Quốc tế

Châu Âu đột ngột đình chỉ sứ mệnh thám hiểm Sao Hoả, lý do liên quan đến Nga

Quyết định đình chỉ hợp tác với Nga trong lĩnh vực không gian được công bố ngay sau cuộc họp kéo dài hai ngày giữa đại diện của 22 quốc gia thành viên Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 18/3 / TNK: Ông Putin nêu loạt yêu cầu đối với Ukraine, 2 điều cần bàn trực tiếp với ông Zelensky

Sứ mệnh Sao Hỏa với đối tác Nga bị đình chỉ

Trang công nghệ ItHome của Trung Quốc ngày 18/3 dẫn tin từ các kênh truyền thông quốc tế cho biết, vào thứ Năm (17/3) theo giờ địa phương, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo rằng, họ sẽ đình chỉ hợp tác với Nga trong lĩnh vực không gian, và sứ mệnh thám hiểm Sao Hoả bằng xe tự hành ExoMars hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) sẽ không được triển khai.

Quyết định được công bố ngay sau cuộc họp kéo dài hai ngày giữa đại diện của 22 quốc gia thành viên ESA.

Để phản ứng lại cuộc xung đột Nga – Ukraine, tất cả các quốc gia thành viên ESA đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đức - nước đóng góp lớn nhất vào ngân sách của ESA - đã đình chỉ mọi hoạt động hợp tác khoa học với Nga vào cuối tháng 2.

Châu Âu đột ngột đình chỉ sứ mệnh thám hiểm Sao Hoả, lý do liên quan đến Nga - Ảnh 1.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu đình chỉ sứ mệnh Sao Hỏa với Nga. Ảnh: CNN

Quyết định hôm thứ Năm của ESA là một đòn giáng mạnh vào sứ mệnh thám hiểm Sao Hoả bằng xe tự hành ExoMars, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2018 do các vấn đề về dù hạ cánh.

Theo kế hoạch, xe tự hành sẽ được phóng lên Sao Hoả bằng tên lửa Proton của Nga vào tháng 9 năm nay. Vì sứ mệnh này sẽ không sử dụng tên lửa của Nga, các quan chức của ESA cho biết, họ đang đánh giá lại tiến độ của sứ mệnh này.

Joseph Aschbacher - Giám đốc ESA - đăng trên Twitter:

"Trong hai ngày qua, các quốc gia thành viên của chúng tôi đã thảo luận về tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với chương trình không gian của ESA.

Chúng tôi đã cùng nhau đưa ra một quyết định khó khăn nhưng cần thiết, đó là đình chỉ hợp tác với Roscosmos, bao gồm cả kế hoạch phóng vào tháng 9 của ExoMars, và nghiên cứu các hướng đi trong tương lai".

 

David Parker - Trưởng bộ phận thám hiểm con người và robot của ESA - cho biết: "Đây là một sự thất vọng rất lớn đối với những người tham gia dự án, những người đã cống hiến nhiều năm cho sứ mệnh. Đối với ESA, đó cũng là một quyết định đau đớn".

Lựa chọn thay thế có thể là lại hợp tác với NASA

Xe tự hành trong sứ mệnh ExoMars được đặt theo tên của nhà hóa học người Anh Rosalind Franklin - người đã giúp giải mã cấu trúc của DNA. Sứ mệnh này có mục đích tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trong bầu khí quyển và bên dưới bề mặt Sao Hỏa, nhưng nhiệm vụ này đã gặp rất nhiều rắc rối trong những năm qua.

ESA ban đầu muốn hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhưng sứ mệnh gần như đã bị hủy bỏ vào năm 2012 khi NASA rút khỏi dự án sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ cắt giảm ngân sách. Roscosmos sau đó đã tham gia để giúp lấp đầy chỗ trống do sự ra đi của NASA.

Châu Âu đột ngột đình chỉ sứ mệnh thám hiểm Sao Hoả, lý do liên quan đến Nga - Ảnh 3.

Xe tự hành trong sứ mệnh ExoMars được đặt theo tên của nhà hóa học người Anh Rosalind Franklin. Ảnh: ItHome

 

Roscosmos đã phát triển bệ hạ cánh cho xe tự hành trong sứ mệnh ExoMars và có kế hoạch đưa xe tự hành lên Sao Hoả bằng tên lửa Proton từ bãi phóng Baikonur ở Kazakhstan. Vụ phóng ban đầu được dự kiến vào năm 2018, nhưng sau đó bị trì hoãn đến năm 2020 do các vấn đề về dù hạ cánh và sau đó lại lùi tiếp đến cuối tháng 9/2022.

ESA trong thông báo cho biết:"Hội đồng điều hành ESA đã họp tại Paris từ ngày 16 đến ngày 17/3 để đánh giá tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với sứ mệnh ExoMars và nhất trí rằng, hiện tại không thể hợp tác với Roscosmos trong nhiệm vụ phóng xe tự hành lên Sao Hoả vào năm 2022.

Các quốc gia thành viên ủy quyền cho Giám đốc ESA thực hiện các biện pháp thích hợp, tạm dừng các hoạt động hợp tác tương ứng và nhanh chóng nghiên cứu để xác định rõ các lựa chọn sẵn có cho sứ mệnh ExoMars trong tương lai".

Kế hoạch mới của ExoMars sẽ không chỉ thay thế các tên lửa của Nga mà bệ hạ cánh, các thiết bị sưởi ấm bằng đồng vị phóng xạ của Nga có trong xe tự hành cũng có thể được thay thế.

Giám đốc ESA Aschbacher nói: "Những gì chúng tôi thực sự cần làm là nghiên cứu các lựa chọn và quyết định xem châu Âu nên thực hiện một mình hay phối hợp với các đối tác khác".

 

Ông Aschbacher cũng cho biết rằng, có một lựa chọn là nối lại hợp tác với NASA. Ông nói: "Chúng tôi sẽ xem xét hợp tác với NASA, họ đã bày tỏ thái độ sẵn sàng hỗ trợ rất mạnh mẽ".

Trưởng bộ phận thám hiểm con người và robot của ESA Parker thì tin rằng, một vụ phóng tên lửa vào năm 2024 vẫn khả thi nếu hợp tác với Roscosmos được nối lại.

Hiện tại chưa rõ liệu sứ mệnh ExoMars có thể sử dụng bệ hạ cánh do Nga chế tạo hay cần chế tạo lại phần cứng - điều này sẽ khiến ESA phải trả thêm chi phí.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga trước đó đã chấm dứt hợp tác với Cảng vũ trụ châu Âu ở Guiana thuộc Pháp.

ESA cho biết, cơ quan này hiện đang đánh giá các phương án phóng thay thế cho bốn nhiệm vụ vốn được lên kế hoạch phóng bằng tên lửa Soyuz của Nga trước đó.

 

Tuy nhiên, châu Âu và Nga vẫn duy trì hợp tác tích cực trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS)."Chương trình ISS vẫn sẽ tiếp tục triển khai với mục tiêu chính là duy trì hoạt động an toàn của ISS, bao gồm đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn", ESA cho biết trong một tuyên bố.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm