Quốc tế

'Lực sĩ' C-130J Super Hercules vượt mốc 2 triệu giờ bay

C-130J Super Hercules là phiên bản hiện đại nhất của gia đình 'lực sĩ' C-130 nổi tiếng đang phục vụ trong lực lượng không quân nhiều quốc gia trên thế giới.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ của Mỹ Lockheed Martin tuyên bố hôm thứ 15/10 rằng tổng số giờ khai thác trên phạm vi toàn cầu của vận tải cơ hạng trung C-130J Super Hercules đã vượt qua 2 triệu giờ bay.

Số liệu thống kê về thành tích cực kỳ ấn tượng này đã được ghi lại bắt đầu với chuyến bay đầu tiên của C-130J vào ngày 5/4/1996 , cho đến cuối tháng 7/2019 và chắc chắn con số này còn tăng thêm nhiều lần nữa trong tương lai khi ngày càng xuất hiện thêm khách hàng tiềm năng.

Tổng số 20 hai nhà khai thác từ 18 quốc gia đã đóng góp vào thành tựu này, thêm nhiều giờ bay thông qua đa dạng nhiệm vụ bao gồm chiến đấu, vận chuyển, tiếp nhiên liệu trên không, hoạt động đặc biệt, cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, thăm dò thời tiết, chữa cháy và vận chuyển hàng hóa thương mại.

Ông Rod McLean - Phó chủ tịch và Tổng giám đốc của ngành kinh doanh Air Mobility & Marine Missions tại Lockheed Martin đã công bố cột mốc trên tại Hội nghị khai thác Hercules - sự kiện thường niên của nhà sản xuất C-130 được tổ chức tại Atlanta.

Lực sĩ C-130J Super Hercules đã vượt mốc 2 triệu giờ bay trên phạm vi toàn thế giới

C-130J đã đạt được danh tiếng khi thực hiện công việc trên phạm vi toàn thế giới và thành tựu gần đây nhất chính là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về vị thế toàn cầu chưa từng có của Super Hercules, ông McLean tự hào phát biểu.

Trong tay những nhà khai thác, chiếc vận tải cơ này tiếp tục thể hiện khả năng và tính linh hoạt đã được chứng minh của C-130J với mọi nhiệm vụ. Đội ngũ của Lockheed Martin tự hào về công việc mang lại cho các phi hành đoàn Super Hercules, những người dựa vào C-130J để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cả trong và ngoài nước.

Các quốc gia có biến thể quân sự C-130J đóng góp cho số giờ bay này bao gồm (theo thứ tự giao hàng) Vương quốc Anh , Hoa Kỳ (Không quân Hoa Kỳ, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển), Australia, Italia, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Ấn Độ, Qatar, Iraq, Oman, Tunisia, Israel, Kuwait, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Pháp và Bahrain.

Không thể bỏ qua phần đóng góp cực kỳ quan trọng của Lockheed Martin Flight Operations, khi đây chính là phi hành đoàn tập hợp những người đầu tiên bay trên mọi chiếc C-130J Super Hercules được sản xuất.

Mô hình vận tải cơ C-130J Hercules được Lockheed Martin giới thiệu tại Triển lãm DSE 2019

Không lực Hoa Kỳ duy trì phi đội C-130J lớn nhất, chúng nằm trong các đơn vị trực chiến, trung tâm huấn luyện bay hay các đơn vị làm nhiệm vụ dự bị chiến lược.

Ngoài ra còn phải kể đến phi hành đoàn của Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng hỗ trợ các chuyến bay thử nghiệm của C-130J tại Trung tâm Hàng không của Lockheed Martin ở Marietta, Georgia, nơi sản xuất C-130.

Trong số các khách hàng tiềm năng của C-130J, không quân nhân dân Việt Nam đang nổi lên như một ứng viên sáng giá khi vào đầu tháng 10/2019, Lockheed Martin đã mang mô hình Super Hercules tới Triển lãm DSE 2019 tổ chức tại Hà Nội với mục đích chào hàng.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo