Bột hồng bí ẩn phủ kín California giữa thảm họa cháy rừng tại Mỹ
Thành phố giàu nhất thế giới nằm ở đâu? / Kịch bản nào cho các đồng tiền ở Đông Nam Á khi USD bứt phá trong năm 2025
Chất bột màu hồng nổi bật này đã phủ kín khắp các khu vực ngoại ô Los Angeles, che phủ lối đi, mái nhà và ô tô. Theo giới chức địa phương, hàng nghìn kilogam bột chống cháy đã được rải xuống trong tuần qua nhằm ngăn chặn ngọn lửa lây lan.
Vậy, chất bột màu hồng này có nguồn gốc và tác dụng ra sao?
Loại chất chống cháy này có tên gọi Phos-Chek, sản phẩm của công ty Perimeter, đã được sử dụng tại Mỹ từ năm 1963. Đây là loại chất chính được Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California dùng để đối phó với các đám cháy. Theo hãng thông tấn AP, vào năm 2022, Phos-Chek cũng được xem là loại chất chống cháy phổ biến nhất toàn cầu.
Mặc dù công thức chính xác của Phos-Chek không được công khai, công ty Perimeter tiết lộ rằng sản phẩm này bao gồm 80% nước, 14% muối dùng trong phân bón, 6% chất tạo màu và chất ức chế ăn mòn. Phosphate trong Phos-Chek làm thay đổi cách thực vật phân hủy xenlulo, giúp chúng không dễ cháy. Loại bột này thường được rải lên thảm thực vật và đất để ngăn lửa lan sang các khu vực xung quanh.
Theo Cục Kiểm lâm Mỹ, chất chống cháy làm giảm tốc độ lan rộng của lửa bằng cách làm mát, phủ nhiên liệu và giảm lượng oxy tiếp xúc với đám cháy. Những muối vô cơ trong chất chống cháy này còn thay đổi cách nhiên liệu cháy, giúp hạn chế khả năng bùng phát của lửa.
Về màu hồng đặc trưng, công ty Perimeter cho biết nó đóng vai trò là “dấu hiệu hỗ trợ trực quan cho phi công và lính cứu hỏa”. Màu sắc này sẽ dần nhạt đi thành màu đất sau vài ngày tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Perimeter cũng khuyến cáo rằng bột cần được vệ sinh càng sớm càng tốt để tránh khó khăn trong việc loại bỏ. “Chất chống cháy càng khô thì càng khó loại bỏ hoàn toàn,” công ty nhấn mạnh. Đối với các bề mặt nhỏ, có thể dùng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ để làm sạch, còn với bề mặt lớn, máy rửa áp lực sẽ phù hợp hơn.
Mặc dù hiệu quả, việc sử dụng chất chống cháy từng gây tranh cãi về tác động đến môi trường.
Năm 2022, tổ chức Forest Service Employees for Environmental Ethics đã cáo buộc Cục Kiểm lâm Mỹ vi phạm luật nước sạch khi thả chất chống cháy hóa học từ máy bay xuống rừng. Họ cho rằng chất này gây hại đến cá và môi trường, trong khi hiệu quả lại không cao.
Đến năm 2023, một thẩm phán Tòa án Quận của Mỹ thừa nhận lập luận này nhưng vẫn cho phép Cục Kiểm lâm tiếp tục sử dụng chất chống cháy do cơ quan này đang trong quá trình xin giấy phép từ EPA. Thị trưởng Paradise, ông Greg Bolin, ca ngợi quyết định này, cho rằng nó mang lại cơ hội sống còn cho cộng đồng trước thảm họa cháy rừng.
Năm nay, Cục Kiểm lâm Mỹ thông báo chuyển từ công thức Phos-Chek LC95 sang MVP-Fx, loại ít độc hại hơn với động vật hoang dã. Đồng thời, cơ quan này cũng áp dụng lệnh cấm rải chất chống cháy ở các khu vực nhạy cảm về môi trường, ngoại trừ khi tính mạng con người hoặc an toàn công cộng bị đe dọa.
Việc sử dụng chất chống cháy là cần thiết để đối phó với các đám cháy rừng đe dọa hàng triệu người. Theo nghiên cứu, tại miền Tây nước Mỹ, khói từ cháy rừng chiếm đến một nửa tổng lượng ô nhiễm không khí bởi các hạt gây hại sức khỏe.
Hiệp hội Alzheimer vào năm 2023 công bố nghiên cứu cho thấy khói từ cháy rừng còn nguy hiểm hơn với não bộ so với các loại ô nhiễm không khí khác, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Ông Daniel McCurry, nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California, khẳng định rằng, dù cần thêm nghiên cứu về chất chống cháy, ông vẫn coi trọng vai trò của chúng: “Nếu có một đám cháy rừng sắp lan đến ngôi nhà của tôi, tôi vẫn muốn có nhiều chất chống cháy trước nhà.”
Chỉ trong vòng một tuần, năm đám cháy lớn tại Nam California đã thiêu rụi diện tích hơn 160 km². Đám cháy Eaton gần Pasadena đã được khống chế 30%, trong khi ngọn lửa lớn nhất tại Pacific Palisades vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Công tác cứu nạn hiện vẫn tiếp diễn.
Ngày 12/1, chính quyền hạt Los Angeles thông báo số người thiệt mạng vì cháy rừng đã tăng lên 24 người, và vẫn còn 20 người mất tích.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/1 ước tính chi phí tái thiết sau các vụ cháy rừng tại Los Angeles có thể lên đến hàng chục tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo