Quảng cáo sai phép hết đất sống
UBND TP HCM vừa chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường chấn chỉnh các biển hiệu quảng cáo sai quy định, trong đó các biển tiếng nước ngoài vi phạm phải buộc tháo dỡ
Tình trạng biển quảng cáo sai phép đang diễn ra tràn lan trên các tuyến đường ở TP HCM với nhiều sai phạm về kích thước, nội dung, thời hạn… Thêm vào đó, tình trạng phát tờ rơi bừa bãi, dán quảng cáo trên trụ điện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhếch nhác
Tại ngã tư Hàng Xanh, người đi đường hoa mắt với hàng trăm biển quảng cáo đủ kích cỡ gắn trên nhà cao tầng. Trung bình, mỗi cửa hàng có 2 biển quảng cáo, thậm chí có nơi còn đặt tới 5 biển lộn xộn trước nhà và trên tầng. Đập vào mắt người đi đường là những tấm pa-nô quảng cáo cao ngất ngưởng đặt chênh vênh trên nóc, vách các tòa nhà. Do không che chắn mặt sau, nhiều tấm trơ khung gỉ sét, một số khác bị mưa gió làm rách trông rất phản cảm.
Theo quy định về kích thước, biển hiệu ngang cho phép chiều cao tối đa là 2 m, dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc, chiều ngang tối đa là 1 m, cao tối đa là 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà cho cơi nới sân thượng, lắp thêm khung sắt để đặt biển quảng cáo cao hơn nhà từ 1,5-2 m.
Tình trạng này cũng phổ biến ở các vòng xoay khác như Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, ngã sáu Phù Đổng… Một số tuyến đường như 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong (quận 10), Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Trường Chinh (quận Tân Bình),… cũng la liệt các biển quảng cáo cao hơn 4 m, che hết mặt tiền nhà, không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.
Trong khi đó, các trụ điện trên đường Lê Quang Định, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) bị dán đầy những tờ quảng cáo, như cho thuê nhà trọ, mua bán nhà đất, lắp đặt internet... Lớp quảng cáo cũ chưa bong ra thì bị lớp mới dán chồng lên.
Tràn lan biển hiệu tiếng nước ngoài
Điều 18, Luật Quảng cáo 2013 quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Tuy vậy, ở khu phố Tây, hàng trăm biển hiệu trên các đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão (quận 1) vẫn sai phạm tràn lan. Nhiều biển hiệu dùng toàn tiếng Anh, mặc dù vẫn có thể thay thế bằng tiếng Việt. Tương tự, các biển hiệu trên đường Ngô Văn Năm (phường Bến Nghé, quận 1) - nơi tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc - cũng không dùng tiếng Việt. Một số biển hiệu khác chỉ ghi địa chỉ tiếng Việt, còn món ăn vẫn dùng tiếng nước ngoài.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống nên các tuyến đường ở đây tràn lan biển hiệu quảng cáo dùng tiếng nước ngoài. Hàng loạt nhà hàng, tiệm tạp hóa, doanh nghiệp ở khu Hưng Gia, Hưng Phước (phường Tân Phong, quận 7) dùng bảng hiệu có tiếng nước ngoài. Một số biển hiệu khác sử dụng 2 ngôn ngữ nhưng chỉ có vài từ tiếng Việt để lách luật. Tương tự, một số nhà hàng ở quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống cũng dùng tiếng Trung Quốc với kích cỡ lớn hơn tiếng Việt.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP HCM, TP hiện có 175.156 biển hiệu, trong đó 11.127 biển hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, trong số này có 1.507 biển hiệu nước ngoài, tập trung nhiều ở các quận 1, 3, 5, 7, quận Bình Thạnh. Sở này đã phối hợp với các quận, huyện thông báo đến 6.841 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có biển hiệu sai quy định để tự điều chỉnh. Trong 4 tháng đầu năm 2014, Sở VH-TT-DL đã xử phạt gần 3.000 biển hiệu sai phép với hơn 2 tỉ đồng.
Đại diện Sở VH-TT-DL TP cho biết việc chấn chỉnh quảng cáo sai phép gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhu cầu bảng quảng cáo nhỏ (dưới 20 m2) tại nơi sản xuất là rất lớn nhưng Nghị định 181/2013-NĐ-CP lại không hướng dẫn rõ nên sở không có căn cứ pháp lý chấp thuận cho các cá nhân, doanh nghiệp có thông báo sản phẩm quảng cáo. Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo rượu và việc cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức cũng không được hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho việc xử phạt. Vừa qua, thanh tra sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và tháo dỡ 12 vị trí quảng cáo sai quy định trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp).
Quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP, cho biết UBND TP vừa có chỉ đạo sở phối hợp với các ban ngành, địa phương xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL tăng cường kiểm tra, xử lý các biển hiệu, biển quảng cáo, băng rôn vi phạm Luật Quảng cáo, xử lý theo Nghị định 158/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. “Đến ngày 30-9, các địa phương sẽ báo về tình hình quảng cáo ngoài trời tại địa phương mình để Sở VH-TT-DL tổng hợp trình lên UBND TP phê duyệt” - ông Minh cho biết.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo