Quốc tế

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới gồm những nước nào?

Hải quân hiện đại ở một số nước đảm trách nhiệm vụ răn đe hạt nhân chiến lược, phòng thủ tên lửa, hỗ trợ các hoạt động không gian và cứu trợ nhân đạo trên phạm vi toàn cầu.

Hải quân Mỹ

Các hạm đội tàu chiến của Mỹ thường xuyên duy trì hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dượng, Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư cũng như vùng Sừng châu Phi. Mỹ cũng thường xuyên đưa tàu chiến tới Nhật Bản và châu Âu để đảm trách các nhiệm vụ chiến thuật. Các tàu Mỹ có thể nhanh chóng hiện diện trên tất cả các vùng biển khắp thế giới.

Tàu sân bay Mỹ cùng phi đội máy bay chiến đấu. Ảnh: US Navy.

Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến với 10 tàu sân bay, 9 tàu đổ bộ tấn công, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ và 72 tàu ngầm các loại. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn sở hữu 3.700 máy bay cùng biên chế 430.000 người. Riêng số tàu sân bay Mỹ đang sử dụng nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Thậm chí, phản lực chiến đấu chuyên dụng có khả năng cất và hạ cánh trên 9 tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa và Wasp của Mỹ.

Hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Mỹ bao gồm 54 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia. 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trang bị tổng cộng 336 tên lửa đạn đạo chiến lược mang đầu đạn hạt nhân Trident. Bốn tàu lớp Ohio khác được sửa đổi để trang bị 154 tên lửa hành trình Tomahawk chuyên trách tấn công mặt đất.

Hải quân Nga

Nga thừa hưởng phần lớn đội tàu chiến hùng hậu của Hải quân Liên Xô sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhằm thay máu đội tàu chiến đang dần già nua, Nga liên tục ra mắt những mẫu chiến hạm mới nhằm tăng cường sức mạnh hải quân trong thời gian gần đây. Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng công bố kế hoạch hiện đại hóa hải quân từ nay tới năm 2020.

Tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga. Ảnh: RIA Novosti.

Hiện tại, Hải quân Nga có 79 tàu hộ tống loại lớn, một tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Trong những năm gần đây, Nga liên tục thử nghiệm và chế tạo các loại tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới cùng tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng phóng từ tàu ngầm nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.

Nga đang sở hữu số lượng lớn tàu đổ bộ lớp Alligator và Ropucha. Moscow đã đàm phán mua hai tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp nhằm hiện đại hóa hải quân. Nga hiện có 15 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình và 9 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Hải quân Trung Quốc

Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đặc biệt chú trọng phát triển hải quân trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế giúp ngân sách quốc phòng tăng gấp 10 lần kể từ năm 1989, tạo lực đẩy cho quân đội Trung Quốc nói chung và hải quân nói riêng, lột xác.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiện có một tàu sân bay đang thử nghiệm, 3 tàu vận tải đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 tàu hộ vệ, 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 50 tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng thông thường. Biên chế PLAN đạt 133.000 người với hai lữ đoàn thủy quân lục chiến biên chế 12.000 người.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục phát triển các loại máy bay để phục vụ yêu cầu của hải quân. PLAN có 650 máy bay bao gồm phản lực cất cánh từ tàu sân bay J-15 (nhái máy bay Su-33 của Nga), máy bay chiến đấu đa năng J-10, máy bay tuần duyên Y-8 và máy bay chống ngầm Z-9. Bắc Kinh còn sở hữu số lượng lớn máy bay trực thăng chuyên trách trên biển.

Hải quân Hoàng gia Anh

Trong quá khứ, Hải quân Hoàng gia Anh từng là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, từng làm chủ phần lớn các đại dương trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, lực lượng này đánh mất vị thế dẫn đầu trong thế kỷ 20 trước sự lớn mạnh của Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc. Hai tàu sân bay lớp Invincible bị loại khỏi biên chế khiến sức mạnh của Hải quân Anh càng bị suy giảm.

Hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Mirror.

Hải quân Hoàng gia Anh có 33.400 nhân viên chính thức và 2.600 lính dự bị. London đang sở hữu 3 tàu đổ bộ cỡ lớn, 19 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến lược. Không quân Hải quân Hoàng gia Anh có 149 máy bay, chủ yếu là máy bay trực thăng.

Nòng cốt của Hải quân Anh hiện nay là 6 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Daring với khả năng phòng không vượt trội. Lực lượng tàu ngầm của Anh đã giảm mạnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn đảm bảo khả năng tác chiến của Hải quân Hoàng gia. Hai tàu sân bay mới HMS Nữ hoàng Elizabeth và HMS Hoàng tử xứ Wales sẽ sớm góp mặt trong biên chế Hải quân Hoàng gia.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản

Sau thất bại trong Thế chiến II, Nhật Bản không được phép phát triển hải quân. Thay vào đó, Tokyo tạo ra Lực lượng phòng vệ biển (MSDF) nhằm thay thế vai trò hải quân. Biên chế của lực lượng này bao gồm 114 tàu chiến và 45.800 nhân viên. Nòng cốt của MSDF là các hạm đội tàu khu trục lớn, giúp đảm bảo những quyền lợi cơ bản của Nhật Bản.

Tàu khu trục trực thăng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Nhật Bản có 46 tàu khu trục, nhiều hơn số tàu cùng loại của Anh và Pháp cộng lại. Từ giữa những năm 2000, Tokyo sở hữu khu trục hạm lớp Aegis nhằm chống lại những đe dọa từ hệ thống tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Gần đây, Nhật Bản tiếp tục đóng mới 3 tàu khu trục trực thăng, đủ lớn để máy bay tàng hình F-35B có thể cất và hạ cánh.

Tàu ngầm của Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới với khả năng hoạt động ưu việt. Nhằm đối phó với sức mạnh của Hải quân Trung Quốc, Nhật Bản tuyên bố tăng cường số tàu ngầm trong thời gian tới. Nhật Bản còn sở hữu 3 tàu đổ bộ xe tăng, cho phép triển khai 300 binh sĩ, hàng chục phương tiện, trực thăng và thủy phi cơ.

Theo Hồng Duy/Zing

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo