Quốc tế

6 loại vũ khí nổi tiếng hại chủ trong 2 cuộc đại chiến thế giới

Các thủy thủ ví von tàu ngầm là chiếc quan tài sắt di động hay ê kíp vận hành xe tăng Mark I phải chịu đựng nhiệt độ hơn 48 độ C là 2 trong số những vũ khí nổi tiếng hại chủ.

Tàu ngầm điện-diesel

Công nghệ tàu ngầm bắt đầu phát triển trong những năm Thế chiến I và bùng nổ trong Thế chiến II. Cỗ máy chiến tranh dưới nước này gây nhiều thiệt hại cho tàu chiến hai bên. Tuy nhiên, tàu ngầm cũng là vũ khí cực kỳ nguy hiểm với chính thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm U-Boat của Đức, cỗ máy chiến tranh dưới nước đáng sợ nhất trong 2 cuộc đại chiến của loài người. Ảnh: History Place.

Theo Wearethemighty, trang web về quân sự của Mỹ, do hạn chế về công nghệ những năm đầu thế kỷ 20, tàu ngầm thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật đe dọa tính mạng các thủy thủ.

Pin được sử dụng để chạy động cơ khi lặn nhưng rất dễ bắt lửa làm ê kíp vận hành ngạt thở, thậm chí có thể khiến tàu nổ tung. Những quả ngư lôi dùng để tiêu diệt đối phương có thể gặp trục trặc và phát nổ trước khi rời khỏi ống phóng.

Xe tăng M4 Sherman

Xe tăng M4 trên chiến trường châu Âu. Ảnh: Wikipedia.

Các nhà lịch sử quân sự ví von, M4 Sherman là "thảm họa thiết kế" xe tăng của Mỹ những năm Thế chiến II. Bọc giáp mỏng, hỏa lực yếu, M4 tỏ ra lép vế so với xe tăng Đức Quốc xã. Khối đạn dược bố trí trong tháp pháo mỏng rất dễ phát nổ, thổi bay cả xe tăng và ê kíp vận hành ngay cả với vũ khí cỡ nòng nhỏ.

Trong quá trình chiến đấu, các binh sĩ phải treo thêm bao cát hoặc lốp xe hỏng xung quanh tháp pháo để giảm khả năng trúng đạn. Theo Wearethemighty, khoảng 1.348 xe tăng M4 bị bắn cháy trong cuộc chiến. Tuy nhiên, Sherman có chi phí thấp, dễ chế tạo với số lượng lớn để bù đắp cho những xe tổn thất trên chiến trường.

Tàu sân bay trên không

Một khí cầu lớn mang theo máy bay bên trong và thả xuống là ý tưởng độc đáo của Mỹ đầu những năm 1930. Ảnh: Wikipedia.

Sau khi kết thúc Thế chiến I, quân đội Mỹ đã nảy sinh ý tưởng độc đáo là chế tạo loại tàu sân bay trên không có thể mang theo máy bay để triển khai chiến đấu. Khái niệm "hàng không mẫu hạm bay" tương tự như các tàu sân bay trên mặt nước.

Các nhà thiết kế sử dụng loại khí cầu khổng lồ Akron mang theo 5 máy bay và một cần cẩu để đưa phi cơ ra ngoài không trung. 2 tàu sân bay trên không đã được chế tạo. Tuy nhiên, "hàng không mẫu hạm bay" liên tục gặp tai nạn trong các đợt thử nghiệm. Người ta buộc phải hủy bỏ dự án vì nguy cơ mất an toàn quá cao.

Xe tăng Mark I

Xe tăng Mark I của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Ảnh: Wikipedia.

Mark I là một trong những xe tăng đầu tiên trên thế giới do Anh chế tạo và sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Các nhà sử học quân sự đánh giá, thiết kế mang tính cách mạng này đã mở đường cho sự bùng nổ của công nghệ xe tăng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, cỗ xe tăng đầu tiên của thế giới thực sự đáng sợ với chính người sử dụng. Hệ thống thông gió kém khiến không gian bên trong tràn ngập khí carbon monoxide thải ra từ động cơ.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trong xe tới 48,8 độ C, ê kíp vận hành phải đeo mặt nạ chống độc và chịu đựng cái nóng kinh khủng. Ngoài ra, thân xe được chế tạo từ các tấm thép nối với nhau bằng đinh tán nên khi trúng đạn, nó xuyên thẳng vào bên trong gây nguy hiểm cho tổ lái.

Máy bay Albatros D.III

Phi cơ chiến đấu Albatros D.III của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Ảnh: Militaty History.

Albatros D.III là một trong những chiến đấu cơ nổi tiếng hại chủ. Thiết kế ban đầu của máy bay gặp lỗi nghiêm trọng ở phần khung sườn cho cánh chính, khiến phi cơ liên tục gặp nạn. Bên cạnh đó, bộ tản nhiệt bố trí phía trên phi công liên tục xả hơi nóng vào mặt người điều khiển.

Trong trường hợp bị trúng đạn vào bộ phận tản nhiệt, toàn bộ chất lỏng với nhiệt độ rất cao đổ xuống ngay trên đầu có thể khiến phi công tử nạn. Không quân Đức buộc phải cấm bay đối với phi cơ này cho đến khi nhà sản xuất khắc phục xong lỗi thiết kế cánh và bộ tản nhiệt.

Xe tăng lội nước Sherman DD

Xe tăng lội nước Sherman DD chuẩn bị cho cuộc đổ bộ ngày D lên Normandy, Pháp tháng 6/1944. Ảnh: Wikipedia.

Sherman DD là phiên bản thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ lội nước từ xe tăng M4 Sherman. Các kỹ sư Anh sử dụng khung gầm xe tăng M4 kết hợp với bộ khung thép bọc cao su phía trên giúp cho xe nổi trên mặt nước. Ý định của các nhà thiết kế là tạo bất ngờ cho quân đội Đức Quốc xã trong cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp.

Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Sherman DD cho thấy đây là một ý tưởng không mấy khả thi. Nó chỉ hoạt động bình thường trong điều kiện biển lặng, nếu có sóng cao trên 30,8 cm, lập tức nước tràn vào bên trong khiến xe chìm.

Khi xe chìm xuống nước, ê kíp vận hành chỉ có 5 phút để thoát ra ngoài với hệ thống oxy mang theo. Tuy vậy, Sherman DD vẫn được sử dụng trong cuộc đổ bộ Ngày D, một số chiếc bị sóng đánh chìm hoặc trôi xa khỏi bờ biển, nhưng rất nhiều xe đã bơi vào bờ thành công góp phần quan trọng đánh bại quân đội phát xít Đức.

Theo Quốc Việt/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo