6 MiG-29 và 2 Su-24 Nga tới Libya: Đập tan âm mưu thiết lập "Khmeimim thứ 2" của Thổ?
Chiến trường Libya rung chuyển trước "cơn địa chấn" al-Watiya, tướng Haftar trả giá đắt / Anh, Mỹ tìm cách giảm sức mạnh Nga trong cuộc xung đột Libya
Thổ Nhĩ Kỳ đã có được "Khmeimim thứ hai ở Trung Đông"?
Căn cứ không quân Al-Watiya được người Mỹ xây dựng trong Thế chiến 2 và nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 160 km về phía tây nam.
Là một trong những căn cứ lớn ở Libya, Al-Watiya là một khu phức hợp khổng lồ bao gồm các kho vũ khí, một trạm bơm nhiên liệu, đường băng và khu doanh trại có sức chứa hơn 7.000 binh sĩ.
6 năm qua, căn cứ này nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và cũng là trụ sở của Bộ chỉ huy tác chiến phía tây Libya.
Kể từ ngày 17/5/2020, lực lượng LNA phòng thủ Al-Watiya hứng chịu hơn 100 cuộc không kích của máy bay không người lái (UAV) đồng thời cũng là mục tiêu của các hải pháo Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa từ ngoài khơi Libya.
Sáng 18/5, thương vong quá lớn do pháo kích và không kích đã khiến chỉ huy LNA trong căn cứ ra lệnh rút lui.
Một xe kỹ thuật của lực lượng GNA trong căn cứ al-Watiya vào ngày 18/5/2020.
Theo nguồn tin địa phương, những người đầu tiên tiến vào tiếp quản căn cứ không phải dân quân Libya, cũng không phải là lính đánh thuê Syria mà là một đoàn 6 xe bọc thép màu đen chở theo một nhóm người được cho là các sĩ quan tình báo Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).
Nhà phân tích Jemai Guesmi người Tunisia bình luận rằng việc LNA để mất Al-Watiya vào tay Thổ Nhĩ Kỳ là thắng lợi mang tính chất chiến lược, đặt nền móng cho sự hiện diện quân sự gần như vĩnh viễn của Ankara ở quốc gia Bắc Phi.
Theo một số nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang yêu cầu đồng minh Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) nhường lại quyền kiểm soát trực tiếp căn cứ, tương tự như các căn cứ khác ở miền tây Libya như Mitiga, Misrata và Zwara.
Theo ông Guesmi, có Al-Watiya "trong tay" đồng nghĩa với việc Thổ kiểm soát một "tam giác chiến lược" giữa biên giới Libya, Tunisia và Algeria và đảo ngược tình thế trên chiến trường khi sử dụng "bàn đạp: này để đẩy lui LNA ở Tripoli và Tarhouna.
Các chuyên gia cho rằng những gì xảy ra ở phía tây Libya là một phần kế hoạch của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhằm thiết lập chuỗi căn cứ quân sự trên toàn khu vực Bắc Phi, điều mà ông đã trình bày trong các chuyến công du Tunisia, Algeria và Chad.
Nói cách khác, vai trò của Al-Watiya trong mắt người Thổ tương đương với Căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, Syria.
Căn cứ Al-Watiya ở miền tây Libya.
Tín hiệu cho thấy F-16 Thổ sẽ sớm được triển khai ở Al-Watiya
Ngày 18/4, tức là trước thời điểm TAF kiểm soát Al-Watiya hơn 1 tháng, trang thông tin hàng không Avia-Pro cho biết 16 tiêm kích F-16 Thổ được ít nhất là 5 máy bay tiếp dầu hỗ trợ đã vượt hàng nghìn km qua Địa Trung Hải và hướng tới Libya.
Tuy nhiên, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của LNA đã không mất cảnh giác. Ít nhất 4 tổ hợp phòng không tầm trung này đã chuyển sang trạng thái chiến đấu.
Ngay sau khi phát hiện mình đang bị chiếu radar và đối phương sẵn sàng khai hỏa, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đành phải rút lui ngay lập tức.
Nhà phân tích chuyên sâu về Thổ Nhĩ Kỳ tại tạp chí quốc phòng Jane's có trụ sở tại Anh, Ege Seckin nhận định:
"Nhiều khả năng GNA đang yêu cầu Thổ hỗ trợ quân sự mạnh hơn nhằm bảo vệ Tripoli khỏi các cuộc tấn công của LNA, đó có thể là việc triển khai tiêm kích F-16 cùng với tàu chiến tới tham chiến ở Libya.
Các căn cứ của GNA không có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ các máy bay chiến đấu theo chuẩn NATO và vị trí của chúng trên chiến trường Libya rất dễ trở thành mục tiêu trực tiếp của LNA. Chính vì vậy, các máy bay tiếp dầu sẽ phải liên tục tiến hành hỗ trợ tiêm kích Thổ vượt biển".
Nhũng gì đã diễn ra trong tuần qua cho thấy một thực tế rằng người Thổ đã không chịu bỏ cuộc vì các vấn đề địa lý, cơ sở hạ tầng ở "điểm đến" cũng như mối đe dọa đến từ Pantsir-S1 của LNA.
Trong vòng 3 ngày (kể từ 18/5 đến 21/5), Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch đặc biệt nhằm vào mục tiêu là các tổ hợp Pantsir-S1 của LNA.
Lần này "thần may mắn đã mỉm cười với Ankara kết quả của các cuộc không kích của UAV Thổ cho thấy ít nhất 9 tổ hợp Pantsir-S1 bị tiêu diệt - bên cạnh 1 tổ hợp bị bắt sống tại Al-Watiya.
Nói cách khác, Không quân Thổ đã có được điều kiện cần - căn cứ Al-Watiya và điều kiện đủ - loại bỏ Pantsir-S1 để một lần nữa đưa các tiêm kích F-16 tới Libya.
Các hệ thống Pantsir-S1 của LNA bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ săn đuổi ở Tarhunah.
Tại sao MiG-29 và Su-24 từ Nga phải qua Iran, Syria mới tới Libya?
Việc một số lượng lớn Pantsir-S1 bị Thổ tiêu diệt ở Libya là "khúc xương khó nuốt" cho ngành công nghiệp quốc phòng cũng như giới chức quân sự Nga, những người được cho là ngầm ủng hộ Tướng Khalifar Haftar, tư lệnh của LNA.
Khác với Syria, Moscow đang ở thế "há miệng mắc quai" do trong một thời gian dài kể từ mùa hè năm 2019, họ luôn đưa ra các tuyên bố rằng không có ý định ủng hộ hay "bật đèn xanh" cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Libya.
Giữa lúc "bế tắc", Thỏa thuận hợp tác quân sự được Damascus và Tobruk ký vào ngày 1/3/2020 được đánh giá là một "cơ hội vàng" để Moscow vừa giữ được "thanh danh" trong cuộc xung đột cũng như thu được lợi thế nhất định trong Libya hậu chiến.
Ngày 13/5, nguồn tin địa phương cho biết một nhóm 6 tiêm kích MiG-29 được cho là đã xuất phát từ Căn cứ không quân Nga tại Astrakhan di chuyển tới Căn cứ không quân Khmeimim tại Latakia, Syria.
Một phi đội MiG-29 của Không quân Arab Syria (SyAAF).
Điều đáng chú ý hơn là phi đội nói trên được dẫn đường bởi một chiếc Tu-154M và đã hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại căn cứ Không quân Hamedan của Iran.
Ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) Fathi Bashagha cho biết 6 tiêm kích MiG-29 Fulcrum và 2 chiếc Su-24 Fencer đã được 2 máy bay Su-35 của VKS hộ tống từ Khmeimim, Syria tới căn cứ không quân của LNA ở miền đông Libya.
Căn cứ vào một bức ảnh vệ tinh chụp tại căn cứ sân bay al-Jufrah, Libya hôm 19/5, nhà phân tích Sebastian Roblin nhận định rằng nhiều khả năng cả 6 chiếc tiêm kích tới từ Khmeimim là MiG-29S/SM tương tự như những chiếc MiG-29SM của Không quân Arab Syria (SyAAF).
Nếu nhận định của Roblin là chính xác, thì nhiều khả năng những chiếc MiG-29S/SM của SyAAF đã trải qua một quá trình bảo dưỡng và nâng cấp tại Nga trước khi được đưa tới Libya.
Ngoài ra cũng tồn tại một phương án khác là một nhóm phi công Syria đã tới Nga, tiếp nhận MiG-29S/SM trong các kho niêm cất của VKS, điều khiển chúng qua một hành trình dài từ Nga - Iran - Syria tới Libya.
Nếu tiếp tục suy luận theo hướng này, 2 chiếc Su-24 đi cùng với những chiếc MiG-29 nhiều khả năng chính là những chiếc Su-24M2 được Nga đưa tới Syria đầu năm 2020 và đã tích cực tham chiến ở tỉnh Idlib trong tháng 2/2020.
Bức ảnh vệ tinh chụp tại căn cứ sân bay al-Jufrah, Libya hôm 19/5.
Tại sao Nga đưa MiG-29 tới Libya?
Ngay sau khi thông tin về các tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 tới Libya được GNA công bố, Tư lệnh Không quân LNA Saqr al-Jaroushi tuyên bố với tờ Bloomberg:
"Một chiến dịch tập kích đường không lớn nhất trong lịch sử Libya sẽ diễn ra trong vài giờ tới và tất cả các vị trí bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng trong các đô thị sẽ là mục tiêu hợp pháp".
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù LNA đã tiến hành một số cuộc không kích vào vị trí đối phương ở miền tây Libya, nhưng các đoạn phim ghi lại quá trình trang bị vũ khi cho máy bay cho thấy MiG-23 mới là "chủ lực".
Vậy tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29S/SM của SyAAF tới Libya với mục đích gì?
Tháng 3/2020, các tiêm kích MiG-29S/SM của SyAAF đã tiến hành các cuộc tuần tra trên không phận các tỉnh Aleppo và Idlib của Syria.
Trang Avia Pro của Nga cho biết, sau khi nhận thấy sự xuất hiện của MiG-29S/SM, F-16 Thổ đã buộc phải rút lui do thực tế là MiG-29S/SM có thể tấn công khoảng cách từ 70 đến 80 km, trong khi tầm bắn tối đa của tên lửa không đối không trang bị cho F-16 Thổ chỉ khoảng 50 km.
Từ thực tế này, có thể thấy việc MiG-29 được đưa tới Libya chỉ với một mục tiêu duy nhất, đó là chuẩn bị cho tình huống F-16 Thổ Nhĩ Kỳ được đưa tới căn cứ al-Watiya và tiến hành các hoạt động không kích nhằm vào lực lượng LNA.
Cuối cùng, khi "xâu chuỗi" các diễn biến đang diễn ra với tốc độ "chóng mặt" ở Libya, có thể thấy một "ảo ảnh" của cuộc chiến mang tầm liên khu vực với sự tham gia của Thổ, Nga, Iran, Pháp, Italia, Arab Saudi, UAE, Jordan, Ai Cập, Qatar... và cả Syria, một quốc gia cũng đang chìm trong xung đột.
End of content
Không có tin nào tiếp theo