Quốc tế

“Bộ tứ da màu” trong cuộc tranh cãi nảy lửa với Tổng thống Trump

4 nữ nghị sĩ da màu tại Hạ viện Mỹ đã vướng vào cuộc tranh cãi căng thẳng với Tổng thống Donald Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng có những phát ngôn được cho là phân biệt chủng tộc gần đây.

IS tấn công làm tê liệt đường ống dẫn khí lớn nhất ở Syria / Vì sao SAA không thể tổng tấn công tiêu diệt phiến quân tại bắc Syria?

Từ trái qua phải: “Bộ tứ” nghị sĩ Rashida Tlaib, Ilhan Omar, Ocasio-Cortez, Ayanna Pressley (Ảnh: AP)

Từ trái qua phải: “Bộ tứ” nghị sĩ Rashida Tlaib, Ilhan Omar, Ocasio-Cortez, Ayanna Pressley (Ảnh: AP)

Trong một loạt dòng trạng thái bị cho là phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội Twitter vào cuối tuần trước, mặc dù không chỉ đích danh, song Tổng thống Donald Trump gần như chắc chắn chĩa mũi dùi tấn công vào nhóm 4 tân nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Tổng thống Trump cho rằng các nữ nghị sĩ có nguồn gốc nước ngoài không có quyền phản bác về cách vận hành chính phủ Mỹ. Ông cũng kêu gọi họ trở về quê nhà để giúp cải thiện tình hình trước khi quay trở lại Mỹ.

“Thật thú vị khi chứng kiến các nữ nghị sĩ của đảng Dân chủ “Cấp tiến”, những người có nguồn gốc từ các quốc gia mà chính phủ của họ hoàn toàn là thảm họa, tồi tệ nhất, tham nhũng nhất và bất tài nhất thế giới, bây giờ lại lớn tiếng dạy bảo người dân Mỹ, quốc gia mạnh nhất và quyền lực nhất trên Trái đất, cách vận hành chính phủ của chúng tôi như thế nào. Tại sao họ không trở về và giúp cải thiện quê hương của họ, vốn là những nơi bị tàn phá hoàn toàn, những nơi tràn ngập tội phạm, rồi sau đó quay trở lại và cho chúng tôi thấy họ đã đạt được kết quả như thế nào”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Những bình luận của Tổng thống Trump ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối của dư luận. Phe Dân chủ và một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên án phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ.

“Bộ tứ” nằm trong tầm ngắm chỉ trích của ông chủ Nhà Trắng gồm Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Rashida Tlaib và Ayanna Pressley. Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 đã đưa phe Dân chủ trở lại nắm quyền kiểm soát Hạ viện, trong đó có vai trò của 4 nghị sĩ trên.

 

Họ đều là những người phụ nữ da màu và đều là công dân Mỹ. Trong “bộ tứ” được bầu vào Hạ viện này, chỉ có một người sinh ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Alexandria Ocasio-Cortez, 29 tuổi, bang New York

Sinh ra trong một gia đình lao động ở Bronx, New York, Ocasio-Cortez từng là một nhân viên bồi bàn và pha chế phục vụ trong quán rượu. Cô là “ngôi sao” gây chú ý trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái và trở thành nữ nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Mỹ.

Ocasio-Cortez xuất thân từ một trong những khu vực nghèo nàn tại New York, mẹ cô là người Puerto Rico và cha cô sống ở đây từ nhỏ. Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, Ocasio-Cortez đã nỗ lực tranh cử với số tiền ít ỏi và là đại diện da màu đầu tiên của khu vực bầu cử số 14 tại New York.

Ocasio-Cortez có quan điểm đối ngược Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách nhập cư. Cô kêu gọi việc xóa bỏ Cơ quan thi hành luật và xuất nhập cảnh Mỹ vì chính sách không khoan nhượng với người nhập cư của ông Trump.

 

Trong bình luận gửi tới Tổng thống Trump, Ocasio-Cortez viết: “Ngài Tổng thống, đất nước tôi “xuất thân”, và đất nước tôi thề trung thành, là nước Mỹ”.

Ilhan Omar, 36 tuổi, bang Minnesota

Khi Omar còn là một đứa trẻ, gia đình cô đã bỏ trốn khỏi cuộc nội chiến tại Somalia, quốc gia châu Phi với khoảng 12 triệu dân. Vào thời điểm năm 1991, Somalia bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Theo AP, trong “bộ tứ da màu”, Omar là người duy nhất không sinh ra tại Mỹ.

Omar dành nhiều năm tháng sống trong một trại tị nạn tại Kenya và nhập cư vào Mỹ với tư cách là người tị nạn vào năm 1995. Omar đủ điều kiện trở thành công dân Mỹ 5 năm sau khi gia đình cô nhập cư vào nước này.

Tại Hạ viện, Omar nhiều lần phản bác các nghị sĩ Dân chủ cấp cao liên quan tới những bình luận của cô về Israel, cũng như những gì mà Omar cho là cần thiết để xem xét vai trò của Israel tại Washington.

 

Trong bình luận gửi Tổng thống Trump, Omar viết: “Đất nước duy nhất tôi thề trung thành là nước Mỹ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đấu tranh để bảo vệ đất nước này khỏi vị tổng thống tồi tệ nhất, tham nhũng và bất tài nhất mà chúng tôi từng thấy”.

Rashida Tlaib, 42 tuổi, bang Michigan

Tlaib xuất thân từ thành phố Detroit, bang Michigan và là con gái của người nhập cư từ Palestine. Cô là nghị sĩ Mỹ gốc Palestine đầu tiên được bầu vào Hạ viện. Tlaib và Omar cũng là hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên làm việc tại Hạ viện.

Chỉ một ngày sau khi nhậm chức tại Hạ viện, Tlaib đã khởi động kế hoạch luận tội Tổng thống Trump, điều mà nhiều thành viên đảng Dân chủ tránh nhắc tới trong 2 năm qua. Đồng quan điểm với Tlaib, nghị sĩ Omar đòi luận tội tổng thống vì thúc đẩy một chương trình nghị sĩ ưu tiên người da trắng.

Trong bình luận gửi Tổng thống Trump, Tlaib viết: “Hãy cứ nói đi, ông chỉ càng khiến tôi làm việc chăm chỉ hơn thôi. Tôi tự hào về gốc gác Palestine của tôi và một kẻ bắt nạt yếu ớt như ông sẽ không bao giờ giành chiến thắng”.

 

Ayanna Pressley, 45 tuổi, bang Massachusetts

Xuất thân từ Cincinnati (bang Ohio) và lớn lên tại Chicago (bang Illinois), Pressley từng làm việc cho hạ nghị sĩ Joseph P. Kennedy và làm việc cho Thượng nghị sĩ John Kerry trong 13 năm khi ông Kerry còn công tác tại Thượng viện.

Năm 2009, Presley ứng cử vào Hội đồng thành phố Boston, bang Massachusetts và trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được làm việc trong lịch sử 100 năm của cơ quan này.

Trong bình luận gửi Tổng thống Trump, Tlaib viết: “Đây chính xác được gọi là phân biệt chủng tộc. Còn chúng tôi thể hiện cho nền dân chủ. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Ngoại trừ việc quay trở lại thủ đô Washington DC để đấu tranh cho những gia đình bị gạt ra ngoài lề và bị lăng mạ mỗi ngày”.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm