Quốc tế

Bí ẩn Lực lượng đặc nhiệm Quds Iran

Lực lượng đặc nhiệm Quds được mệnh danh là "cánh tay nối dài giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông".

Tình báo Mỹ "choáng váng" trước đòn tấn công tên lửa của Iran: Có bàn tay Nga giúp sức? / Lính đặc nhiệm Nga tới Iran bảo vệ cơ sở hạt nhân?

IRGC - một thế lực đáng gờm

Ngoài quân đội, Iran còn có một lực lượng quân sự nổi tiếng là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC, còn gọi là Pasdaran) với 125.000 người chia làm năm nhánh: Hải quân, Không quân, Lục quân; Lực lượng Quds (đặc nhiệm), và Basij (dân quân tự vệ). Tháng 5/1979, Lãnh tụ Tối cao Ruhollah Khomeini - người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran đã thành lập Pasdaran với nhiệm vụ bảo vệ chế độ và "bảo vệ lợi ích cách mạng bằng cách chiến đấu chống thù trong giặc ngoài" hoạt động song song với quân đội chính quy do nghi ngờ quân đội âm mưu đảo chính, được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lãnh tụ Tối cao Iran.

Binh sỹ thuộc IRGC: Nguồn: thetower.org
Binh sỹ thuộc IRGC: Nguồn: thetower.org

Trong thực tế, Pasdaran can thiệp cả vào các lĩnh vực chính trị và kinh tế của Iran và thậm chí vượt ra ngoài biên giới Iran. Pasdaran là một thực thể kinh tế mạnh, sở hữu tài sản khổng lồ trong nhiều lĩnh vực. Thông qua Công ty cổ phần Khatam al-Anbia được thành lập sau chiến tranh chống Iraq (năm 1988), Pasdaran đã giành được hàng trăm hợp đồng mỗi năm. Theo Quỹ Nghiên cứu về Trung Đông (Pháp), Pasdaran đang kiểm soát không dưới 60% nền kinh tế Iran thông qua các sân bay, công ty viễn thông, dầu mỏ, ngành công nghiệp nông sản thực phẩm, dược phẩm. Nhiều thành viên Pasdaran giữ các vị trí chủ chốt trong các bộ, chính quyền và trong Quốc hội Iran (Majlis); cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (từ năm 2005-2013) đã từng là thành viên Pasdaran.

Quds - một lực lượng đầy bí ẩn

Được thành lập trong Chiến tranh Iran-Iraqnhư một đơn vị đặc biệt, Quds - một nhánh của IRGC Iran chuyên về hoạt động tình báo và chiến tranh đặc biệt, có sứ mệnh giải phóng các vùng đất Hồi giáo bị chiếm, đặc biệt là al-Quds - từ đó có tên Quds. Nhiệm vụ chính của Quds là loại bỏ bất kỳ hoạt động chống chính phủ nào, tìm kiếm đồng minh của Iran tại hải ngoại, tuyên truyền để xuất khẩu cách mạng, nhất là trong cộng đồng Hồi giáo Shia. Quds hỗ trợ các tổ chức phi nhà nước ở nhiều quốc gia, bao gồm Lebanon Hezbollah, Hamas và Phong trào thánh chiến Hồi giáo ở Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây, Yemen Houthis, và lực lượng dân quân Shia ở Iraq, Syria và Afghanistan..., từ việc hậu thuẫn vũ trang cho tổ chức Taliban chống lại chính phủ Karzai thân Mỹ ở Afghanistan cho đến thực hiện vụ ám sát đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ...

Trong chiến tranh Iraq-Iran, do không có kiến thức về chiến thuật và thiếu hiệp đồng, phải sử dụng “chiến thuật biển người” để “tả xung hữu đột” trên chiến trường với Iraq, IRGC bị thiệt hại nặng nề. Quds xuất hiện đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Từ tháng 2-3/1984, Iran phát động một cuộc tấn công quy mô lớn mang tên chiến dịch “Khay-bar” do Quds phụ trách, đã xâm nhập vào Iraq và cắt đứt được tuyến đường huyết mạch Baghdad-Basra, và gần như đảo ngược cục diện cuộc chiến.

 

Sau chiến dịch này, Quds đã đạt được danh tiếng lớn, quy mô của lực lượng này được nâng cao từ 2.200 quân lên thành 15.000 quân, đồng thời cũng phụ trách nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ “hệ tư tưởng của Iran”. Thành viên cốt lõi của Quds chỉ khoảng vài nghìn người, nhiều người trong số họ có học vấn cao, biết ngoại ngữ, là những binh sĩ tinh nhuệ nhất trong IRGC và đều là người Hồi giáo. Ngày nay, Quds đã được mở rộng hơn nữa và chịu trách nhiệm về các hoạt động chiến tranh bất đối xứng, thu thập thông tin tình báo, hoạt động đặc biệt, tuyên truyền hồi giáo dòng Shia, hoạt động bí mật và tác chiến ở nước ngoài.

Quds là một đơn vị đặc biệt phụ trách thực hiện chức năng ngoại giao của Iran, thành phần của Quds hoàn toàn khác biệt với các lực lượng hoạt động đặc biệt truyền thống. Quds có 8 trụ sở ở các nơi trên thế giới, đặt tại Palestine, Lebanon, Jordan, Trung Á... Theo tạp chí “Vũ khí và Chiến thuật” (Nga), lực lượng Quds thường tuyển chọn nhân sự từ IRGC, lực lượng tình nguyện bán vũ trang Basij của Iran và một số “nhân tài” trong các lực lượng vũ trang thân Iran của các nước xung quanh và tiến hành huấn luyện toàn diện lực lượng này tại các căn cứ bí mật được ngụy trang núp bóng cơ sở dân sự.

bi an luc luong dac nhiem quds iran hinh 2
Quds-lực lượng tinh nhuệ của IRGC: Nguồn: sputniknews.com

Các cơ quan tình báo phương Tây mô tả lực lượng Quds là một “trường học 7 tháng”, được huấn luyện bài bản về hoạt động trinh sát, chế tạo và sử dụng bom mìn, ngoại ngữ, phương pháp chiến đấu trên núi, cứu thương tại chỗ, tâm lý học và liên lạc vô tuyến. Để nâng cao các kỹ năng cho lực lượng này, khóa huấn luyện có mọi trang bị cần thiết thao trường huấn luyện, trường bắn, máy bay trực thăng, xe quân sự, thiết bị điện tử và vũ khí mới nhất, trong đó các vũ khí, trang phục và sách huấn luyện tác chiến của nước ngoài đều có được thông qua các kênh đặc biệt.

Trong những năm gần đây, Lực lượng Quds được chuyển sang giúp đỡ quân nổi dậy Taliban chống lại chính quyền Karzai do NATO hậu thuẫn. Cũng có thông tin về việc đơn vị này hỗ trợ cho người Hồi giáo Bosnia chiến đấu với người Serb Bosnia trongcuộc chiến Nam Tư. Theo Viện Chính sách Cận Đông của Washington, tháng 1/2010, nhiệm vụ của Lực lượng Quds đã được mở rộng và lực lượng này cùng với Hezbollah bắt đầu một chiến dịch tấn công mới nhắm vào không chỉ Mỹ và Israel mà cả các cơ quan phương Tây khác. Gần đây nhất, các đặc vụ của Quds đã được triển khai ở Syria để tiến hành các cuộc tấn công mặt đất chống lại phiến quân Assad đối lập. Hoạt động của Quds bị xếp vào dạng khủng bố từ 2007, nên lực lượng này bị cấm ở nhiều nơi, nhất là ở Âu-Mỹ.

Các nhà nghiên cứu thuộc chính phủ Mỹ từng tin rằng, Quds cũng là một tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt giống al-Qaeda và Iran đang duy trì quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với al-Qaeda từ sau cái chết của trùm khủng bố bin Laden. Hoạt động của Quds kín đáo hơn so với al-Qaeda. Nhiều người cho rằng, tại Iran, lực lượng Quds cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các thủ lĩnh al-Qaeda, dù tổ chức này dính líu tới nhiều tội ác chống lại người Hồi giáo Shia bên ngoài Iran. Trong kịch bản xung đột nóng xảy ra giữa Mỹ và Iran, các tổ chức ủy nhiệm của Iran dưới sự chỉ đạo của Quds sẽ tấn công hàng loạt mục tiêu trên lãnh thổ Israel, Saudi Arabia và các đồng minh của Mỹ tại khu vực.

 

Ảnh hưởng bao trùm Trung Đông

Đặc nhiệm Quds là lực lượng tinh nhuệ nhất của IRGC, giúp Iran mở rộng ảnh hưởng ở mức chưa từng có tại khu vực, từng được mệnh danh là "cánh tay nối dài giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông", là “Lữ đoàn thánh chiến”. Watling ước tính đặc nhiệm Quds hiện nay có khoảng 17.000-21.000 người, phân chia thành các lữ đoàn theo từng khu vực. Nhiều báo cáo đánh giá rằng, lực lượng Quds đã giải cứu Syria và Iraq khỏi “vũng lầy khủng bố”. Ảnh hưởng của Iran ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen đã mở rộng đáng kể nhờ Quds - điều các lãnh đạo khu vực chưa từng nghĩ tới.

Sự hiện diện của Quds giúp Iran duy trì khả năng răn đe với Israel và Mỹ, những quốc gia có quan điểm thù địch với Tehran từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Quds áp dụng triệt để hình thức chiến tranh phi truyền thống và bất đối xứng, do Iran không đủ khả năng xây dựng lực lượng chính quy đối đầu trực diện với Mỹ. Họ hoạt động hoàn toàn bí mật thông qua các lực lượng ủy nhiệm, giúp Tehran phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm với những hoạt động quân sự tại Trung Đông. Một số đơn vị Quds chuyên phát triển cơ sở tình báo địa phương, tương tự Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong khi số khác đóng vai trò giống đặc nhiệm Mũ nồi Xanh (Mỹ) với nhiệm vụ huấn luyện các lực lượng vũ trang nước ngoài.

bi an luc luong dac nhiem quds iran hinh 3
Tướng Esmail Ghaani - Tân Tư lệnh Quds: Nguồn: iswnews.com

Đặc nhiệm Quds bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ, tấn công doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ và lính dù Pháp ở Beirut, Lebanon năm 1983 khiến 307 người thiệt mạng. Họ cũng bị tình nghi liên quan tới vụ tấn công một trung tâm Hồi giáo ở Buenos Aires năm 1994. Sự can dự của Iran vào Iraq sau chiến dịch quân sự của Mỹ năm 2003 khiến quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng căng thẳng. Tổng thống Mỹ Bush từng liệt Iran vào "trục ma quỷ", cáo buộc đặc nhiệm Quds cung cấp bom cho phiến quân sát hại lính Mỹ năm 2007.

Báo cáo của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết, chiến lược hành động của Quds ở Trung Đông tương tự các chiến lược phản ứng khu vực của NATO. Lực lượng này có thể điều chuyển và phối hợp một số lượng lớn dân quân xuyên biên giới. Sự kết hợp của các lực lượng dân quân và chính quyền địa phương đã hình thành một mạng lưới chính trị có sức sống mạnh mẽ. Chính phủ Iran đã đầu tư nhiều tâm huyết cho mạng lưới chính trị này, với mục tiêu “cắm rễ” lâu dài ở các nước Trung Đông.

 

Quds do Thiếu tướng Qasem Soleimani chỉ huy cho đến khi bị giết trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Sân bay Quốc tế Baghdad ngày 3/1/2020; Chuẩn tướng Esmail Ghaani được bổ nhiệm làm tân Tư lệnh trong cùng ngày. "Cái chết của tướng Soleimani khó lòng gây gián đoạn năng lực tác chiến của Quds nói riêng và Iran nói chung. Tehran nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực thi chiến lược dựa vào lực lượng ủy nhiệm và khả năng tác chiến phi truyền thống như trước đó", chuyên gia Aniseh Tabrizi thuộc RUSI nhận định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm