Quạt sưởi, chăn điện trúng lớn trong những ngày rét đậm
Đèn sưởi, túi sưởi được mùa…
Trên một số địa chỉ bán hàng trực tuyến dễ dàng nhận thấy các thiết bị giữ ấm cho mùa đông được rao bán khá nhiều. Thông tin về sản phẩm cũng được các chủ gian hàng đăng kèm đầy đủ và chi tiết, giúp người mua dễ dàng tìm hiểu và lựa chọn. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đăng sản phẩm lên các trang web để mở rộng đối tượng, tăng cường doanh thu trong thời điểm cuối năm.
Tuy nhiên, theo anh Vũ Hải Anh - chủ cửa hàng điện máy trên phố Bà Triệu, giống như thị trường bên ngoài, nguồn cung của các sản phẩm sưởi ấm mùa lạnh trên mạng khá đa dạng và chất lượng cũng rất khác nhau. Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đặt mua, đồng thời nên chọn những gian hàng đảm bảo, có uy tín trên các website để tránh bị mất tiền oan khi mua hàng qua mạng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá các mặt hàng như quạt sưởi, túi sưởi, đệm sưởi,… đã bắt đầu tăng dần theo thời tiết. Những loại quạt sưởi nhãn hiệu Komatsu hay Nagakawa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/chiếc được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài ra, tại một số cửa hàng, siêu thị lớn, các loại đèn sưởi hồng ngoại có giá từ 1.200.000 - 1.600.000 đồng/chiếc cũng được tiêu thụ mạnh.
Bên cạnh mặt hàng quạt sưởi hút khách thì túi sưởi cũng là sản phẩm được nhiều gia đình quan tâm. Vào những ngày trời lạnh, những chiếc túi sưởi nhỏ nhắn có kích thước 20x16cm bán khá chạy. Với cách sử dụng đơn giản, chỉ cần cắm nóng lên trong khoảng thời gian 10 phút, sau đó rút điện ra là có thể ủ ấm cho cơ thể trong 4-6 tiếng, người già để túi sưởi trong chăn khi ngủ sẽ ấm đến sáng, còn đối với trẻ nhỏ có thể dùng cho bé gác chân, hoặc gối đầu, giữ ấm cho bé khi nhiệt độ xuống thấp.
Thận trọng khi sử dụng
Người dùng nên thận trọng khi sử dụng chăn điện. (Ảnh minh họa. Nguồn:Internet)
Theo ông Dương Đình Thắng, kỹ sư điện Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, người dùng không nên tự ý tháo, sửa chữa chăn điện nếu có trục trặc. Khi ngưng sử dụng, nên rút chăn ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không để nước tiếp xúc với bộ điều khiển của chăn điện, không nên quấn chăn quanh người, phải giữ khô ổ cắm và bộ điều khiển, tránh gây chập, cháy, nhất là với hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Mặc dù, chăn, đệm điện an toàn, nhưng cũng là một loại thiết bị điện, do đó không nên giặt bằng máy vì dễ bị vặn, đứt dây dẫn nhiệt bên trong.
Ngoài ra, không nên sử dụng chăn, đệm điện cho trẻ em nếu trẻ ngủ riêng, tránh trường hợp trẻ nghịch điều chỉnh nhiệt độ cao gây bỏng. Khi đắp chăn cho trẻ nhỏ, người già nên để ở nấc cao cho chăn ấm, rồi hạ xuống nấc thấp nhất. Bệnh nhân bại liệt, người say rượu không nên dùng chăn, đệm điện (nếu phải dùng thì phải có người kiểm tra nhiệt độ, tránh bị bỏng). Khi không dùng chăn cần rút phích cắm (nhất là khi ra khỏi nhà). Sau khi giặt, chăn, đệm điện phải để khô hoàn toàn mới được sử dụng. Không sử dụng chăn điện liên tục trong thời gian 10 tiếng đồng hồ. Việc sử dụng liên tục không nghỉ sẽ gây quá tải cho bộ phận chịu nhiệt.
Cũng theo ông Thắng, đối với các thiết bị quạt sưởi, đèn sưởi,… có thể làm ấm trên diện rộng thì không khí trong phòng sẽ trở nên quá khô, nhiều người cảm thấy bí, ngột ngạt, da nứt nẻ. Do vậy, khi sử dụng thiết bị sưởi trong những ngày rét đậm, không nên đặt nhiệt độ quá nóng, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời nhiều để tránh tình trạng gặp lạnh đột ngột khi bước ra khỏi phòng. Do các thiết bị này đều không có bộ phận làm ẩm nên khi dùng nên để chậu nước ở trong phòng có bật điều hòa, máy sưởi. Bên cạnh đó, không nên lạm dụng máy sưởi quá mức mà phải có thời gian nghỉ để không khí trong phòng được tái tạo, nên mở tất cả các cửa để không khí được thông thoáng. Làm như vậy sẽ giảm được đáng kể bệnh về đường hô hấp do sử dụng máy sưởi gây ra.
Thảo Nguyên (Theo ANTĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo