Quốc hội thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Cụ thể, tại Hội trường, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phiên họp sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Báo cáo kết quả giám sát tối cao “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” cho biết, việc thực hiện chương trình này đã đạt được một số kết quả.
Đến tháng 9/2016 đã có 2.045 xã, chiếm 23%, đạt tiêu chí NTM, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015.
Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành trồng trọt tăng năm 2013 là 3%, năm 2014 là 3,2%, năm 2015 là 1,6%; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha.
Chăn nuôi đã chuyển từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại. Tỉ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng lên, sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và bước đầu cho xuất khẩu. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi trồng những sản phẩm chủ lực.
Nhờ tái cơ cấu, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, năm 2013-2014 tăng 6,57%/năm, năm 2015 tăng 7,9%/năm, vượt mục tiêu đề án đặt ra tăng là 5,5-6%/năm. Sản xuất muối đã có chuyển biến tích cực, sản lượng muối năm sau cao hơn năm trước.
Trở lại diễn biến với nghị trường Quốc hội, ngày 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về: kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Trong quá trình thảo luận, đã có 45 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: về quan điểm, mục tiêu, lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế; vai trò của Nhà nước và thị trường trong tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu kinh tế tổng thể, theo ngành, vùng, lĩnh vực; Nguyên nhân, giải pháp, mục tiêu tổng thể chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010-2020; việc tinh giản biên chế; đổi mới nội dung, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; các hình thức thi tuyển trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ.
Việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân; nâng cao chất lượng nông sản; việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; về ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp; thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nông sản…
Đặc biệt, trong phiên làm việc ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo