Những vụ đụng độ trên không giữa máy bay chiến đấu Nga và NATO rất dễ bùng phát trở thành xung đột quy mô lớn nếu một trong hai bên tỏ ra thiếu kiềm chế.
Truyền thông thế giới hẳn không còn xa lạ với một số bức ảnh được báo chí Nga đăng tải, họ đã mô tả kỹ lưỡng các tình huống máy bay chiến đấu của mình chạm mặt với tiêm kích NATO trên không phận quốc tế.
Mặc dù hành động bay hộ tống nhằm trông chừng nhau như trên là điều bình thường, tuy nhiên, máy bay Nga đôi khi bị cáo buộc đã thực hiện một số hành động "gây nguy hiểm".
Cụ thể là ngoài thao tác "đánh võng" hay "tạt đầu" thì tiêm kích Nga còn thực hiện "khóa mục tiêu" đối với chiến đấu cơ NATO, đây là dấu hiệu cho thấy mục tiêu có thể bị tên lửa bắn hạ ngay lập tức.
Tuy nhiên gần đây truyền thông NATO cũng đăng tải nhiều thông tin tương tự như một động thái đáp trả, đó có thể là nhiều tiêm kích phương Tây cất cánh ép chiến đấu cơ Nga rút lui hay họ cũng thực hiện thao tác "khóa mục tiêu" tương tự.
Mới đây không quân Bỉ đã công bố hai bức ảnh, ghi lại thời khắc máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback của Nga bị thiết bị ngắm bắn ảnh nhiệt trên tiêm kích F-16 Fighting Falcon của họ "khóa cứng".
Được biết khi đã ở trong tình trạng trên, chỉ cần phi công đối phương nhấn nút phóng tên lửa thì máy bay gần như chắc chắn sẽ bị hạ, có lẽ nhận thức được sự thất thế mà chiếc Su-34 sau đó đã rút lui.
Trong sự kiện vừa qua, tiêm kích F-16 của không quân Bỉ được ghi nhận đã đánh chặn thành công máy bay Nga nhưng vẫn đảm bảo an toàn cũng như thể hiện năng lực của phương tiện chiến đấu.
Về phía Nga, nước này chưa đưa ra bình luận về vụ chạm trán mới nhất giữa hai bên, có một điều cần lưu ý đó là Su-34 mặc dù máy bay là cường kích nhưng Moskva quảng cáo nó có năng lực đối không chẳng thua gì tiêm kích chuyên nghiệp.
Về phía không quân Bỉ, thông cáo báo chí của họ nêu rõ: “Sau một tháng bảo vệ không phận Baltic, chúng tôi đã thực hiện 109 lần xuất kích với tổng thời gian hoạt động là 191 giờ".
"Các tiêm kích F-16 và phi hành đoàn của chúng tôi đã cất cánh 16 lần trong tình trạng báo động và hoàn thành 8 lần đánh chặn máy bay đối phương”, thông cáo cho biết.
Trước đó vào ngày 17/9, không quân Bỉ từng tuyên bố đánh chặn các máy bay chiến đấu Tu-160 và Su-27 Nga trên biển Baltic. Vùng biển này được bao quanh bởi Estonia, Latvia, Litva và một số quốc gia láng giềng.
Chiến đấu cơ NATO đã tuần tra trên không phận Baltic kể từ khi Estonia, Latvia và Litva gia nhập khối vào năm 2004, do các quốc gia này không được trang bị máy bay chiến đấu phù hợp cho việc tuần tra trên không.
Trong vụ đụng độ vừa qua, máy bay chiến đấu của cả Nga và NATO đều đã có hành động kiềm chế đúng mức để không đẩy sự việc đi tới mức gây ra căng thẳng quá cao.
Nhưng trong tương lai chưa thể khẳng định mọi việc sẽ trôi qua êm ả, nhất là khi tần suất đụng độ được dự báo sẽ còn gia tăng chóng mặt theo tình hình khu vực cũng như quốc tế.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô