(DNVN) - Năm 2018 thế giới chứng kiến nhiều biến động, trong đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bán đảo Triều Tiên chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp, hay cuộc biểu tình dữ dội ở thủ đô nước Pháp... là những sự kiện nổi bật trong 360 ngày qua.
1. Hòa giải trên bán đảo Triều Tiên
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 cùng hai cuộc gặp thượng đỉnh sau đó vào tháng 5 và 9, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un hồi tháng 6 là điểm sáng đáng chú ý trên bán đảo Triều Tiên. Các cuộc gặp này được thiết lập nhằm bàn về chấm dứt chiến tranh, hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc, hợp tác cùng phát triển.
Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa các kết quả thực sự cụ thể và hành trình này dường như vẫn còn nhiều chông gai ở phía trước. Triều Tiên mới đây tuyên bố sẽ không bao giờ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ loại bỏ mối đe dọa hạt nhân trước.
2. Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, hôm 14/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem. Các nước ngay lập tức lên tiếng phản đối bước đi của Mỹ, cho rằng điều này sẽ khiến tình hình căng thẳng gia tăng, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã đình trệ tiếp tục lâm vào bế tắc.
Việc lựa chọn ngày 14/5 để chính thức mở cửa Đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem có thể coi là một động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Tuy nhiên, bước đi này cũng được cho là sẽ đẩy cuộc xung đột Israel và Palestine tiếp tục lún sâu vào thế bế tắc, đổ dầu vào ngọn lửa Trung Đông vốn đã đầy mâu thuẫn và chia rẽ.
3. Biểu tình 'Áo vàng' ở Pháp
Với mong muốn chính phủ hủy bỏ chính sách tăng thuế xăng dầu và cải thiện đời sống người dân, phong trào "Áo vàng" ở nước Pháp đã tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội vào thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 17/11.
Đây được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối diện trong nhiệm kỳ của mình. Với việc thừa nhận một phần trách nhiệm vì cho rằng đôi khi đã làm tổn thương nhiều người với các tuyên bố của mình, ông Emmanuel Macron đã tuyên bố hàng loạt biện pháp nhượng bộ như bãi bỏ tăng thuế nhiên liệu, tăng lương cơ bản nhằm xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, biểu tình vẫn diễn ra và còn lan rộng sang nhiều nước khác.
4. Mỹ và đồng minh oanh kích Syria
"Bộ ba" Mỹ - Anh - Pháp đã nã tổng cộng 105 tên lửa vào 3 cơ sở bị nghi là nơi sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ Syria. Liên quân tuyên bố cuộc không kích này nhằm đáp trả vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ Syria tại thị trấn Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 70 người thiệt mạng.
Trong khi Mỹ và đồng minh tuyên bố đã phá hủy các mục tiêu tại Syria và khẳng định chiến dịch diễn ra thành công thì Syria và Nga đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây, đồng thời đáp trả mạnh mẽ cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 19/12 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đánh bại IS tại Syria và sẽ rút hết lính Mỹ khỏi quốc gia Ả Rập này. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố sẽ rút phần lớn lực lượng quân sự Nga khỏi Syria do đã đạt được các mục tiêu đề ra.
5. Mỹ - Trung căng thẳng vì cuộc chiến thương mại
Việc Mỹ hồi tháng Tư quyết định áp mức thuế 25% lên hàng hóa trị giá 50 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc đã mở màn cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới. Trong một động thái bất ngờ, ngày đầu tiên của tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí "đình chiến" thương mại trong 90 ngày để đàm phán.
Mặc dù vậy, vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu tại Canada theo yêu cầu của Washington đang cản trở tiến trình đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
6. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Hôm 8/5, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015 nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Trump chỉ trích thỏa thuận hạt nhân này không ngăn chặn việc Iran tiếp tục phát triển bom hạt nhân.
Tuy nhiên, các nước còn lại tham gia ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc - khẳng định Iran đã tuân thủ các cam kết và tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận.
7. "Đau đầu" việc Anh rời EU
Tiến trình đàm phán dai dẳng về việc Anh rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã khiến người Anh bắt đầu dùng dằng nửa muốn ra đi, nửa muốn ở lại. Trong khi đó, hiện nước Anh vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết như đồng Bảng Anh mất giá, hàng loạt công ty đa quốc gia ngỏ ý rời Anh...
8. Canada bắt CFO Huawei theo yêu cầu của Mỹ
Giới chức Canada ngày 1/12 đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc người phụ nữ này lừa dối các ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch liên quan tới Iran.
Vụ bắt giữ đã phủ bóng lên quan hệ Mỹ-Trung đang có xu hướng xấu đi do cuộc chiến thương mại bùng phát từ giữa năm nay và mới chỉ tạm ngưng lại hồi đầu tháng bằng một thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày. Vụ việc cũng cứa sâu thêm vào vết thương cũ trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
9. Facebook lộ thông tin 87 triệu người dùng
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Việt Nam có 427.446 tài khoản người dùng bị thu thập dữ liệu.
Sau đó, ông chủ Facebook đã xin lỗi và thừa nhận trách nhiệm vì đã hành động không đủ để ngăn chặn vụ bê bối để lộ thông tin người dùng xảy ra vừa qua. Tài sản của Mark cũng đã giảm đáng kể sau bế bối rò rỉ dữ liệu của Facebook.
10. Indonesia hứng chịu nhiều thảm họa
Trong năm nay, Indonesia là một trong những nước hứng chịu thảm họa khủng khiếp nhất tại châu Á. Trận động đất hồi tháng 8 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, trong khi hòn đảo du lịch Lombok gần Bali bị tàn phá nặng nề. Trận động đất khác hồi tháng 9 xảy ra tại Palu trên đảo Sulawesi, đông bắc Indonesia khiến 2.000 người thiệt mạng theo số liệu thống kê chính thức, tuy nhiên con số thực tế ước tính lên tới 5.000 người.
Cuối tháng 12, một trận sóng thần do núi lửa phun trào ở khu vực eo biển Sunda đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 222 người trên hai đảo Java và Sumatra của Indonesia.
Indonesia hồi tháng 10 đã chứng kiến vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air, khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Nguyệt Minh