Xã hội

Quảng Ninh: Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đang bị "xâm hại"

(DNVN) - Là đơn vị được giao quản lý, vận hành toàn bộ các hoạt động trong khu danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã "tự ý" phá dỡ, xây mới khu Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, phá vỡ cảnh quan khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin về một số sai phạm của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (Cty Tùng Lâm) trong việc treo hàng chục biển quảng cáo rượu, thực phẩm chức năng sai quy định. Đại diện Cty Tùng Lâm thừa nhận đã “sơ suất” và yêu cầu gỡ toàn bộ các biển bảng quảng cáo phản cảm tại các khu nhà chờ ga cáp treo.

Nhà ga cáp treo trong quần thể khu di tích "biến" thành khu tập thể công nhân của Cty Tùng Lâm.

Qua quá trình tìm hiểu xác minh, PV tiếp tục phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong công tác xây dựng, quản lý, vận hành khu danh thắng Yên Tử. Cụ thể, đơn vị này đã tự ý thay đổi công năng của một số hạng mục trong khu vực nhà ga cáp treo, “biến” nơi đây thành khu tập thể cho công nhân ở; tự ý phá dỡ, xây mới khu vực Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm, phá vỡ cảnh quan khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Theo ghi nhận vào ngày 12/10, toàn bộ hạng mục Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm cạnh nhà ga số 1 đã bị phá dỡ tan hoang, gạch đá vẫn chỏng chơ tại khu vực mới bị dỡ. Bên cạnh đó, một số móng trụ bê tông đã mọc lên để chờ xây dựng công trình mới. Khu vực này cũng được quây kín bằng một số tấm tôn, pano khổ lớn.

Đại diện Cty Tùng Lâm khẳng định, tất cả các hạng mục đang được xây dựng trong khu di tích Yên Tử đều có đầy đủ giấy phép và nhận được sự đồng thuận lớn từ các cơ quan chức năng.

Khu Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm tan hoang sau khi bị xâm hại.

Tuy nhiên, sau khi PV đề nghị cung cấp được các văn bản, giấy phép liên quan, đơn vị này chỉ đưa ra một số văn bản liên quan đến việc đề xuất, xin ý kiến UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Cuối cùng, vị này cũng đã thừa nhận việc phá dỡ công trình khi chưa báo cáo và chưa được UBND tỉnh cấp phép, nhưng vì để “kịp tiến độ” nên vẫn tiếp tục xây dựng.

 

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, vị đại diện UBND TP Uông Bí cho biết: "Ngày 30/9, UBND TP nhận được thông tin Cty Tùng Lâm tiến hành phá dỡ hạng mục Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm trong khu Nhà văn hóa – truyền thống ga số 1 nên đã chỉ đạo phòng Văn hóa phối hợp cùng UBND xã Thượng Yên Công yêu cầu đình chỉ thi công đối với Cty Tùng Lâm."

Đến ngày 02/10, Cty Tùng Lâm mới gửi công văn số 212/CV-TL đề nghị UBND TP Uông Bí, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho phép tu sửa lại Nhà văn hóa – truyền thống với lý do công trình bị xuống cấp, dột nát!?

Sau khi nhận được công văn đề nghị của Cty Tùng Lâm, UBND TP Uông Bí đã có công văn hướng dẫn phía Cty này báo cáo xin phép UBND tỉnh Quảng Ninh theo quy định. Tuy nhiên, Cty Tùng Lâm vẫn tiếp tục tự ý xây mới hạng mục này khi chưa có ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan chuyên môn, chưa được cấp phép tu sửa, xây dựng.

Ngang nhiên xâm hại di tích quốc gia, "phớt lờ" công văn đề nghị xin giấy phép của TP Uông Bí.

Không rõ Cty Tùng Lâm “tu sửa” ra sao, chỉ thấy phần diện tích Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm đã bị phá dỡ tan hoang, thay vào đó là một công trình khác đang được ráo riết xây dựng, mở rộng hơn và “xa lạ” với công trình bị phá trước đó.

Nêu quan điểm về các vấn đề trên, ông Vũ Đức Yêm – Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, việc Cty Tùng Lâm tự ý thay đổi công năng các phòng của khu nhà ga cáp treo thành nhà tập thể của công nhân và treo biển nội quy là không hợp lý. Nếu nhu cầu cần thiết thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

 

Ông Yêm cho biết thêm, nơi Cty Tùng Lâm đang sửa chữa (Nhà thờ Tam tổ Trúc Lâm – khu vực nhà ga số 1) là khu vực ngoài di tích (!?)

Điều 34 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (Số 32/2009/QH12)

1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

 

c) Công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích.

2. Tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.”

Mạnh Hùng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo