Ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Pháp nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước, đồng thời tiếp nhận những chiến đấu cơ Rafale đầu tiên mà nước này đặt mua từ Pháp.
Trong chuyến thăm Pháp, Bộ trưởng Rajnath Sigh chứng kiến lễ tiếp nhận chiếc chiến đấu cơ Rafale đầu tiên cho Không quân Ấn Độ (IAF) tại căn cứ không quân Merignac gần Bordeaux, Tây Nam nước Pháp.
Đây là bước đầu trong hợp đồng mua 36 chiếc Rafale của Pháp với giá trị khoảng 9 tỷ USD, được Ấn Độ ký kết với Pháp và tập đoàn Dassault Aviation từ tháng 9-2016.
Số máy bay Rafale còn lại sẽ tiếp tục được Pháp bàn giao cho Ấn Độ trong 2 năm tới.
Giới quan sát nhận định, việc sở hữu các máy bay chiến đấu Rafale sẽ giúp Ấn Độ tăng cường đáng kể tiềm lực quốc phòng giúp đối đầu với những đối thủ tiềm tàng là Pakistan và Trung Quốc.
Hiện IAF đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất, đào tạo phi công để đưa các máy bay Rafale vào hoạt động.
Theo các nguồn tin, phi đội tiêm kích Rafale đầu tiên của Ấn Độ sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Ambala gần biên giới Ấn Độ và Pakistan.
Phi đội Rafale thứ hai dự kiến bố trí tại căn cứ Hasimara, bang Tây Bengal. Phi đội Rafale thứ ba sẽ bố trí sát biên giới với Trung Quốc.
Rafale là loại tiêm kích đa năng nằm trong tốp đầu thế giới hiện nay.
Khả năng cơ động tốt, kho vũ khí đa dạng cùng hệ thống điện tử tối tân, chiến đấu cơ Rafale được đánh giá là nét tinh túy quốc phòng của Pháp.
Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí để có thể đối không, đối đất và cả đối hải.
Những chiếc Rafale đầu tiên đã phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000.
Thiết kế cánh tam giác độc đáo giúp đem lại khả năng linh hoạt cao cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đưa nó trở thành một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau.
Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu và giảm bức xạ hồng ngoại.
Tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn, 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.
Rafale được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái kiểu "nhà kính" hiện đại với các màn hình LCD khổ lớn cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí, nhiên liệu và môi trường xung quanh máy bay.
Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA.
Hệ thống này được trang bị các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa.
Hệ thống này giúp phi công nhận thức được tình huống và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nhất, tăng khả năng sống sót cho máy bay trong chiến đấu.
Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 với phiên bản hải quân. Tổng tải trọng vũ khí mang theo lên đến 9,5 tấn, nhiều hơn so với mức 8 tấn trên tiêm kích Su-30/35 của Nga.
Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ.
Rafale tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya vào tháng 3/2011. Hiện nay những chiếc máy bay này vẫn đang tham chiến tại Syria và nhận được những đánh giá tích cực.
Một số ý kiến cho rằng, 36 chiếc Rafale nguyên chiếc sản xuất tại Pháp với giá 166,21 triệu USD/chiếc, đắt gấp 3 lần tiêm kích Su-30MKI với giá 62,78 triệu USD/chiếc là "quả đắng" cho Ấn Độ.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, Rafale đắt gấp 3 lần Su-30MKI nhưng "đắt xắt ra miếng". Công bằng mà nói sức chiến đấu của Rafale cũng cao hơn hẳn Su-30MKI chứ không phải chỉ nhỉnh hơn đôi chút.
Với thiết kế cánh tam giác, cộng cánh mũi nên Rafale có độ cơ động không thua kém Su-30MKI là mấy trong khi đó hệ thống điện tử tiên tiến hơn và tải trọng vũ khí cũng hơn hẳn Su-30MKI.
Trong tập trận với F-35, Rafale là một trong số ít những tiêm kích thế hệ thứ 4 giành chiến thắng trong một số tình huống đối đầu. Hiện Rafale được coi là một trong số ít những tiêm kích thế hệ 4.5 mạnh nhất thế giới.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô