Quốc tế

Ấn Độ 'hất văng' FGFA, tự phát triển tiêm kích thế hệ 5 nội địa

Không quân Ấn Độ quyết định không quay lại dự án liên doanh chế tạo tiêm kích thế hệ 5 FGFA với Nga vì coi đó là 'cú lừa thế kỷ'.

Đầu năm 2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ có kế hoạch yêu cầu phê duyệt từ Ủy ban An ninh Nội các về thiết kế chi tiết đối với nguyên mẫu máy bay chiến đấu tầm trung thế hệ thứ năm tiên tiến - AMCA.

Theo Times of India, một máy bay hai động cơ sẽ được kết hợp công nghệ tàng hình, tốc độ bay siêu thanh và khả năng cơ động siêu hạng.Dự án liên quan đến việc kết hợp dữ liệu từ một số cảm biến và radar với dải ăng ten mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

Theo một trong những sĩ quan cao cấp của Không quân Ấn Độ, việc phát triển tiêm kích tàng hình là vô cùng khó khăn và tốn kém, hiện tại chỉ có F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Ông nói thêm rằng J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga không có các đặc điểm bắt buộc cần thiết liên quan đến tốc độ hành trình siêu thanh và tàng hình do chúng vẫn phải sử dụng động cơ dành cho tiêm kích thế hệ 4.

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đảm bảo rằng máy bay chiến đấu AMCA sẽ không phải chịu số phận như dự án Tejas đã được phát triển trong nhiều thập kỷ và chưa được đưa vào biên chế.

"Như đã lưu ý, công việc thiết kế chương trình AMCA bắt đầu vào năm 2009 và kéo dài đến giai đoạn 2014 - 2015.Một cấu hình máy bay chiến đấu thế hệ 5 đã được phát triển theo yêu cầu của Không quân.

Tuy nhiên vấn đề với động cơ không được giải quyết.Hiện tại, quyết định đã được đưa ra đó là trang bị cho AMCA Mark I một động cơ có giá cả phải chăng của General Dynamics với lực đẩy 98 kN".

Đồ họa tiêm kích tàng hình thế hệ 5 FGFA được Nga phát triển theo yêu cầu của Ấn Độ. Ảnh: Defence Blog.

Chỉ huy Không quân Ấn Độ, ông Rakesh Kumar Singh Bhadauria vào đầu tháng 9 năm nay đã xác nhận ý định tiếp tục công việc phát triển dự án AMCA, đây được xem là câu trả lời chính thức của New Delhi đối với chương trình FGFA liên kết cùng Nga.

Cần lưu ý rằng trước đó Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đầu tư một số tiền rất lớn cho Nga để Moskva phát triển tiêm kích tàng hình FGFA (biến thể 2 chỗ ngồi của Su-57) theo yêu cầu của New Delhi.

Tuy nhiên sau đó Ấn Độ đã rút khỏi chương trình với lý do tính năng của FGFA thua xa kỳ vọng và Nga không thực hiện nghiêm chỉnh việc chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ, bất chấp họ là nguồn cung cấp tài chính chủ chốt của dự án.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo