Bom dơi - thứ vũ khí quái dị của quân đội Mỹ
Trong những năm tháng khốc liệt thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, rất nhiều ý tưởng phát triển vũ khí trong đó có những ý tưởng gần như điên rồ được các nhà khoa học đồng minh đưa ra nhằm tiêu diệt sức mạnh đối phương.
Trong số những ý tưởng phát triển vũ khí đó có thể kể đến dự án phát triển bom dơi của bác sĩ Lytle Adams. Ông là một nha sĩ đồng thời cũng là bạn thân của Đệ nhất phu nhân Mỹ lúc đó là Eleanor Roosevelt.
Ý tưởng điên rồ của một bác sĩ nha khoa
Theo Theatlantic, ngày 7/12/1941, khi Nhật Bản bất ngờ mở cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng, họ đã thể hiện một sức mạnh quân sự dường như không thể đánh bại. Người Mỹ cảm nhận thấy mối đe dọa lớn của Nhật Bản và chưa bao giờ lớn đến thế.
Nhằm đáp trả hành động tập kích Trân Châu Cảng cũng như ngăn chặn sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin Delano Roosevelt nhận được rất nhiều những ý tưởng phát triển vũ khí kỳ lạ trong đó có cả những ý tưởng điên rồ. Trong những ý tưởng phát triển vũ khí điên rồ đó, kế hoạch phát triển bom dơi của bác sĩ Lytle Adams gây ấn tượng mạnh với ông.
Ngày 12/1/1942, bác sĩ Adams đã viết một đề xuất khá dài gửi cho Tổng thống Roosevelt. Vị bác sĩ nha khoa đã trình bày về ý định sử dụng những con dơi mang theo những quả bom cháy tí hon thả chúng trên bầu trời Nhật Bản để thiêu rụi các thành phố.
Ông ta lập luận rằng, những con dơi có thể mang theo tải trọng gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể của nó. Chúng có thể được kiểm soát trong trạng thái “tiềm sinh” (ngủ đông) để gắn bom, sau khi bị đánh thức, chúng sẽ tìm chỗ trú ẩn trong các góc khuất của những căn nhà. Đó là thời điểm thích hợp để kích nổ các quả bom cháy và thiêu rụi các thành phố của Nhật Bản.
Sau khi đọc bản báo cáo, Tổng thống Roosevelt đã viết cho phụ tá của mình là William J. Donovan rằng “Hãy xem xét ý tưởng này, người đàn ông này không phải là một kẻ điên”. Mặc dù quân đội Mỹ còn hoài nghi tính khả thi của chương trình, họ vẫn xem đây là một cơ hội để đáp trả người Nhật.
Dự án phát triển bom dơi mang tên X-Ray đã được phê duyệt. Bác sĩ Adams được phép tuyển mộ một nhóm cộng sự. Sau một thời gian tìm kiếm, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Adams đã chọn loại dơi đuôi dài Mexico cho chương trình.
Việc tìm kiếm và kiểm soát lũ dơi là vấn đề khá đơn giản. Tuy nhiên, việc chế tạo một thiết bị gây cháy để con dơi có trọng lượng 30 gram có thể mang theo là một vấn đề không đơn giản. Quả bom cháy nhỏ nhất lúc đó có trọng lượng tới 900 gram, gấp 30 lần trọng lượng của nó. Nhà hóa học Louis Fieser được giao nhiệm vụ chế tạo một quả bom cháy đủ nhỏ để con dơi có thể mang theo.
Fieser đã đề xuất sử dụng chất napalm mà ông mới phát minh, chất gây cháy đáng sợ nhất thời đó. Louis Fieser đã chế tạo thành công một quả bom cháy hoàn hảo nặng chưa đến 20 gram. Người ta gắn quả bom này vào người con dơi bằng một chiếc kẹp phẫu thuật.
Trong quá trình thử nghiệm, một số con dơi mang theo bom đã thoát ra ngoài và đốt cháy trung tâm thử nghiệm ở New Mexico. Giới quân đội Mỹ rất ấn tượng với màn trình diễn ngoài ý muốn này. Để mang những con dơi đến Nhật Bản, bác sĩ Adams đã chế tạo một thiết bị đặc biệt hình quả bom bên trong chứa các con dơi đang ở trạng thái tiềm sinh trong những khay chứa đặc biệt.
Khi quả bom thả xuống, vỏ bọc bên ngoài sẽ tự động bung ra, một chiếc dù hãm sẽ làm chậm thời gian rơi của các khay đủ để các con dơi tỉnh lại và bay đi tìm chỗ nấp. Khi các con dơi bay lên, nó sẽ kích hoạt thiết bị hẹn giờ để quả bom phát nổ sau 30 phút. Ngày 15/12/1943, bom dơi được thử nghiệm tại bãi thử ở bang Utah với kết quả xuất sắc.
Quân đội Mỹ chính thức công nhận bom dơi vào tháng 12/1943, dự kiến nó sẽ tham chiến chống Nhật vào tháng 9/1944. Tuy nhiên, đến tháng 2/1944, quân đội Mỹ hủy bỏ dự án bom dơi mà không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào. Trong quá trình thử nghiệm, bom dơi đã tiêu tốn khoản ngân sách trị giá 2 triệu USD (khoảng 25,7 triệu USD theo tỷ giá hiện tại).
End of content
Không có tin nào tiếp theo