Quốc tế

'Cây đinh ba' hạt nhân tương lai của Mỹ răn đe mọi đối thủ

Với những vũ khí đáng sợ, Lầu Năm Góc đã có kế hoạch và bước đi cụ thể để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược ở quy mô lớn và sẽ kéo dài trong vài thập kỷ tới.

Hiện tại, lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ (SNF) là một trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Nhưng trong thời gian tới, Mỹ sẽ thay thế toàn bộ bộ ba vũ khí chiến lược hiện nay của họ bằng những vũ khí hiện đại nhất.Thế hệ máy bay ném bom chiến lược tiếp theo của Không quân Mỹ sẽ B-21 Raider do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển. Dự kiến B-21 sẽ bắt đầu đưa vào biên chế năm 2025.

Đến khoảng năm 2025, B-21 được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt; không quân Mỹ dự định trang bị khoảng từ 80 đến 100 chiếc B-21; thay thế hoàn toàn máy bay ném bom B-52 và B-1B hiện có. Dự kiến tổng chi phí của chương trình sẽ lên tới 55 tỷ USD vào năm 2025.

Máy bay ném bom B-21 Raider được chế tạo theo hình dạng cánh bay, có tốc độ cận âm, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn, trần bay cao và tàng hình trước radar của đối phương. Đây sẽ là máy bay mang vũ khí hạt nhân chủ lực của Mỹ; hiện tại việc phát triển các mẫu tên lửa hành trình và bom mới cho loại máy bay này cũng đang được thực hiện.

Về lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: Trong khoảng 10 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu đưa ra khỏi biên chế tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio, do lớp tàu này đã lạc hậu. Để thay thế các tàu ngừng hoạt động và duy trì thành phần hàng hải của lực lượng hạt nhân chiến lược, dự án tàu ngầm hạt nhân (SSBN) lớp Columbia đang được phát triển. Việc đóng lớp tàu này sẽ bắt đầu trong tương lai gần và việc hoàn thành toàn bộ sẽ mất khoảng 20 năm.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Columbia sẽ được khởi đóng vào năm 2021; dự kiến đến năm 2031 sẽ đưa vào trực chiến trong hải quân Mỹ và chiếc tàu ngầm thứ 12 của lớp Columbia (chiếc cuối cùng trong dự án) sẽ bắt đầu phục vụ vào năm 2042; do vậy mỗi năm phải bàn giao một tàu ngầm lớp này cho Hải quân.

Tuổi thọ của tàu ngầm lớp Columbia dự kiến là 42 năm, như vậy chiếc đầu tiên thuộc lớp này sẽ trong biên chế Hải quân Mỹ đến năm 2070, và chiếc cuối cùng rời khỏi biên chế là vào khoảng năm 2085.

Theo tính toán của Hải quân Mỹ, trung bình trong vòng đời phục vụ của một chiếc tàu ngầm lớp Columbia sẽ thực hiện 124 chiến dịch quân sự. Chi phí ước tính của một chiếc lớp Columbia là 5 tỷ USD (thời giá năm 2010). Tổng chi phí của toàn bộ chương trình, bao gồm cả chi phí vận hành, là khoảng 350 tỷ USD.

Tàu ngầm lớp Colombia dài 171 m, lượng giãn nước 20,8 nghìn tấn; được trang bị một động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và chỉ phải nạp nhiên liệu một lần duy nhất trong suốt vòng đời. Tàu được trang bị 16 bệ phóng tên lửa đạn đạo UGM-133 Trident II. Tuy nhiên hiện tại chưa có thông tin về việc phát triển vũ khí mới trang bị cho lớp tàu ngầm này.

Mặc dù 2 “mũi đinh ba” trên không và trên biển tiến hành thuận lợi, thì “mũi đinh ba” trên bộ lại gặp nhiều khó khăn; mặc dù kế hoạch thay thế Minutemans đã bắt đầu, tuy nhiên để có mẫu tên lửa mới Mỹ phải mất ít nhất 10 năm nữa.

Vào giữa năm 2016, lực lượng Không quân chịu trách nhiệm về vũ khí chiến lược đã khởi động chương trình “Răn đe chiến lược mặt đất (GBSD)” mới, nhằm tạo ra một ICBM đầy uy lực; chương trình được giao cho Công ty Boeing và Northrop Grumman.

Trong tháng 8 năm 2017, Không quân Mỹ đã ký kết hợp đồng phát triển dự án với hai công ty trên; những tài liệu của hai công ty đã được xem xét vào năm 2018. Việc lựa chọn công ty thắng thầu sẽ diễn ra vào năm 2020 và việc ký kết hợp đồng sản xuất ICBM mới sẽ được tiến hành ngay sau đó.

Tuy nhiên, vào tháng 7 năm nay, Boeing từ chối tham gia GBSD do các gặp những điều kiện bất lợi. Trong dự án ICBM của mình, Boeing đã lên kế hoạch sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, được phát triển và sản xuất bởi Orbital ATK. Nhưng cách đây không lâu, công ty Orbital ATK đã sáp nhập với Northrop-Grumman, do vậy Boeing cho rằng, việc tiếp quản nhà cung cấp có thể đe dọa tài sản trí tuệ của họ.

Trong trường hợp như vậy, Boeing cho rằng không thể tiếp tục tham gia chương trình GBSD. Hiện tại, Northrop Grumman vẫn là đối tác theo đuổi duy nhất; còn dự án có được phê duyệt cho Northrop hay không thì phải chờ vào năm tới.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, ICBM mới sẽ phải đưa vào trực chiến không muộn hơn năm tài chính 2027. ICBM mới được phát triển trong chương trình GBSD, dự kiến sẽ thay thế 450 tên lửa LGM-30G. Những tên lửa mới dự kiến sẽ hoạt động trong nửa thế kỷ - ít nhất là cho đến cuối những năm 2070 và dự kiến chương trình sẽ tiêu tốn 86 tỷ USD (với giá hiện tại).

Theo Tiến Minh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo