Quốc tế

Armenia tuyên bố sẵn sàng làm việc hướng tới ngừng bắn

DNVN - Armenia cho biết họ đã sẵn sàng làm việc với các hòa giải viên quốc tế để đạt được một lệnh ngừng bắn với Azerbaijan khi hai đối thủ tranh giành khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, nơi các cuộc đụng độ khốc liệt đã kéo dài sang ngày thứ sáu.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự giúp Azerbaijan chấm dứt xung đột với Armenia / Armenia mất cường kích Su-25 tiếp theo

Armenia sẵn sàng tham gia với Pháp, Nga và Mỹ - những nước đồng chủ trì nhóm hòa giải của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho cuộc xung đột, “để thiết lập lại một chế độ ngừng bắn”, Al-Jazeera dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Armenia cho biết trong một tuyên bố hôm 2/10.
Tuy nhiên, tuyên bố nói thêm rằng “hành động gây hấn này đối với Nagorno-Karabakh sẽ tiếp tục nhận được phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết của chúng tôi”.
Động thái này diễn ra sau khi các quan chức người Armenia ly khai ở khu vực Nargorno-Karabakh báo cáo thêm 54 trường hợp thương vong trong số quân do Armenia hậu thuẫn, nâng con số thiệt mạng lên 158 binh sĩ.
Ảnh: FNA.

Ảnh: FNA.

Tuyên bố của Armenia hôm thứ Sáu (2/10) đánh dấu dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể có đối thoại trong việc giải quyết đợt bùng phát mới nhất, sau nhiều ngày Yerevan và Baku từ chối nghe theo lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo phương Tây và Nga.
Azerbaijan không báo cáo bất kỳ thương vong quân sự nào nhưng cho biết 19 dân thường đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Armenia.
Có những lo ngại về việc các cuộc đụng độ sẽ mở rộng thành một cuộc chiến toàn diện, trên nhiều mặt trận có thể khiến các cường quốc trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tham gia vào cuộc chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Azerbaijan trên trường quốc tế, trong khi Nga có căn cứ quân sự ở Armenia.
Ankara đã bị Armenia cáo buộc cung cấp máy bay chiến đấu cho cuộc xung đột, kéo họ ra khỏi miền Bắc Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phủ nhận điều này.
Tổng thống Pháp Macron đã công kích Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ Năm (1/10), nói rằng tin tình báo cho biết 300 tay súng thánh chiến ở Syria đã đi qua Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến Azerbaijan.
"Một lằn ranh đỏ đã bị vượt qua", nhà lãnh đạo Pháp nói và nói thêm rằng đất nước của ông yêu cầu một lời giải thích.
Ông Macron đã đưa ra cảnh báo của mình tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussels, kêu gọi “tất cả các đối tác NATO phải đối mặt với hành vi của một thành viên NATO” (ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ).
Mặt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Macron đã thúc giục hai bên quay trở lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ lâu đời của họ.
Nga cũng gợi ý rằng họ đang đạt được tiến bộ trong các nỗ lực ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết họ sẵn sàng “phối hợp chặt chẽ” để ổn định tình hình.
Armenia và Azerbaijan đã “bị khóa” trong một cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai nằm trong Azerbaijan nhưng được kiểm soát bởi người Armenia do Yerevan hậu thuẫn.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc chiến vào những năm 1990 khiến 30.000 người thiệt mạng, nhưng không được bất kỳ quốc gia nào, kể cả Armenia, công nhận là một nước cộng hòa độc lập.
Giao tranh nổ ra định kỳ trong khu vực và các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột phần lớn đã bị đình trệ kể từ một thỏa thuận ngừng bắn năm 1994.
Armenia và Karabakh tuyên bố thiết quân luật và huy động quân đội vào Chủ nhật tuần trước (27/9), trong khi Azerbaijan áp đặt chế độ quân sự và lệnh giới nghiêm tại các thành phố lớn.
Bảo Ngọc (Theo FNA)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm