Xã hội

Quấy rối tình dục thường xảy ra ở ngành y tế, giáo dục

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng có biểu hiện chịu tác động của đặc thù ngành, nghề, và chủ yếu rơi vào hai ngành y tế và giáo dục. Nam giới cũng có thể là đối tượng bị quấy rối.

Đây là kết quả được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu thuộc Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Đại diện nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, cho biết, ở Việt Nam, quấy rối tình dục là vấn đề nhạy cảm. Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này.
 
Qua phỏng vấn trên 100 người, kết quả nghiên cứu cho thấy, nạn nhân của quấy rối tình dục chủ yếu là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối. Nam giới cũng có thể là đối tượng bị quấy rối, nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở phụ nữ. Rất ngẫu nhiên, những thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh các vụ việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc lại rơi chủ yếu vào hai ngành y tế và giáo dục.

 Sự ngẫu nhiên này cũng trùng hợp với những phản ánh tại các cuộc thảo luận nhóm, cho thấy có những khác biệt rõ rệt về quyền lực giữa một bên là giáo viên và bác sĩ và một bên là học sinh, bệnh nhân hoặc y tá. Kết quả các thảo luận nhóm cũng cho rằng, đối tượng dễ bị quấy rối tình dục là những người có trình độ và vị thế chuyên môn thấp, chẳng hạn như tiếp tân, thư ký, lao công, giúp việc gia đình. Tuy nhiên, quấy rối tình dục cũng xảy ra cả những người có trình độ học vấn và vị thế cao, thường dưới những hình thái phức tạp.

“Trong ngành giáo dục, các sinh viên quan sát giáo viên quấy rối nhau, nhìn thấy giáo viên quấy rối lao công. Rồi bản thân các em và bạn học đi xin điểm, thậm chí xin ở ký túc xá cũng bị thầy quấy rối. Có em chia sẻ, uất ức không biết nói với ai. Ở cuộc thảo luận tại TP.Hồ Chí Minh, những người tham gia rất tức giận, bức xúc khi kể về những trải nghiệm của họ, con họ khi đi khám bệnh. Tiếc là chúng tôi không thể đem ra để làm bằng chứng bởi họ không muốn đứng ra tố cáo. Cái dở của chúng ta hiện nay là vẫn chưa có cơ chế nào để xử lý. Đặc biệt, bệnh nhân rất sợ tố cáo bác sĩ có khi còn chết oan. Xâu chuỗi lại, sự phản ánh tại các buổi thảo luận trọng tâm hoàn toàn trùng khớp với thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng: các vụ việc quấy rối nhức nhối lại rơi chủ yếu vào 2 ngành y tế và giáo dục” - Bà Hồng cho biết.

Bà Hồng khẳng định, hiện tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một thách thức xã hội cần được quan tâm và giải quyết, do đó cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chứ không thể lảng tránh vấn đề này.

Bộ Luật Lao động mới (có hiệu lực từ tháng 1/5/2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Mức xử phạt có thể bị xử phạt từ 50-75 triệu đồng vừa được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội công bố trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt trên thiếu căn cứ và khó thực thi.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân), cho rằng khoan hãy bàn việc mức phạt, phải định nghĩa và phải có quy phạm điều chỉnh như thế nào là quấy rối tình dục.

Cùng đưa ra nhận xét xung quanh quy định xử phạt về quấy rối tình dục, ông Phạm Vũ Thiên, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số lại lưu ý đến vấn đề trong nghị định thiếu hẳn hướng dẫn về thủ tục khiếu nại tố cáo. “Ngoài những quy định cụ thể về hành vi bị xử phạt. Trước đó cần quy định rõ người tố cáo bị quấy rối tình dục sẽ được bảo vệ danh tính, giữ bí mật ra sao. Bởi nếu quy định không đủ chuẩn, không kín kẽ, có khi người đi tố cáo lại lo ngại mình sẽ trở thành nạn nhân bị công khai danh tính, hỏi xét… Và nếu như vậy thì luật sẽ không thể thực thi vì không ai muốn nhờ đến luật để tự làm hại mình thêm” - ông Thiên đóng góp.

 

 

Đoàn Huế (Theo DT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo