Quảng Nam: Ai tiếp tay cho hàng chục bến tập kết cát không phép hoạt động trong khu dân cư?
Người dân ở xã Điện Minh, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phản ánh đến Doanh nghiệp Việt Nam tình trạng gần 10 bến tập kết cát ngay sát nhà dân hoạt động hết công xuất, gây ồn ào, xe cộ ra vào gây mất ATGT trên tuyến đường đi lại của dân và khu vực dân cư sinh sống.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, sáng 22/3, PV có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận thì chỉ trên một đoạn đường dài chưa được 500m từ xã Điện Minh hướng về huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện gần 10 bến bãi tập kết cát, dưới nước thì tàu chở cát xếp hàng để múc cát lên bờ, phía trên thì các loại xe từ nhỏ đến lớn xếp hàng để đến lượt xuống lấy cát dưới bãi... Xe 4 chân xếp hàng ngoài đường để vào bến lấy cát.
Không chỉ vậy, trên đường chính, các xe loại 4 chân có trọng tải hơn 30 tấn xếp thành hàng dài chiếm 1/2 con đường, mặc dù đây là tuyến đường có rất nhiều phương tiện qua lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các xe tham gia giao thông ở đây.
Điều khá ngạc nhiên là gần 10 bãi tập kết gần nhau hoạt động xen kẽ trong các nhà dân mà vẫn vô tư hoạt động nhộn nhịp, chẳng khác gì công trường lớn đang xây dựng, xe thì tấp lập lên xuống, máy múc cát hoạt động hết công xuất nhưng không một bến bãi nào có biển tên công ty hay đơn vị...
Người dân muốn sang đường cũng khó vì xe chở cát đậu đỗ ra vào đã gần hết đường, chưa nói gì đến hàng chục phương tiện ô tô, xe máy chạy liên tục qua tuyến đường này.
Không chỉ vậy, có bãi tập kết cát có lượng xe cộ ra vào chở cát liên tục lại đi qua con đường bê tông của thôn. Bà N. (46 tuổi), một người dân sống ngay khu vực gần 10 bãi tập kết cát cho biết: "Mặc dù người dân chúng tôi cũng có ý kiến nhiều, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn để cho các bãi cát ô nhiễm này tồn tại, nhất là mỗi khi có gió là cát bay đầy nhà..".
Để tìm hiểu rõ vụ việc ngoài các bãi tập kết cát hoạt động có được cấp phép hay không? Vấn đề gây ô nhiễm môi trường khu dân cư và ATGT cho cả tuyến đường mà người dân bản địa và người tham gia giao thông đi qua đang phải gánh chịu. PV đã nhiều lần liên lạc trong hai ngày 22-23/3 với ông Trần Bường Chủ tịch UBND xã Điện Minh, nhưng ông Bường đều nói là đang "họp".
Còn trả lời với PV về vụ trên, ông Phạm Ngọc Anh, phó Trưởng phòng TN&MT TX Điện Bàn cho biết: "Những bãi tập kết đó, trước đây hình thành từ rất lâu đời rồi. Nói chung là trong quá trình là vừa rồi chúng tôi đã thống kê kiểm tra hết lại rồi và hướng dẫn người ta làm các trình tự thủ tục tiếp theo để chỉnh đốn lại cho nghiêm túc mà".
Câu trả lời của ông Anh ở đây là bãi cát hoạt động lâu đời rồi. Vậy, nếu không có chỉ đạo vừa rồi của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu là quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản và xử lý nghiêm những đơn vị khai thác trái phép thì ông Anh là người trực tiếp quản lý ở địa phương liệu có đi kiểm tra "để chỉnh đốn lại cho nghiêm túc?". Vậy cái "không nghiêm túc" ở đây đã tồn tại từ lâu, tại sao không xử lý?
Một địa điểm tập kết của gần 10 bãi cát nhếch nhác, bụi bặm gây ô nhiễm trong khu dân cư, rồi mất ATGT mà vị phó phòng TN&MT TX Điện Bàn vẫn "hồn nhiên" nói rằng: "Tất tần tật nó hợp pháp hết đó, có cái môi trường ý, hắn có dính là dính đến môi trường thôi. Coi như hắn được ủy ban thị xã chấp nhận môi trường"?.
Cái "tất tần tật đủ giấy phép hết và coi như hắn được ủy ban thị xã chấp nhận môi trường" mà ông phó phòng TN&MT Phạm Ngọc Anh nói là trái với quy định của nhà nước trong việc cấp phép bến bãi khai thác khoáng sản. Bởi theo quy định muốn hoạt động bến bãi (bến thủy nội địa) phải được Sở GTVT cấp phép và phải có Cam kết môi trường và sự đồng ý cho hộ cá thể, hay doanh nghiệp thuê đất của các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Quảng Nam.
Bất ngờ hơn, khi một vị lãnh đạo quản về khoáng sản trên địa bàn TX Điện Bàn khi trả lời với PV về tên đơn vị của những bãi tập kết cát lại cho rằng: "Cái vụ tên bến làm gì có chuyện đó, mình chỉ biết là ở chỗ đó thôi, chứ dựng bảng tên bến tên đồ làm gì có..", ông Anh nói.
Khi PV đặt câu hỏi, đây không phải là bãi tập kết theo hộ kinh doanh, đây như là những bến thủy nội địa khi tàu thuyền hút cát mang về và các phương tiện ra vào mua cát thì ông Anh cho hay: "Đâu cái này chỉ đi về trên luồng lạch đó thôi, nó đổ lên đó chứ".
Trả lời câu hỏi của PV là các bến tập kết cát này chưa đủ thủ tục pháp lý của cơ quan chức để hoạt động thì ông Phạm Ngọc Anh trả lời: "Chưa đủ thủ tục giờ mình phải chờ cho đủ..".
Sáng ngày 23/3, trao đổi với PV về việc gần 10 bãi tập kết cát gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư tại TX Điện Bàn đã được cấp phép hoạt động bến bãi chưa, ông Võ Văn Lâm, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết: "Có một số cái có, có một số cái không có... Thứ 2 tới này sẽ xuống kiểm tra lại..". Ông Lâm cũng nhấn mạnh những đơn vị chưa được cấp phép sẽ kiến nghị lên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam là đình chỉ hoạt động.
Một vấn đề cần quan tâm là cả TX Điện Bàn chỉ có 5 mỏ cát được cấp phép hoạt động mà đa số là các mỏ nhỏ, mỏ lớn nhất được cấp phép khai thác mới chỉ khoảng 50 ngàn khối/năm. Chỉ tính một phép tính đơn giản mỗi ngày với số lượng khoảng 50 xe có khối lượng từ 10-13 khối đến lấy cát, thì chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng thì mỏ lớn nhất được cấp phép ở TX Điện Bàn cũng... hết cát?
Vậy thời gian 9 tháng còn lại các mỏ khai thác cát ở đâu? Và số lượng hàng trăm ngàn khối cát được các mỏ hút lên bán trong thời gian này ai quản lý? Câu hỏi này dành cho các cơ quan chức năng của TX Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phản ánh thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên!
End of content
Không có tin nào tiếp theo