Quốc tế

Ai sẽ trở thành lãnh đạo ở Afghanistan khi Taliban nắm quyền?

Mọi thứ giờ đã khác so với thời kỳ Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan năm 1996. Quyền lực của Taliban hiện nay không chỉ tập trung ở một người, ngoài thủ lĩnh tối cao, lực lượng này còn nhiều thủ lĩnh khác có những thế mạnh riêng và chiến lược riêng.

Bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng an ninh Afghanistan sau khi Mỹ rút quân / Mỹ, Anh sơ tán khẩn cấp công dân khỏi Afghanistan

Khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan năm 1996, không có bất cứ câu hỏi nào về hình thức chính phủ mà lực lượng này dự kiến thành lập và ai sẽ trở thành người điều hành đất nước. Giáo sĩ Mullah Mohammed Omar, người đã lãnh đạo Taliban từ 2 năm trước đó, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Afghanistan.

Khi đó, Kabul là một đống đổ nát, người dân phải sống trong cảnh nghèo đói và sợ hãi. Hầu như không có hoạt động kinh tế nào diễn ra, cũng không có điện thoại. Các phương tiện giao thông công cộng chỉ là những chiếc ô tô cổ do Nga sản xuất hoặc những chiếc xe buýt từ những năm 1970 từng sử dụng ở Đức. Taliban có thể áp đặt bất cứ điều gì họ muốn.

Mọi thứ giờ đã khác. Kể từ khi chính quyền Taliban bị liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu lật đổ sau vụ tấn công 11/9/2001, thủ đô Kabul của Afghanistan giờ đã trở thành một đô thị nhộn nhịp, đông đúc với 5 triệu người và cảnh tắc nghẽn giao thông trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc. Phần còn lại của đất nước cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhà lãnh đạo mới của Afghanistan sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp.

Các thành viên hàng đầu của Taliban tới dự đàm phán ở Doha, Qatar năm 2020. Ảnh: AFP

Các thành viên hàng đầu của Taliban tới dự đàm phán ở Doha, Qatar năm 2020. Ảnh: AFP

Ai sẽ trở thành người đứng đầu trong chính quyền mới?

Ứng viên tiềm năng nhất là Haibatullah Akhundzada, một học giả pháp luật Hồi giáo 60 tuổi. Ông Akhundzada trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan-Pakistan năm 2016.

Akhunzada lớn lên ở Panjwai, một quận ngoại ô Kandahar. Giống như hầu hết các thủ lĩnh cấp cao của Taliban, ông Akhunzada là người Pashtun, dân tộc lớn nhất của Afghanistan.

Những năm 1980, ông Akhunzada tham gia các chiến dịch chống Liên Xô bên cạnh các sinh viên tôn giáo và giáo sĩ trẻ - những người sau này trở thành lực lượng hạt nhân của Taliban. Ông từng theo học tại các trường tôn giáo ở Afghanistan và nước láng giềng Pakistan láng giềng, là “cố vấn” tôn giáo chính của thủ lĩnh Mullah Omar.

 

Trong những thập kỷ gần đây, ông Akhunzada là thẩm phán tôn giáo hàng đầu của Taliban, là người quyết định các vấn đề hóc búa như tính hợp pháp của các cuộc tấn công liều chết hay việc chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) là đúng hay sai khi nhóm khủng bố này tìm cách thiết lập sự hiện diện ở Afghanistan. Ông Akhunzada cũng tham gia giảng dạy về những văn bản tôn giáo phức tạp và có uy tín nhất trong các trường học tôn giáo.

Nổi tiếng với tính cách khắc khổ của cá nhân, Akhunzada là ứng viên tiềm năng nhất khi được Hội đồng lãnh đạo tối cao của Taliban đề cử làm thủ lĩnh tối cao của lực lượng này năm 2016. Nền tảng dân tộc, một học giả danh tiếng và học vấn uyên bác được nhiều người tôn trọng là lợi thế của Akhunzada.

Theo các nhà phân tích, ông Akhunzada có quan điểm thực dụng hơn nhiều người nghĩ khi cho phép tiến hành đàm phán với Mỹ và khuyến khích các thành viên Taliban cấp thấp hơn tìm cách thu phục cộng đồng bằng các kỹ năng quản lý và kỷ luật tốt.

Do Taliban từ lâu đã tỏ ra coi thường nền dân chủ, nên nhiều khả năng lực lượng này sẽ hủy bỏ hiến pháp năm 2004 của Afghanistan và tuyên bố thành lập một “tiểu vương quốc” Hồi giáo thay cho nước cộng hòa Hồi giáo hiện tại. Điều này có nghĩa là ông Akhunzada, “thủ lĩnh của những người trung thành”, đương nhiên sẽ nắm giữ vị trí cao nhất.

Tuy nhiên quyền lực của Taliban hiện nay không chỉ tập trung ở một người, và bản thân thủ lĩnh tối cao cũng sẽ không được hưởng sự phục tùng tuyệt đối.

 

Hội đồng lãnh đạo – còn được gọi là Quetta Shura theo tên thành phố ở phía tây Pakistan, nơi có nhiều lãnh đạo hàng đầu của Taliban sinh sống – rất quyền lực. Mặc dù có sự thống nhất cao về ý thức hệ giữa các lãnh đạo, nhưng Taliban cũng có những cấp phó quyền lực, có chiến lược ưu tiên riêng, có mạng lưới người ủng hộ riêng và cũng có nhiều mối quan hệ và tham vọng ở nước ngoài.

Những thủ lĩnh tiềm năng của Taliban

Hiện nay, một số lãnh đạo của Taliban muốn giành được sự công nhận của quốc tế, một số khác lại muốn ưu tiên thực thi các hạn chế nghiêm ngặt đối và kiểm soát người dân. Nhiều người trong số họ là thành viên hội đồng lãnh đạo và đứng đầu “các ủy ban” nắm quyền quyết định và thực thi chính sách trong nhiều lĩnh vực.

Hiện tại, ông Akhunzada có ba cấp dưới, mỗi người có những thế mạnh khác nhau. Những yếu tố này có thể xác định vị trí cuối cùng của họ trong chính quyền Taliban, có thể ở vị trí thủ tướng hoặc các vai trò tương tự.

Người được biết đến nhiều nhất là Mullah Abdul Ghani Baradar, ngoài 50 tuổi.

 

Baradar là một trong số những thành viên đầu tiên của Taliban, hiện đang đứng đầu văn phòng chính trị của lực lượng này. Ông Baradar bị bắt ở ở Karachi, Pakistan năm 2010 và phải ngồi tù 8 năm. Sau đó, ông được thả, có thể là do yêu cầu từ Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán của Taliban với Washington.

Ông Baradar đóng vai trò như đại sứ của Taliban, tiến hành các cuộc gặp trực tiếp với quan chức các cường quốc trong khu vực như Pakistan và Trung Quốc, lãnh đạo của các phong trào Hồi giáo khác. Ông cũng từng trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhân vật thứ hai là Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của Mullah Omar, hiện đang điều hành “ủy ban quân sự” của Taliban và được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch giúp đưa lực lượng này trở lại nắm quyền.

Theo một chỉ huy Taliban, Mansour Yaqoob, được cho là ngoài 30 tuổi, từng được đề xuất làm thủ lĩnh của Taliban cách đây 5 năm nhưng đã quyết định ủng hộ ông Akhundzada vì tự nhận thấy mình còn thiếu kinh nghiệm chiến trường và còn quá trẻ.

Nhân vật thứ ba và có thể là người có ảnh hưởng nhất - là người khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại nhất.

 

Sirajuddin Haqqani là con trai của cố chỉ huy mujahideen nổi tiếng Jalaluddin Haqqani, người từng tham gia chiến dịch chống Liên Xô và đã xây dựng nên một lực lượng máy bay chiến đấu mạnh mẽ trải dài khắp biên giới Pakistan-Afghanistan. Mạng lưới của Haqqani hậu thuẫn Taliban từ năm 2001 và được cho là đã tiến hành hàng chục vụ tấn công chết người ở Kabul và các nơi khác.

Theo một số nguồn tin, Haqqani hiện đã ngoài 40 tuổi, đang đảm nhận vai trò giám sát tài chính và quân sự của Taliban tại Pakistan. Ngoài ra, ông Haqqani có quan hệ mật thiết với các nhân vật cấp cao trong al-Qaida cũng như tình báo Pakistan.

Sirajuddin Haqqani có tên trong danh sách những nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và được mô tả là “được trang bị vũ khí và nguy hiểm”. Ông Sirajuddin Haqqani cũng là tác giả của bài viết “Điều chúng tôi - Taliban muốn” năm 2020 trên New York Times.

Cả ba người này đều được dự đoán sẽ đóng những vai trò quan trọng trong chính quyền mới được thành lập ở Kabul, dù chế độ này được thiết lập ở bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, rất ít người có thể suy đoán bộ ba này và ông Akhunzada sẽ làm gì với quyền lực mà họ có hiện nay.

“Họ là những người dày dặn kinh nghiệm, đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh. Họ rất thận trọng và kín kẽ”, một nhà quan sát người Afghanistan giấu tên cho biết./.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm