Quảng Ngãi: Áp dụng nhiều mô hình bảo vệ môi trường
Hạn chế sử dụng túi nilon
Nhận thấy việc phân loại chất thải tại nguồn ở các đô thị địa phương đang còn nhiều hạn chế, Hội Phụ nữ phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi đã xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ sử dụng túi nilon thông minh”.
Đã thành thói quen, hơn 2 năm nay, mỗi khi đi chợ về người dân luôn sắp xếp lại những bao nilon đựng thức ăn để tái sử dụng. Tất cả đều cho vào giỏ rác vứt đi.
Từ khi tham gia mô hình này, người dân nhận thức rõ hơn về tác hại của túi nilon đối với môi trường. Từ những kiến thức được trang bị, người dân dần thay đổi thói quen, những túi nilon đã qua sử dụng được tích cóp để tái sử dụng, hạn chế việc thải túi nilon ra môi trường.
Vì những lợi ích đem lại, đến nay mô hình này đã nhân rộng lên 8 tổ với gần 1.000 chị em đăng ký thực hiện.
Gắn giảm nghèo với bảo vệ môi trường
Bên cạnh rác thải là túi nilon, ở những vùng nông thôn trong tỉnh, lượng rác thải từ sinh hoạt và sản xuất đang ngày càng lớn. Việc thiếu ý thức của người dân cũng là một trong những yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do rác thải. Đơn cử như, nhiều nơi, người dân không thu gom rác mà trực tiếp thải rác ra những khoảng đất trống, lề đường, đồng ruộng…Chính hành động này đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm do rác thải và cản trợ việc thu gom rác tại địa phương.
Trước thực trạng đó, một số địa phương đã xây dựng mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Đi đầu trong phong trào này là xã Bình Dương (Bình Sơn). Từ năm 2011 đến nay, toàn xã có 158 hộ gia đình xây dựng hầm khí sinh học Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, 975 hộ làm hầm rút để xử lý nước thải sinh hoạt gia đình. 570 hộ tham gia vào đội thu gom rác thải. Vì thế, đến Bình Dương hôm nay hầu như không thấy cảnh nhếch nhác vì rác thải.
Tiếp đó là thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh (Đức Phổ), sau 1 năm thực hiện, mô hình này đang chứng minh được tính đúng đắn, hiệu quả tại địa phương. Theo Bà Đinh Thị Dinh – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Vĩnh Bình: Trước đây, vì không có đội thu gom rác thải, người dân lại thiếu ý thức nên nhiều tuyến đường vắng đã trở thành bãi rác, người dân vô tư xả rác hay xả chất thải chăn nuôi… khiến môi trường ô nhiễm. Nhưng giờ, cảnh tượng đó đã không còn. Hầu hết các hộ dân ở cả 4 khu dân cư của thôn đều đăng ký thu gom rác thải hoặc thực hiện chôn đốt rác thải theo đúng quy định. Cứ 3 tháng Tổ tự quản lại kêu gọi và tổ chức cho bà con dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm một lần, từng bước tạo ra hình ảnh khu dân cư không rác, đường làng ngõ xóm sạch đẹp.
Từ những kết quả mà các mô hình trên mang lại, tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục nhân rộng và tìm kiếm những mô hình mới, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh trường, khuyên khích cộng đồng chung tay cùng bảo vệ môi trường sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo