paxil và 5,9 tỉ USD từ thuốc Wellbutrin.
“Chỉ 3 tỉ USD tiền bồi thường cho 10 năm bán thuốc là rẻ bèo, giống như chi phí kinh doanh mà thôi” - báo New York Times dẫn lời chuyên gia Patrick Burns, người phát ngôn của Tổ chức chống gian lận Taxpayers Against Fraud (TAF), nhận định.
Một vấn đề lớn, theo giới phân tích, là việc Bộ Tư pháp Mỹ chỉ buộc tội tập đoàn chứ không truy tố các quan chức GSK, những người đã ra quyết định về chiến lược quảng cáo gian dối và hối lộ bác sĩ.
“Kinh nghiệm cho thấy tiền phạt không ngăn cản được việc làm bậy của các tập đoàn - cựu Bộ trưởng tư pháp New York Eliot Spitzer khẳng định - Cách duy nhất là chính phủ cần phải buộc giám đốc và quan chức các hãng dược từ chức và truy tố họ”.
Chuyên gia Burns cũng cho rằng chính phủ cần phải cấm các quan chức hãng dược phạm tội tham gia các chương trình y tế của chính phủ như Medicare hoặc Medicaid.
Quyền tự do không tiếp nhận thông tin quảng cáo
Cũng liên quan đến quảng cáo, ngày 3/6, ở Pháp đã diễn ra một phiên tòa xử tám người thợ lắp đặt của một hợp tác xã về tội bôi xóa các panô quảng cáo nơi công cộng. Tại phiên tòa, bên công tố buộc tội những người thợ này đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của các nhà quảng cáo.
Chưa rõ phiên tòa kết thúc ra sao. Thế nhưng, trên báo Le Monde, năm giáo sư, tiến sĩ thuộc nhiều trường đại học Pháp, Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã lên tiếng cho rằng những người thợ này đã có một hành động bất tuân phục dân sự, nhưng qua họ đó chính là quyền tự do không tiếp nhận mà chúng ta cần phải bảo vệ. Quyền tự do ngôn luận của các nhà quảng cáo cần phải kèm theo quyền tự do không tiếp nhận. Đây là sự đảm bảo cho mỗi công dân quyền được chọn lựa ở đâu và khi nào họ muốn tiếp cận thông tin quảng cáo. Điều này cho phép họ tự bảo vệ trước ảnh hưởng của quảng cáo hay đơn giản là để được yên ổn trước tình trạng bội thực thông tin quảng cáo. Theo nhiều ước tính, hằng ngày trẻ em đang phải tiếp xúc với hàng chục chương trình quảng cáo, thậm chí hàng chục ngàn như ở Mỹ. Trước sự “giội bom” hằng ngày hằng giờ này, quyền tự do không tiếp nhận này của các công dân cần phải được đảm bảo, nhất là trong không gian công cộng. Thật vậy, ở đây nhà nước cần phải là người bảo vệ sự an toàn tâm lý của mọi người dân, không có thái độ thiên vị với kinh doanh.
Các nhà khoa học cũng nêu lên những ảnh hưởng có hại của quảng cáo đối với sức khỏe công cộng. Karim Ndiaye, chuyên gia của Viện Não Pháp, cho rằng trẻ em dễ bị tổn thương nhất đối với những thông tin quảng cáo về thực phẩm, dẫn đến những hành vi tiêu dùng bất thường (được gọi là siêu tiêu thụ) cùng những rối loạn về tâm sinh lý. Kết quả của nhiều nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ cho thấy nạn béo phì của trẻ em có thể giảm gần 1/3 nếu điều chỉnh lại tốt hơn việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm. T.N. |
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này