Quốc tế

Bị loạt tiêm kích Hàn Quốc truy đuổi, máy bay Nga 'cong đuôi' chạy?

Tần suất cũng như phạm vi những vụ đụng độ trên không giữa máy bay chiến đấu Nga và các quốc gia khác đang diễn ra ngày một nhiều hơn, kéo dài khắp từ châu Âu cho tới châu Á.

Theo truyền thông Hàn Quốc, biên đội máy bay chiến đấu Nga lại có thêm một lần xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của nước này (K-ADIZ) mà không báo trước vào hôm 22/10.

Hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 1 máy bay chỉ huy cảnh báo sớm A-50, 3 tiêm kích Su-27 và 2 máy bay ném bom Tu-95 của Nga bay vào K-ADIZ tổng cộng 4 lần từ 9h23 cho đến 14h44.

Biên đội chiến đấu cơ Nga không thông báo trước cho nước chủ nhà, bay vào K-ADIZ trên bầu trời biển Hoàng Hải và vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản.

Các máy bay quân sự Nga đã ở lại trong K-ADIZ tổng cộng 4 giờ nhưng không chiếc nào xâm nhập sâu vào không phận Hàn Quốc, tuy vậy đây vẫn là hành động bị Seoul cho là khiêu khích.

Thời gian gần đây liên tiếp ghi nhận những vụ máy bay chiến đấu Nga bị "tố" có hành động đe dọa hoặc gây nguy hại đối với lãnh thổ các quốc gia nằm lân cận.

Điển hình như tại khu vực Baltic, không quân các quốc gia NATO đã phải liên tục cho chiến đấu cơ xuất kích để đánh chặn cũng như hộ tống máy bay quân sự Nga.

Cần lưu ý rằng vào hôm 23/7, một chiếc A-50 của Nga đã 2 lần xâm phạm không phận Hàn Quốc ở nhóm đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản, buộc tiêm kích Hàn Quốc bắn hơn 300 phát pháo 20 mm cảnh cáo.

Trong sự việc vừa diễn ra, không quân Hàn Quốc đã khẩn cấp huy động tới 10 tiêm kích F-15K và KF-16 bay lên để đánh chặn tốp chiến đấu cơ 6 chiếc của Nga.

Trước sự xua đuổi của nhóm tiêm kích Hàn Quốc được vũ trang mạnh, mặc dù biên đội chiến đấu cơ Nga có tới 6 chiếc nhưng vẫn phải nhanh chóng đổi hướng và rút lui.

Đây là điều dễ hiểu khi số lượng tiêm kích Su-27 của Nga làm nhiệm vụ hộ tống chỉ có 3 chiếc, tỏ ra thất thế hoàn toàn trước 10 chiến đấu cơ cực mạnh của Hàn Quốc.

Trong 2 sự kiện mới nhất, tuy rằng không có thiệt hại cũng như tình hình chưa bị đẩy đi tới mức quá xa nhưng đây vẫn là dấu hiệu đầy nguy hiểm, cảnh báo về một thời kỳ bất ổn.

Mặc dù đã diễn ra được một ngày nhưng cho đến nay, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về cáo buộc xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không mà phía Hàn Quốc đưa ra.

Vùng K-ADIZ mà Seoul cáo buộc Nga xâm nhập được Hàn Quốc tuyên bố thiết lập năm 1950 và điều chỉnh vào năm 2013, họ yêu cầu các máy bay tiến vào khu vực phải thông báo danh tính, địa điểm và hành trình cụ thể.

Sẽ rất cần sự kiềm chế cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế của các bên liên quan để tránh xảy ra những vụ đụng độ mang đầy nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang như đã nêu trên.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo