Pháp luật

Quảng Ninh: Khai tử dịch vụ Tàu lưu trú đêm trên Vịnh vì đặc thù?

(DNVN) - Dù Bộ Tư Pháp đã “tuýt còi” với Quyết định trái luật của UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng các doanh nghiệp khai thác vận tải tàu khách du lịch lưu trú tại Quảng Ninh vẫn “hoang mang” trước kế hoạch về thời gian hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Theo thông tin, tin tức mới nhận, vừa qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản “tuýt còi” Quyết định số 4088 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và Quyết định số 3625 về việc tạm dừng việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Cụ thể, Cục cho rằng quyết định số 4088 của tỉnh Quảng Ninh có một số nội dung ban hành không đúng thẩm quyền, trái với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004,… cùng các quy định về niên hạn, vật liệu đóng tàu du lịch trái với quy định tại Nghị định số 111/2014; Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT. Vì vậy, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị tỉnh này điều chỉnh cho phù hợp.

Gần 500 tầu du lịch tại Quảng Ninh đang hoạt động trên Vịnh sẽ đi về đâu khi hết thời gian hoạt động nhưng chưa hết hạn đăng kiểm.

Đến nay, Quyết định 4088 chưa được điều chỉnh thì UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có quyết định nâng chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên hai vịnh đã nêu từ nay đến năm 2020. Quyết định này có một nội dung mới càng khiến các chủ tàu du lịch… lo lắng.

Cụ thể, Quảng Ninh sẽ không tăng số lượng tàu lưu trú (tàu ngủ đêm) hiện nay và từng bước giảm dần, tiến tới chấm dứt tàu lưu trú ở hai vịnh này. “Mỗi tàu du lịch, đặc biệt là tàu cho khách lưu trú đêm được đầu tư tương đương với khách sạn ba sao trở lên. Có những con tàu trị giá 10 tỉ đồng, nhưng nay tỉnh yêu cầu đưa chúng về các bến đò hoạt động là ép chúng tôi tự chết” - một chủ tàu du lịch hoạt động ở vịnh Hạ Long nói.

Một chủ tàu du lịch khác cho biết thêm lâu nay các chủ tàu du lịch chấp hành tất cả quy định của tỉnh, dù có cái quá cao. “Tàu gỗ du lịch hoạt động ở vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có hệ số an toàn, chống lật cao gấp đôi theo yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chúng tôi còn trang bị thiết bị định vị hiện đại và tuân thủ nghiêm các yêu cầu khác... Thế nhưng kế hoạch này là bản án tử cho hoạt động của chúng tôi” - vị này ấm ức.

Một doanh nghiệp khác phân tích: "Đối với các tàu lưu trú đêm trên Vịnh là loại hình kinh doanh phục vụ theo nhu cầu của khách, một đoàn khách khi sử dụng dịch vụ có thể chỉ 2 - 3 khách, hoặc có đôi họ chỉ thuê sử dụng dịch vụ tàu đi riêng chứ không muốn đi chung cùng đoàn khác, đây là phục vụ theo nhu cầu(hợp đồng) chứ đâu có phải dịch vụ chở khách cố định nên rất khó để bắt ép khách hàng được. Nhưng về mặt kinh tế thì doanh thu từ loại hình này hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước lại không hề nhỏ, chỉ riêng tiền vé lưu trú cũng đã lên đến gần 200 tỉ đồng, đó là còn chưa kể tiền thuế hóa đơn, thuế doanh nghiệp..."

Trả lời phóng viên, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh lấy ý kiến tham mưu của các cơ quan chức năng và ban hành kế hoạch trên. Cơ quan đầu mối và tham mưu cho UBND tỉnh là Sở GTVT.

 

Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, giải thích do nhu cầu thực tế, tỉnh có các quy định riêng về quản lý tàu du lịch. “Nhiều quy định của tỉnh có trước khi trung ương ban hành và Quảng Ninh áp dụng có kết quả tốt thì được ủng hộ. Đơn cử quy định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với các tàu du lịch cao hơn tiêu chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam bị nói trái quy định nhưng sau đó, Bộ GTVT có thông tư mới tiếp thu toàn bộ các quy định của tỉnh” - ông Minh lý giải.

Theo Quyết định 4088, tỉnh Quảng Ninh giảm thời gian hoạt động của tàu vỏ gỗ còn 15 năm và tàu vỏ sắt là 25 năm, trong khi theo Nghị định 111/2014 thì niên hạn của tàu du lịch vỏ gỗ từ 20 năm đến 25 năm và tàu vỏ kim loại tối thiểu 30 năm. Cục Kiểm tra VBQPPL xác định việc giảm niên hạn này là trái Nghị định 111/2014. Tuy vậy, ông Minh vẫn lập luận: “Chúng ta phải hiểu niên hạn khác với thời hạn hoạt động. Tàu hết 15 năm không được hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nhưng chạy nơi khác vẫn được. Khi đó, các tàu vẫn được chở người nhưng không được chở khách du lịch và có thể hoạt động ở những bến đò”.

Vậy việc chở người khác gì chở khách du lịch? Ông Minh không lý giải câu hỏi này nhưng nói: “Việc phân định các khái niệm không quan trọng” (?!)

Ngoài ra, ông Minh còn lý cho hay: “Việc hạn chế đối với tàu lưu trú đêm trên vịnh một phần cũng là do đây là loại hình dịch vụ có tính đặc thù, phức tạp như : khó khăn trong quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ…” Nhưng khi PV, hỏi về việc đã từng có doanh nghiệp, hay chủ tàu nào đã vi phạm và từng bị xử lý liên quan đến vấn đề đặc thù như ông nêu ở trên thì ông Minh lại im lặng.

Trước thông tin này, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, nói: “Các quyết định của tỉnh Quảng Ninh sai quy định rất rõ, tôi không thể nói khác. Chúng tôi có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết các văn bản trái luật và có báo cáo cho Bộ Tư pháp nhưng hơn một tháng qua, tỉnh này vẫn chưa báo cáo. Nếu UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn không giải quyết triệt để các lỗi đó, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo lên Thủ tướng”.

 

Thanh Sơn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo