Châu Á loay hoay mắc kẹt khi Mỹ - Trung căng thẳng đối đầu
Tổng thống Trump gây tranh cãi khi không cúi đầu chào Thái tử Anh / Hamas tuyên bố vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ “Vòm sắt” của Israel
Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đều có mặt tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn quốc phòng lớn của khu vực châu Á, vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, cả Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lẫn người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đều không nhắc đến nỗi lo ngại ngày càng tăng của các nước châu Á nhỏ hơn khi phải đứng giữa cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thay vào đó, ông Shanahan và ông Ngụy đã sử dụng các bài phát biểu được chờ đợi của mình tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore để cáo buộc nhau. Các nước nhỏ đã chứng kiến “màn đấu khẩu” của hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết đất nước của ông ngày càng có nguy cơ bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, liên quan tới yêu sách quá đáng của Bắc kinh trên Biển Đông và nhiều vấn đề khác.
“Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ vô tình vướng vào một cuộc xung đột quốc tế khác tương tự Chiến tranh Thế giới thứ I”, Bộ trưởng Lorenzana nói.
Theo CNN, Philippines có lý do để lo ngại. Quốc đảo Đông Nam Á này đã ký hiệp ước phòng vệ chung với Mỹ. Philippines cũng đang chứng kiến cảnh quân đội Trung Quốc chiếm đóng đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, đồng thời ngăn không cho Manila khai thác tài nguyên và đánh bắt hải sản.
Tuy vậy, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc chưa bao giờ lấy một tấc lãnh thổ của bất kỳ nước nào và Bắc Kinh cũng không bao giờ từ bỏ một tấc lãnh thổ của mình. Ông Ngụy đã phớt lờ các câu hỏi liên quan tới các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng được đưa ra sau bài phát biểu của ông tại Đối thoại Shangri-La hôm 2/6.
“Trong khi họ rao giảng về việc tôn trọng quyền của các quốc gia, họ lại tuyên bố yêu sách của họ đối với Biển Đông là không thể đàm phán”, ông Lorenzana nhận định về Trung Quốc.
Về phần mình, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan cho biết Mỹ sẽ vẫn tiếp tục đưa tàu chiến tới gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm của Washington trong việc duy trì một khu vực mở và tự do cho tất cả các nước.
Ông Shanahan cũng kêu gọi các đối tác và đồng minh của Mỹ tham gia vào các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Các đối tác của Mỹ đã hành động như vậy trong những tháng gần đây khi các tàu Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Pháp đồng loạt đi qua Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của Washington không nên hiện diện tại Biển Đông.
“Ai đang đe dọa đến an ninh và sự ổn định tại Biển Đông?”, ông Ngụy Phượng Hòa hỏi, rồi tự trả lời rằng đó chính là các nước ngoài khu vực, những nước “tới đây để phô diễn sức mạnh”, sau đó “rời đi và để lại một mớ hỗn độn phía sau”.
Cam kết với khu vực
Trung Quốc cũng có cách thuyết phục của riêng mình. Bộ trưởng Ngụy đã đề cập tới Sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án “khổng lồ” nhằm phát triển kinh tế cho các nước trong và ngoài khu vực.
Bộ trưởng Shanahan tuyên bố Mỹ cũng có tiền và nhắc tới Đạo luật BUILD - nguồn cung cấp tiền của Mỹ cho các nước nằm trong nhóm thu nhập trung bình và thấp. Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết tiền của Mỹ không đi kèm điều kiện ràng buộc như Trung Quốc, vì các điều kiện do Trung Quốc đặt ra có thể dẫn tới nguy cơ Bắc Kinh thâu tóm cơ sở hạ tầng của các nước nếu họ không có khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là Mỹ chưa chi nhiều tiền cho các nước theo Đạo luật BUILD. Điều này khiến Washington bị lép vế so với Bắc Kinh khi quốc gia Đông Bắc Á đang mở rộng hầu bao để chi mạnh tay cho Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Phát biểu trước các đại biểu dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Shanahan cho biết Trung Quốc nói thì hay nhưng không thực sự đáng tin cậy, cả trong việc thực hiện các cam kết cũng như tuân thủ theo luật lệ.
Trong bối cảnh các khoản tiền và sức mạnh quân sự của cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang được phô diễn, không có gì ngạc nhiên khi các nước trong khu vực vẫn đang phân vân về việc nên tin tưởng cường quốc nào, và nếu có ai đó thực sự quan tâm tới khu vực thì đó là Mỹ hay Trung Quốc.
“Cả hai bộ trưởng đều nói về sự mất lòng tin vào đối phương, cũng như sự thiếu tin tưởng giữa họ với các nước trong khu vực. Nhưng cả khu vực vẫn đang không tin tưởng vào hai nước vì nhiều lý do khác nhau. Những tuyên bố của Trung Quốc về việc trỗi dậy hòa bình mâu thuẫn với những hành động hung hăng của họ. Trong khi các cam kết của Mỹ về việc duy trì hợp tác, đối tác và hỗ trợ khu vực cũng không được củng cố bằng các hành động đầy đủ”, Meia Nouwens, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo