Quảng Ninh: Phá đập xả lũ, cứu khẩn cấp hàng trăm hộ dân
Báo Dân Trí đưa tin, đến sang ngày 2/8, tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã xảy ra trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, nhấn chìm 500 hộ dân trên địa bàn thành phố. Cho đến trưa cùng ngày, mưa vẫn tiếp tục chút nước xuống TP Uông Bí, nước mỗi ngày một dâng cao.
Tại khu vực dân cư hồ Công Viên (giữa 2 phường Quang Trung và Thanh Sơn), nước nhanh chóng nhấn chìm các con phố, có chỗ ngập sâu trên 2 mét. Hàng trăm hộ dân bàng hoàng, hốt hoảng trước con nước lũ dâng nhanh bất thường.
Trước tính chất nghiêm trọng của đợt lũ, lãnh đạo TP Uông Bí đã báo cáo khẩn và xin ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh cho triển khai phá đập tràn Sông Sinh để cứu dân khẩn cấp. Đập tràn Sông Sinh là một trong những đập lớn, trọng điểm của thành phố Uông Bí.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tú - Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: "Chúng tôi đã xin ý kiến tỉnh để phá đập tràn thoát lũ. Việc phá đập tràn này sẽ không gây ảnh hưởng tới các hộ dân hay nguy cơ ngập úng chỗ khác vì nước từ đập tràn chảy xuống hồ Đá Bạc, hòa vào dòng chảy chung của sông lớn”.
Ông Tú cho biết thêm, cũng trong sáng sớm nay, Thành phố quyết định mua thêm 2 xuồng phao để sơ tán người dân tại các điểm ngập lụt lớn tới nơi tránh trú an toàn. Hơn 5000 người đã được huy động ứng cứu trong đợt mưa lũ này.
Theo quan sát của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội vào sáng 2/8, tại khu vực dân cư hồ Công Viên, hơn trăm hộ dân bị nước lũ dâng tràn vào nhà. Có nhiều gia đình bị nước ngập cao hơn 1m, còn ngoài khu vực đường dân sinh, nước cao ngập ngang cửa kính ô tô.
Thủ tướng lệnh tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ
Trước tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh Bắc Bộ và các bộ ngành liên quan để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, ổn định đời sống người dân sau mưa lũ.
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
Để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, có quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn.
Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động tham gia hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, kể cả các hồ đập do người dân tự đắp để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương có phương án hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, bảo đảm kế hoạch cung ứng than.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông tin để chủ động phòng, tránh.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo