Quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Chúng tôi đã cố liên hệ nhiều lần nhưng phía Nga không nhấc máy

"Nga sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định.

Công ty dầu mỏ phương Tây ngấm nỗi đau khi rời Nga: Shell cho biết có thể lỗ tới 5 tỷ USD / Điện Kremlin lên tiếng về loạt trừng phạt mới của Mỹ nhắm đến gia đình Tổng thống Putin

Phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Trang Washington Examiner đưa tin, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại buổi điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ hôm 7/4 cho biết: các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã không liên lạc với những người đồng cấp của họ ở Nga kể từ khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra.

Theo lời Bộ trưởng Austin, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, "và bản thân tôi đã thường xuyên nỗ lực liên hệ với những người đồng cấp của chúng tôi ở Nga để cố gắng đảm bảo duy trì đối thoại. Lần cuối cùng hai bên trao đổi là từ giữa tháng Hai vừa qua".

"Những nỗ lực liên lạc sau đó không thành công vì phía Nga không phản ứng", ông Austin nói thêm.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng ông "thất vọng" vì thái độ của phía Nga, tuy nhiên ông khẳng định rằng "điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ ngừng nỗ lực liên lạc với họ."

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 30/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đã thừa nhận Mỹ "không có cuộc trao đổi nào" với quân đội Nga, nhưng Washington "sẵn sàng thảo luận" với Moskva.

"Nhưng điều đó phải đến từ hai phía. Người Nga phải sẵn sàng nhấc máy và cho đến nay họ vẫn chưa sẵn sàng làm điều đó", ông Kirby nói.

Thêm 1 quốc gia muốn tham gia hòa đàm Nga-Ukraine

Đài RT (Nga) đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 7/4 đã tuyên bố trong cuộc họp của hội đồng an ninh nước này rằng Minsk nên có một vị trí trên bàn đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng cuộc xung đột quân sự "đang ở ngay trước ngưỡng cửa của Belarus - và nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới chúng ta. Do đó, không thể có các cuộc đàm phán nếu thiếu sự tham gia của Belarus - không thể có những thỏa thuận riêng sau lưng Belarus".

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei nói rằng Moskva và Kiev đã được thông báo về quan điểm của Minsk về vấn đề này. Ông Makei nói: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Tổng thống Belarus phải tham gia vào các cuộc đàm phán."

Điện Kremlin lên tiếng về loạt trừng phạt mới của Mỹ

Hãng RIA Novosti, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/4 vừa qua đã khẳng định: Nga chắc chắn sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nước này và những người thân của Tổng thống Vladimir Putin.

"Nga sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp", ông Peskov trả lời báo giới.

Trước đó, hôm 6/4, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã tiết lộ kế hoạch trừng phạt nhắm tới các con của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Cũng theo ông Peskov, trong ngày 7/4, Tổng thống Putin đã có cuộc họp thảo luận với các thành viên của Hội đồng An ninh Nga về cái được gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine và diễn biến của quá trình đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.

Cuộc họp có sự tham dự của Thủ tướng Mikhail Mishustin, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nga: bà Valentina Matvienko và ông Vyacheslav Volodin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cùng Thư ký Hội đồng Nikolai Patrushev, Chánh Văn phòng Tổng thống Anton Vaino, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga (SVR) Sergey Naryshkin, cũng như đặc phái viên của Tổng thống về bảo vệ môi trường, sinh thái và vận tải Sergey Ivanov.

RIA Novosti cho biết ông Peskov cũng đã bày tỏ hy vọng rằng cái Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine "sẽ kết thúc sớm trong những ngày tới, hoặc trong tương lai bằng cách đạt được mục tiêu hoặc thông qua đàm phán".

Theo ông Peskov, chiến dịch của Nga hoàn toàn có thể chấm dứt bằng giải pháp ngoại giao - "điều đó phụ thuộc vào lập trưởng của Ukraine và việc họ chấp nhận các điều kiện của Nga".

Kinh tế Nga cần bao lâu để phục hồi hậu trừng phạt?

Phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hôm 7/4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết nền kinh tế nước này hiện đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong vỏng 3 thập kỷ, nhưng nỗ lực cô lập Nga của phương Tây sẽ không thành công.

Ông Mishustin cho biết Nga sẽ cần ít nhất 6 tháng để tái thiết nền kinh tế trước tác động của làn sóng trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây.

"Nền kinh tế cần thời gian để tái thiết", ông Mishustin cho biết chính phủ Nga đã thực hiện tất cả các biện pháp có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, thiết lập chuỗi sản xuất mới và kích thích việc làm. Ông cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Nga cũng cần phải đánh giá đầy đủ năng lực của mình và tận dụng cơ hội kinh doanh mới khi các công ty nước ngoài rời Nga.

Moskva vẫn có các đồng minh và đối tác và sẽ họ sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga hoặc tiến tới xây dựng doanh nghiệp ở Nga, ông Mishustin cho biết. Theo lời Thủ tướng Nga, các nhà chức trách sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài, và lên kế hoạch tăng cường hợp tác với các đối tác trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

LHQ đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền

Đài RT (Nga) cho biết, hôm 7/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về nghị quyết đình chỉ Nga tại Hội đồng Nhân quyền do cái Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Nghị quyết do Mỹ đề xuất đã nhận được đa số ủng hộ trong số 193 thành viên: 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 24 nước bỏ phiếu chống và 58 nước bỏ phiếu trắng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Chúng tôi đã cố liên hệ nhiều lần nhưng phía Nga không nhấc máy - Ảnh 3.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về nghị quyết đình chỉ Nga tại Hội đồng Nhân quyền hôm 7/4

Nghị quyết cần 2/3 số phiếu thuận để chính thức được thông qua, không bao gồm các lá phiếu trắng.

Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã bỏ phiếu chống. Trong số các lá phiếu trấng bao gồm Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Saudi và Nam Phi.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bày tỏ lòng "biết ơn" đối với các nước thành viên LHQ đã "chọn phe đúng đắn của lịch sử" sau khi kết quả bỏ phiếu nói trên được công bố.

 

Trước Nga, quốc gia duy nhất khác từng bị đình chỉ tham gia Hội đồng Nhân quyền của LHQ là là Libya vào năm 2011, theo RT.

Phản ứng về kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Moskva rất tiếc về việc Nga bị đình chỉ - "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình, làm rõ lập trường của mình", ông Peskov nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm