Ai giải cứu tiêm kích Su-75 Checkmate?
Cận cảnh bên trong xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BV của Nga / Khoảnh khắc UAV cảm tử tấn công “mắt thần” của tổ hợp phòng không IRIS-T
Nga rõ ràng không có ý định từ bỏ chế tạo tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate, bất chấp thực tế dự án đang bị đình trệ do gặp phải những khó khăn lớn về tài chính.
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết, tại triển lãm quân sự Aero India 2023, Moskva sẽ giới thiệu Su-75 Checkmate.
Hơn nữa theo một nguồn tin của cơ quan này, Tập đoàn Rostec có kế hoạch mời Ấn Độ tham gia dự án.
“Một phái đoàn đại diện cho các công ty sản xuất máy bay của chúng tôi sẽ đến Aero India để thảo luận về sự hợp tác chế tạo tiêm kích thế hệ thứ năm. Đặc biệt, Nga dự định mời Ấn Độ tham gia dự án Su-75 Checkmate”, nguồn tin của TASS cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Nga tham gia triển lãm này. Có thể nói, quan hệ Nga - Ấn vẫn rất quan trọng với cả hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, ví dụ vào năm 2021, Moskva đã giới thiệu hơn 200 mẫu thiết bị hàng không quân sự mới nhất.
Nga đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vào năm 2021 khi trình làng nguyên mẫu Su-75 khi họ đã hoàn thành thử nghiệm Su-57 Felon và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt.
Nga lần đầu mang Su-75 đi giới thiệu tại nước ngoài là một triển lãm do UAE tổ chức.
Sự hiện diện của quốc gia vùng Vịnh trong “chuyến trình diễn” của chiếc máy bay nói trên không phải là ngẫu nhiên.
Chính UAE đã cùng với Nga tham gia phát triển Checkmate. Giới phân tích từng cho rằng UAE sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên của Su-75.
Tuy nhiên các sự kiện trong 12 tháng qua đã khiến Abu Dhabi dần rút khỏi việc tham gia dự án. Có lẽ vì lý do này mà Nga đang tìm kiếm một đối tác mới, và họ nhìn thấy tiềm năng lớn nhất từ Ấn Độ.
Theo Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) - nhà phát triển của Checkmate, chiếc tiêm kích ứng dụng tất cả những thành tựu hiện đại nhất, thậm chí còn áp dụng cho kiến trúc mở, cho phép dễ dàng nâng cấp trong tương lai.
Đại diện Tập đoàn công nghệ nhà nước (Rostec) nói rằng Su-75 Checkmate sẽ có trí tuệ nhân tạo. Máy bay được chế tạo bằng công nghệ tàng hình và có khoang vũ khí bên trong.
Tải trọng vũ khí mà Su-75 mang theo vượt quá 7 tấn. Máy bay chiến đấu này có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu. Tốc độ tối đa của chiếc tiêm kích hạng nhẹ một động cơ lên đến Mach 1,8 và bán kính chiến đấu là 3.000 km.
Tiêm kích Su-75 Checkmate nguy cơ bị "khai tử" vì thiếu kinh phí hoàn thiện sau màn ra mắt hoành tráng. |
Nhưng tương lai của Su-75 không hề màu hồng, giới quan sát cho rằng nếu trước cuộc khủng hoảng Ukraine, "cơ hội sống sót" của Su-75 là 50%, thì ngày nay con số trên chỉ còn khoảng 10%.
Nỗ lực của phương Tây cùng với màn thể hiện của vũ khí Nga đã “loại bỏ” Su-75 Checkmate ra khỏi thị trường thiết bị quân sự quốc tế.
Bất chấp giá thành (được cho là) rẻ, Su-75 có thể không bán được vì nó chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nó rất dễ đi vào đúng "vết xe đổ" của tiêm kích hạng trung MiG-35.
Ngày nay, mua một chiến đấu cơ hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm chiến đấu là một rủi ro lớn, nhất là khi máy bay không người lái và đạn tuần kích đang thay đổi chiến trường.
Các khách hàng tiềm năng của Su-75 có lẽ sẽ chọn mua mua các hệ thống phòng không trên mặt đất để phòng thủ hơn là đặt niềm tin vào chiếc tiêm kích “mới và chưa được chứng minh” có thể tạo lập ưu thế trên không.
Vấn đề thứ hai là phụ tùng thay thế. Với các lệnh trừng phạt được áp đặt, Su-75 ở giai đoạn này (và cả trong tương lai) rất khó tồn tại, khi Nga không thể đảm bảo tình trạng kỹ thuật của chiếc phi cơ.
Vấn đề tìm kiếm nguồn cung linh kiện, phụ tùng thay thế và chi phí đào tạo phi công lái Su-75 dự kiến sẽ tăng lên. Hạn chế nhập khẩu chính là trở ngại mà Moskva đã và đang phải đối mặt.
Và động cơ nào sẽ cung cấp lực đẩy cho máy bay chiến đấu, Izdeliye-30 là ứng viên sáng giá nhất vì nó được cho là tương lai của Su-57 Felon, nhưng "trái tim" nói trên chưa thể sớm hoàn thành thử nghiệm, ít nhất cho tới năm 2025.
Mặc dù vậy, chúng ta hãy giả sử rằng người Nga đã khắc phục được vấn đề liên quan tới công nghệ tàng hình và động cơ dành cho tiêm kích Su-57 Felon.
Tuy nhiên họ vẫn chưa giải quyết được một vấn đề lớn trong hệ thống điện tử hàng không của chiếc máy bay này, ví dụ như radar mảng pha quét chủ động (AESA), đây rất có thể là hạn chế mà Su-75 Checkmate cũng gặp phải.
Ngoài ra không có thông tin xác nhận rằng Su-57 có đầy đủ cảm biến phương vị nhạy cảm. Công nghệ này hiện chỉ xuất hiện trên chiếc F-35 Lightning II của Mỹ, nếu vậy Su-75 cũng sẽ thiếu một tính năng cơ bản của tiêm kích thế hệ năm.
Trong phân khúc tiêm kích tàng hình hạng nhẹ một động cơ, cho dù ra đời sau nhưng tính năng cần thiết của Su-75 Checkmate vẫn thua kém xa F-35 Lightning II, cho nên triển vọng của nó rõ ràng không xán lạn.
Và hơn hết, Ấn Độ chắc chắn chưa thể quên những gì diễn ra với dự án hợp tác chế tạo tiêm kích FGFA, New Delhi đã đơn phương rút khỏi chương trình sau thông tin Nga không chia sẻ những công nghệ đã cam kết và giá bị nâng lên gấp nhiều lần.
Tóm lại với những khó khăn nói trên, kể cả khi mô hình tiêm kích tàng hình hạng nhẹ Su-75 Checkmate xuất hiện tại Triển lãm Aero India 2023, cơ hội dành cho nó vẫn là rất thấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo