Quốc tế

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những "nhân tố xấu"

Trong thập kỷ tới đây, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên tới 400 đầu đạn, thấp hơn nhiều so với Mỹ nhưng vẫn rất đáng lo ngại.

Mỹ đánh mất một siêu tên lửa Hellfire vào tay phiến quân Houthi / Mỹ có thể chặn tuyến cáp quang với Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã hủy bỏ Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987 và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược mới (START mới) năm 2010.

Như vậy, trên thực tế hai nước đã loại bỏ gần như toàn bộ các rào cản phát triển và triển khai các thế hệ vũ khí hạt nhân, hiện nay cũng như trong tương lai. Mỹ và Nga giờ đây có thể làm bất cứ điều gì mà họ thấy phù hợp. Họ có mất kiểm soát hay không?

Ngay từ khi cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga bắt đầu, các nhà lãnh đạo tường minh đều hiểu rằng chẳng quốc gia nào có lợi khi tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân: Càng nhiều vũ khí thì nguy cơ sử dụng chúng càng cao và chi phí càng lớn. Mỗi quả bom hạt nhân thả từ máy bay tiêu tốn 20,5 triệu USD.

Cần nhớ rằng, công cuộc cải tổ của nước Nga bắt đầu rơi vào khốn đốn một phần cũng bởi vì chạy đua theo những khoản chi tiêu quân sự khổng lồ của Mỹ cuối những năm 1980, trong đó có kế hoạch phát triển Sáng kiến Phòng thủ Tên lửa Chiến lược - "Chiến tranh Giữa các Vì Sao" (Star Wars). Năm 1990, số lượng vũ khí hạt nhân của Liên Xô là 11.000 còn của Mỹ là 12.000.

 

Vì vậy, dưới thời tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, cả hai quốc gia đã cắt giảm số vũ khí của họ tới 80% theo khuôn khổ một loạt các hiệp ước SALT (1969, 1979) và START (1991, 1993).

Nhiều người tin rằng thế giới sẽ trở nên an toàn hơn khi cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân được "hạ nhiệt".

Trong bài phát biểu tại Prague đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã đề xuất một tầm nhìn thế giới mới, theo đó tất cả các vũ khí hạt nhân sẽ được loại bỏ.

Tháng 12/2009, ông Obama được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Sau đó đến năm 2010 ông lại ký Hiệp ước START mới - thỏa thuận giới hạn mỗi quốc gia chỉ sở hữu 1.550 tên lửa hạt nhân.

Vậy tại sao mọi việc đổ vỡ?

 

Hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

Mặc dù các thỏa thuận trước đây đã giúp cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, ngăn cấm việc phát triển nhiều vũ khí hạt nhân mới, áp đặt các lệnh cấm thử nghiệm và miễn trừ một số vũ khí nhưng vẫn chưa cân nhắc đầy đủ tới khả năng những hệ thống vũ khí cũ có thể được trang bị công nghệ mới, thay vì thay thế chúng.

Dưới chính quyền của Tổng thống Obama, nước Mỹ đã triển khai một chương trình hiện đại hóa đồ sộ, ước tính tiêu tốn tới 1,25 nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm.

Cho dù ông Obama trước đây và Tổng thống Trump hiện nay đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân nhưng các vũ khí này của Mỹ vẫn còn thua xa so với khả năng của Nga vì thiếu nguồn ngân sách cho nghiên cứu và thử nghiệm cũng như đầu tư cho các hệ thống vũ khí mang tính đột phá sáng tạo.

Rõ ràng, công cuộc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ không được thúc đẩy tương xứng như của Nga và các đối thủ khác cho dù họ cũng hành động tương tự.

 

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 3.

Chi phí ước tính cho các chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Arms Control Association

Nga tái trỗi dậy như một cường quốc toàn cầu

Mặc dù Nga đã cắt giảm đáng kể các kho vũ khí hạt nhân nhưng tham vọng của Tổng thống Putin muốn đưa nước Nga một lần nữa trở thành cường quốc toàn cầu sau giai đoạn suy yếu ở những năm 1980 đã thôi thúc ông đẩy mạnh lực lượng hạt nhân của mình.

Tổng thống Putin nhận thấy rằng quân đội thông thường quy mô lớn của ông là chưa đủ để khuếch trương sức mạnh quốc gia theo những gì ông kỳ vọng.

Doanh thu dầu lửa và khí đốt sụt giảm cộng với một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào chính phủ Nga đã cản trở ông Putin phát triển lực lượng thông thường đồ sộ của mình. Vũ khí hạt nhân có thể bù đắp lại cho ông sự thiếu hụt này.

 

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống Putin, Nga đã bị Mỹ và NATO cáo buộc vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước INF và START mới để phát triển vũ khí mới, ngay cả khi có rất ít bằng chứng về sự vi phạm của Nga.

Nga đã phát triển tên lửa hành trình, các loại vũ khí chiến thuật có sức công phá thấp và vũ khí phi chiến lược. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng tham gia một cuộc chiến tranh trên bộ, có thể là ở châu Âu, thay vì sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chiến lược.

Ông Putin đang giành được ưu thế hạt nhân khi phát triển các vũ khí siêu thanh bay ở tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh, mà theo như lời nhà lãnh đạo nước Nga là "không thể bị chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, hiện nay cũng như trong tương lai, của các đối thủ tiềm tàng".

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 5.

Đối với Mỹ, đây là một vấn đề "thay đổi cuộc chơi" vì Washington không có hệ thống phòng thủ nào chống lại những vũ khí đó.

Tổng thống Putin đã bắt đầu thử kiểm tra quyết tâm kiềm chế Nga của Mỹ và NATO. NATO là một liên minh rất yếu, chưa thể sẵn sàng đối phó với Nga. Ông Trump đã từng công khai chỉ trích NATO về điều này. Trong khối này, Pháp và Anh là những quốc gia duy nhất tự chế tạo được vũ khí hạt nhân riêng. Tuy nhiên, Ý, Đức, Hà Lan và Bỉ cũng có vũ khí hạt nhân (do Mỹ chia sẻ - ND). Điều thú vị là những vũ khí này thuộc dạng bí mật hàng đầu cho tới tận khi một báo cáo của NATO đưa ra năm ngoái vô tình tiết lộ sự tồn tại của chúng.

 

Dưới thời Tổng thống Obama, năm 2009 Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Séc vì lo sợ phải đối đầu với Nga.

Tương tự như vậy, ông Obama đã không triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO, như một biện pháp răn đe Nga, mặc dù đã bố trí bom hạt nhân ở đó. Nga xem đây là một dấu hiệu cho thấy ông Obama có thể bị thao túng.

Năm 2014, Nga đưa quân vào Crimea và thành phố Sevastopol, sau đó sáp nhập các địa phương này thông qua một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Tiếp đến, Nga bắt đầu hậu thuẫn cho một cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine. Ông Obama và EU đã trừng phạt Nga nhưng lại không viện trợ quân sự đủ nhiều cho Ukraine. Cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn.

Thất bại trong việc giúp đỡ Ukraine cũng quan trọng như vấn đề vũ khí hạt nhân. Ukraine, cùng với Kazakhstan và Belarus, từng là những địa bàn triển khai vũ khí hạt nhân thời Liên Xô nhằm vào châu Âu.

Để đổi lấy việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân từ năm 1991 - 1996, Ukraine - nước nắm giữ 1/3 số vũ khí hạt nhân trên thế giới đã được phép tách ra thành quốc gia độc lập theo Bản ghi nhớ Budapest do Nga, Mỹ, Anh và Ukraine cùng ký kết. Tổng thống Obama đã từ chối thực thi thỏa thuận này khi Nga sáp nhập Crimea. Một lần nữa, Nga hiểu đây là điểm yếu của ông Obama.

 

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria đã phá hủy kho vũ khí hạt nhân của họ.

Ukraine rất quan trọng đối với Nga vì đây là vùng đệm giữa Nga và NATO. Nga bị bao quanh bởi 12 quốc gia vốn thuộc Hiệp ước Warsaw cũ nhưng hiện nay tất cả đều là các thành viên của NATO. Theo Ukraine, Nga đã di chuyển các vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến nhiều vị trí dọc biên giới phía Đông Bắc Ukraine và Crimea.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm ngăn chặn tham vọng của Nga. Ukraine đang đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Đồng thời, ông Trump cũng đang điều chuyển thêm 1.000 quân sang Ba Lan để bổ sung cho 4.500 binh lính đã có mặt ở đó như một biện pháp răn đe đối với Nga. Ba Lan ủng hộ và tài trợ cho kế hoạch này và đặt tên cho căn cứ của Mỹ là "Pháo đài Trump". Đáp trả, Nga đã cho triển khai các máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới khu vực.

Nga, và gần đây là Trung Quốc đã triển khai các máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến gần Alaska như một màn phô diễn vũ lực để đe dọa Mỹ. Mỹ đáp trả bằng việc điều máy bay quân sự qua Biển Đen.

 

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 7.

Xe quân sự Mỹ được vận chuyển bằng tàu hỏa qua một cây cầu ở Zagan, Ba Lan ngày 12/1/2017. Ảnh: AP

Sự nổi lên của "các nhân tố xấu"

"Các nhân tố xấu" đã tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang này.

Thổ Nhĩ Kỳ: Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang dịch chuyển theo hướng kết thân với Nga, và qua đó rời xa Mỹ và khối liên minh NATO nơi họ đã là thành viên từ năm 1952. Kể từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần biến thành một quốc gia Hồi giáo và trong cuộc nội chiến gần đây ở Syria họ đã cố gắng loại bỏ cộng đồng lớn dân cư người Kurd ra khỏi biên giới của mình.

Tháng 7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga trị giá 2 tỷ USD với mục đích duy nhất là để bắn hạ các máy bay của NATO.

 

Mỹ trả đũa bằng cách cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 mới, hiện đại nhất do Mỹ sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đóng cửa Căn cứ Không quân Incirlik của Mỹ đặt trên lãnh thổ nước này, nơi hiện đang triển khai 60 vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên: Từ năm 1958 - 1991, Mỹ đã triển khai 950 đầu đạn hạt nhân ở Hàn Quốc như một biện pháp răn đe đối với Triều Tiên, quốc gia khi đó chưa có vũ khí hạt nhân.

Tổng thống George H. W. Bush đã quyết định rút tất cả số vũ khí hạt nhân này khỏi khu vực trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Triều Tiên hiện nay đang phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân toàn diện với khoảng 20-30 đầu đạn có tầm bắn 13.000 km, đủ khả năng tấn công lãnh thổ nước Mỹ lục địa và đảo Guam. Ông Trump và ông Kim Jong-Un đã cố gắng thúc đẩy đàm phán nhưng đạt rất ít thành công.

Iran: Tehran đã phát triển vũ khí hạt nhân từ hàng thập kỷ nay. Dưới thời Obama, Iran đã chấp thuận trì hoãn hoàn thành việc chế tạo vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian 10 năm theo Hiệp ước ký năm 2015 với Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức. Đổi lại, ông Obama đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc chống Iran.

 

Năm 2018, Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lớn với Iran. Ông Trump coi đó là một thỏa thuận tồi và muốn Iran ngừng tài trợ cho khủng bố ở Trung Đông, Palestine, Gaza, Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Đến nay, Iran vẫn chưa nối lại chương trình hạt nhân của mình ở quy mô đầy đủ vì các bên ký kết khác chưa rút khỏi thỏa thuận.

Syria: Nga và Iran đã hợp tác với Tổng thống Syria Bashar Assad đánh bại các tay súng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nga tìm cách thiết lập một căn cứ trên biển Địa Trung Hải còn Iran thì muốn kiểm soát Eo biển Hormuz để có quyền ra lệnh cho tàu thuyền của các quốc gia ra vào Ấn Độ Dương. Mỹ thì chống lại cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Nga, Iran và ông Assad ở Syria.

Năm 2007, Israel đã ném bom một cơ sở vũ khí hạt nhân ở Syria. Tin tức báo chí cho biết 10 nhà khoa học Triều Tiên đã thiệt mạng tại địa điểm này. Năm 2011, khi cơ sở bị các tay súng người Kurd chống Tổng thống Assad chiếm giữ, Liên Hợp Quốc đã xác minh rằng địa điểm đó có một lò phản ứng hạt nhân.

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 9.

Một chiếc tiêm kích F-16I của Không quân Israel chuẩn bị cất cánh trong chiến dịch đánh bom lò phản ứng hạt nhân ở Deir Ezzor, Syria ngày 5/9/2007. Ảnh: IDF

 

Israel: Tel Aviv được cho là cũng đã sở hữu vũ khí hạt nhân, yếu tố cần thiết để đảm bảo sự tồn vong của nhà nước Do Thái. Israel có khả năng tiêu diệt Iran, mối đe dọa hiện hữu với họ. Saudi Arabia, một quốc gia thù địch với Iran, cũng đang xem xét việc mua vũ khí hạt nhân.

Pakistan: Nước này đã thử nghiệm thành công một vũ khí hạt nhân vào năm 1998. Mục đích duy nhất là để tự vệ trước Ấn Độ, nước cũng sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với Pakistan (và Trung Quốc).

Cả hai quốc gia hiện đang trong tình trạng đối đầu quân sự ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ cũng sở hữu các tàu ngầm có khả năng mang tên lửa hạt nhân. Bangladesh giành được độc lập từ Pakistan trong cuộc chiến tranh năm 1971 khiến Pakistan phải tự bảo vệ mình trước Ấn Độ.

Từ lâu, Pakistan đã bị cáo buộc cung cấp công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa cho Triều Tiên. Nhà khoa học hạt nhân người Pakistan Abdul Khan thừa nhận hành động này vào năm 2009.

Libya: Năm 2003, Libya đã tự nguyện từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình vốn trước đây được sử dụng để làm đối trọng với chương trình của Israel. Libya đã hợp tác với Pakistan trong giai đoạn phát triển chương trình vũ khí của mình.

 

Tổng thống Libya Muammar Gaddafi từng cộng tác với Mỹ để giải giáp chương trình vũ khí của ông. Năm 2011, Tổng thống Obama và các đồng minh của Mỹ đã ném bom Libya và buộc ông Gaddafi phải từ bỏ quyền lực. Sau đó ông ta bị giết.

Ông Obama coi đây là một sai lầm nghiêm trọng khi còn làm tổng thống: Việc lật đổ Gaddafi cho thấy ngay cả khi bạn hợp tác với Mỹ, bạn vẫn có thể bị loại bỏ. Đây có lẽ là điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-Un của Triều Tiên lo lắng.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS): May mắn thay, không có bằng chứng nào cho thấy IS đã sở hữu được vũ khí hạt nhân!

Nam Phi và vùng lãnh thổ Đài Loan: Cả Nam Phi và Đài Loan đều đã phát triển vũ khí hạt nhân vào những năm 1980, nhưng lần lượt từ bỏ chúng vào các năm 1988 và 1989. Họ là các bên duy nhất làm như vậy sau khi đã phát triển vũ khí.

Những người tốt: Chỉ vài quốc gia thực sự sở hữu vũ khí hạt nhân. Không có vũ khí hạt nhân nào tồn tại ở Nam Mỹ, Châu Phi hoặc Đông Nam Á.

 

Trung Quốc ngày càng thu hút sự chú ý

Hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khá khiêm tốn. Nước này bắt đầu xuất hiện trên bản đồ hạt nhân vào năm 1964. Thời điểm Mỹ và Nga tham gia các hiệp ước vũ khí hạt nhân, Trung Quốc thậm chí còn sở hữu ít hơn. Vì vậy, Trung Quốc chưa bao giờ tham gia các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhưng ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một mối lo ngại.

Các Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa hạt nhân lớn trong tương lai. Thập kỷ tới đây, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, lên tới 400 đầu đạn, thấp hơn so với Mỹ nhưng vẫn rất đáng lo ngại.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Quân đội Trung Quốc đang tái cấu trúc và thu hẹp quy mô. Nước này dự kiến ​​sẽ có số tàu chiến nhiều hơn Hải quân Mỹ 100 chiếc, cũng như lực lượng không gian để tiến hành chiến tranh từ khoảng cách rất xa bề mặt Trái Đất.

 

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 11.

Điều thú vị là vào tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất thành lập một lực lượng không gian để đối phó với Trung Quốc. Không gian dự kiến ​​sẽ là mặt trận mới cho một cuộc đối đầu tiếp theo.

Trung Quốc sở hữu các tên lửa có khả năng tấn công nhiều mục tiêu của Mỹ, và các tên lửa tầm ngắn hơn, gồm cả tên lửa siêu thanh và phi chiến lược, để triển khai trong khu vực. Giống như Mỹ, Trung Quốc triển khai bộ ba hạt nhân với khả năng tấn công cả từ trên không, trên bộ và trên biển.

Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, phần lớn được xây dựng nhân tạo. Trung Quốc cũng thiết lập (trái phép - ND) các sân bay, trạm radar và các bệ phóng tên lửa quanh Biển Đông để ngăn cản bất kỳ quốc gia nào tìm kiếm tự do hàng hải trên các tuyến đường biển.

Trung Quốc rất cẩn trọng, không quảng bá chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Sách Trắng Quốc Phòng được nước này công bố gần đây viết: "Trung Quốc ủng hộ việc ngăn cấm và phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trung Quốc không tham gia bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nào, với bất kỳ quốc gia nào khác và duy trì khả năng hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia."

 

Đối phó với Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch đối phó với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Tại Hàn Quốc: Năm 2017, Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) như một công cụ răn đe đối với Trung Quốc và Triều Tiên.

Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc với Hàn Quốc, buộc họ phải từ bỏ hệ thống. Vụ việc có tác động rất lớn vì Trung Quốc sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay cả khi các hiệp định thương mại đã được ký kết.

Tháng 7/2019, Mỹ cho biết họ đang bán các xe tăng Abrams và tên lửa Stinger cho Đài Loan trị giá 2,2 tỷ USD. Các nhà quan sát đang chờ xem liệu Mỹ có bán máy bay chiến đấu F-35 cho hòn đảo này hay không.

 

Tại Australia: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Australia để khảo sát vị trí đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ tại đây. Không có thỏa thuận nào được thực hiện.

Giáo sư Hugh White (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia) đã phát động một cuộc tranh luận cấp quốc gia với nhiều bài viết tìm hiểu xem liệu Australia có nên phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình để đối phó với Trung Quốc hay không, đồng thời tìm kiếm vai trò độc lập hơn với Mỹ.

Tại Mông Cổ: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện đang có chuyến công du châu Á nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho những nỗ lực chống Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc có thể sẽ không chấp thuận cho Mỹ hiện diện ở Mông Cổ nhưng Mỹ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy.

Tại Nhật Bản: Tokyo cũng đang tham gia vào cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã không ký vào Hiệp ước INF và có lần còn yêu cầu Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân tại châu Á. Ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại tâm lý chống vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, xuất phát từ việc nước này chuyển sang chủ nghĩa hòa bình từ sau Thế chiến II.

Viễn cảnh tương lai

 

Liệu Tổng thống Trump có điên rồ khi hủy bỏ các thỏa thuận về vũ khí hạt nhân đã tồn tại từ 40-50 năm nay? Thế còn Nga, Trung Quốc và các cường quốc hạt nhân khác thì sao?

Có lẽ là không!

Tổng thống Ronald Reagan từng nói với Nga rằng, nước Mỹ phải "tin tưởng, nhưng phải kiểm chứng được" trong bất kỳ thỏa thuận vũ khí hạt nhân nào. Ở thế cân bằng quyền lực hiện nay, điều này dường như là không thể: không có sự tin tưởng còn kiểm chứng thì là điều không thể.

Mỹ đánh giá rằng họ đã tụt lại phía sau các đối thủ của mình, vì vậy chấp nhận từ bỏ cuộc đua vũ trang hạt nhân sẽ gây bất lợi cho họ.

Ngay cả khi với các thỏa thuận hiện có, Mỹ và NATO vẫn nghi ngờ rằng các bên ký kết có khả năng vi phạm để giành lấy lợi thế, dù Mỹ và NATO có tuân thủ.

 

Không ai có quyền kiểm soát "các quốc gia bất hảo" và "các nhân tố xấu", những thế lực đã hoặc sẽ mua vũ khí hạt nhân. Họ khó có khả năng tuân thủ các hiệp ước. Những quốc gia này lại đang gia tăng về số lượng.

Chạy đua vũ trang hạt nhân 2.0: Cuộc chơi của Mỹ - Nga - Trung Quốc và những nhân tố xấu - Ảnh 15.

"Các nhân tố phi nhà nước", đặc biệt là các tổ chức khủng bố, sẽ không chấp nhận bị kiểm soát nếu họ có được vũ khí hạt nhân.

Nước Mỹ đã cảm thấy bị đe dọa bởi Nga - Trung Quốc và khó có thể chấp nhận bị khuất phục bởi những mối đe dọa này. Trong khi đó, từ quan điểm của Nga và Trung Quốc, họ mới chỉ bắt đầu cải thiện vị thế của mình trước Mỹ và NATO. Vì vậy, hai nước có rất ít động lực trong việc ký kết các thỏa thuận kìm hãm tiến trình của họ.

Kết luận: Có vẻ như một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khác đang tái diễn!

Theo Terry F. Buss, PhD/Trí Thức Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm