'Pháo đài bay' B-52H của không quân Mỹ tiếp cận vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga ngày 23/10 để mô phỏng ném bom căn cứ Hạm đội Baltic.
Trang Twitter PlaneRadar chuyên theo dõi máy bay trên thế giới hôm 23/10 thông báo oanh tạc cơ chiến lược Boeing B-52H Stratofortress mang số đuôi 61-0025, tên mã BRIG01, cất cánh từ căn cứ không quân Fairford, Anh đã "thực hiện bay mô phỏng ném bom căn cứ hạm đội Baltic Nga" tại Kaliningrad.
Bản đồ hành trình bay được PlaneRadar công bố cho thấy oanh tạc cơ B-52H bay qua biển Baltic rồi vòng về phía nam, bay vào không phận Litva và tiếp cận vùng lãnh thổ Kaliningrad ở khoảng cách 45 km về phía đông.
Chiếc B-52H bay ở độ cao 6.000 m với tốc độ khoảng 663 km/h. Đây là đường bay các oanh tạc cơ Mỹ áp dụng khi thực hiện đòn tấn công mô phỏng nhằm vào căn cứ hạm đội Baltic.
Đây là lần thứ hai oanh tạc cơ B-52 Mỹ tiếp cận Nga trong vòng một tuần. Một chiếc B-52H của Mỹ đến gầ bán đảo Crimea ngày 19-10 và được tiêm kích Su-27 Nga bay hộ tống 70 km, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Không quân Mỹ triển khai một biên đội bốn chiếc B-52 và khoảng 350 binh sĩ tới căn cứ Fairford hồi đầu tháng 10.
Những chiếc B-52 này thường đóng quân tại căn cứ Barksdale ở Louisiana, Mỹ và cách vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga khoảng 8.650 km.
Mỹ và các đồng minh NATO thường xuyên điều oanh tạc cơ, trinh sát cơ và máy bay không người lái tiếp cận biên giới Nga ở khu vực biển Baltic và Biển Đen.
Phòng không Nga theo dõi gần 3.000 máy bay quân sự nước ngoài bay gần biên giới nước này trong năm 2018.
NATO tăng đáng kể hiện diện quân sự gần biên giới Nga kể từ năm 2014, bao gồm tăng số lượng các cuộc tập trận và tăng số quân đồn trú tại Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic.
Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại trước việc NATO tập trung lực lượng gần lãnh thổ, đồng thời cảnh báo các sự cố có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự toàn diện.
Từng gãy cánh tại Việt Nam, nhưng nhờ những nâng cấp liên tục cộng với chiến lược tác chiến mới, pháo đài bay B-52 lại trở thành vũ khí ném bom hiệu quả trên cả máy bay B-1 và B-2.
Ra đời từ thập niên 1950, từng có thời tung hoành trên bầu trời Việt Nam, tuy nhiên cũng tại đây pháo đài bay đã nhận cái kết kinh hoàng khi bị bắn rơi khá nhiều.
Nhưng từ những kinh nghiệm xương máu đó, người Mỹ đã thay đổi chiến thuật tác chiến cũng như nâng cấp hệ thống điện tử, khiến loại máy bay này vẫn trở nên đáng sợ trong chiến tranh hiện đại.
Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, lão tướng B-52 còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.
Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 thường phải đối chọi với hệ thống phòng không mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Là một máy bay ném bom to lớn, tốc độ bay chậm nó dễ dàng trở thành mồi ngon của các hệ thống lửa đánh chặn này.
Ngoài ra các loại máy bay bảo vệ B-52 cũng chưa thực sự xuất sắc khi để đối phương len lỏi được vào đội hình, tiến đến gần B-52 để bắn phá.
Ngày nay, việc xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa hành trình, cục diện tác chiến của không quân Mỹ đã đổi khác.
Mở đầu trận đánh là màn tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ phòng không của đối phương. Tiếp đến là các máy bay tiêm kích tàng hình tràn tới tiêu diệt nốt các đài chỉ huy radar.
Lúc này pháo đài bay B-52 mới xuất hiện để dội bão lửa lên đầu đối phương.
B-52 có thể ném bom rải thảm với tổng khối lượng bom lên tới 30 tấn, số bom này tạo ra những khu hủy diệt lớn.
Một mặt các sân bay sẽ bị tên lửa hành trình tấn công khiến tiêm kích đối phương không thể cất cánh, mặt khác đội ngũ hộ tống B-52 là những chiếc tiêm kích cực mạnh, bao gồm cả tiêm kích tàng hình để có thể khống chế đối phương một cách hữu hiệu cho B-52 tác chiến.
Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52 còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công.
Những tên lửa này được phóng từ khoảng cách rất cao và rất xa khiến việc đánh chặn chúng rất khó khăn.
Bởi thế nên cho dù ra đời đã lâu, lại từng thảm bại trên bầu trời Việt Nam, nhưng nhờ những thay đổi trong chiến lược tác chiến và nâng cấp từ chính những chiếc pháo đài bay này, khiến cho chúng vẫn là những vũ khí hiệu quả mà quân đội Mỹ ưa dùng.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan gần đây cho thấy, những pháo đài bay này cất cánh từ bên trong lãnh thổ Mỹ, bay tới vùng chiến sự cách xa hàng chục ngàn cây số nhờ tiếp dầu trên không, sau khi trút bom lại bay trở lại Mỹ.
Mang nhiều bom đạn hơn, chi phí vận hành rẻ hơn hẳn máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.
B-52 vẫn được không quân Mỹ ưa chuộng nhất là trong các cuộc xung đột gần đây khi mà đối phương có lực lượng phòng không kém hiệu quả.
Cuối cùng là quyết định bất ngờ khi Mỹ sẽ duy trì loại pháo đài bay này tới tận năm 2040, tức chúng sẽ có số năm phục vụ tới 88 năm trong biên chế, nhiều hơn bất kỳ loại máy bay nào khác của không quân Mỹ.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô