Chiến lược “bao vây” Venezuela bằng căn cứ quân sự Mỹ
Pháp trình làng tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân siêu êm / Triều Tiên dọa phát triển "vũ khí đặc biệt" hủy diệt F-35 của Hàn Quốc
Trong bài viết do hãng tin RT (Nga) đăng tải, Darius Shahtahmasebi, nhà phân tích chính trị pháp lý tại New Zealand với chủ đề tập trung vào chính sách đối ngoại Mỹ ở Trung Đông, châu Á và khu vực Thái Bình Dương, nhận định Mỹ từ lâu đã có truyền thống bao vây các đối thủ bằng các căn cứ quân sự.
Ông Darius cho rằng Mỹ có hai mục tiêu chính khi thực hiện chiến lược trên: thứ nhất, nhằm kiềm chế và bao vây các nước đối thủ để ngăn những nước này mở rộng tầm ảnh hưởng nhiều nhất có thể; thứ hai, nhằm hỗ trợ cho chiến dịch thay đổi chính quyền tại những nước đối thủ đó.
Theo chuyên gia Darius, rất ít người Mỹ nhận ra rằng, quân đội Mỹ gần đây đã quay trở lại Guyana, nước láng giềng với Venezuela, lần đầu tiên trong một thập niên. Trang Military.com nhận định mục đích của việc triển khai quân đội này của Mỹ là nhằm “củng cố mối quan hệ trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Venezuela”.
Mỹ từng tuyên bố muốn đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức. Thay vào đó, Washington công khai ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Một bài viết trên Foreign Affairs, tờ báo do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ xuất bản, cho biết: “Mỹ có một mục tiêu rõ ràng tại Venezuela: thay đổi chế độ, khôi phục nền dân chủ và luật lệ”.
Hiện có ít nhất 5 căn cứ quân sự Mỹ và nhiều cố vấn quân sự Mỹ tại Colombia, nước láng giềng phía tây của Venezuela. Trong khi đó phía nam của Venezuela là Brazil, một đồng minh thân cận của Washington. Bằng cách “củng cố mối quan hệ” với Guyana ở phía đông Venezuela, quân đội Mỹ gần như đặt Venezuela vào thế bị bao vây hoàn toàn.
Dư luận từng chú ý tới bức ảnh chụp một tờ giấy trên tay của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, trong đó có dòng chữ: “5.000 quân tới Colombia”. John Bolton cũng là một trong số các quan chức “diều hâu” hàng đầu của chính quyền Trump ủng hộ việc lật đổ chính quyền Maduro.
Mặc dù ông Bolton đã từ chức và rời khỏi nội các của Tổng thống Trump, song Venezuela vẫn là một “cái gai” mà Mỹ muốn nhổ bỏ.
“Các quan chức Không quân Mỹ hy vọng mối quan hệ giữa lực lượng này với quân đội Guyana vẫn mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tiếp tục xâm lấn vào bán cầu nam, trong khi tình hình bất ổn tại Venezuela không có dấu hiệu lắng xuống”, Military.com bình luận.
Theo Thiếu tướng Andrew Croft, chỉ huy Không Lực số 12 (Không quân phía Nam) của Mỹ, nhận định trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây: “Guyana nằm ở vị trí chiến lược tại rìa phía bắc của Nam Mỹ và tại khu vực Caribe”.
“Điều này khiến cho Guyana trở nên quan trọng. Khi thay đổi chính trị diễn ra tại nước này và họ trở nên gần gũi hơn với chúng ta, điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ cá nhân không chỉ thông qua đại sứ quán, mà còn thông qua quân đội và lực lượng phòng vệ Guyana, lực lượng với khoảng 3.000 quân và có khả năng sẽ tăng gần gấp đôi trong những năm tới”, Tướng Croft cho biết.
Chiến lược toàn cầu
Theo thống kê của The Nation, Mỹ hiện có hơn 800 căn cứ quân sự chính thức tại 80 quốc gia. Nếu tính cả các binh sĩ được triển khai tại các đại sứ quán và các phái đoàn của Mỹ trên toàn thế giới, số căn cứ quân sự của nước này thậm chí nhiều hơn con số 1.000. Mỹ cũng là nước có số lượng căn cứ quân sự đông đảo nhất thế giới.
Điều này giải thích tại sao hồi đầu năm nay, khi Mỹ yêu cầu Nga cắt đứt quan hệ với chính quyền Venezuela, Moscow đã từ chối. Hơn bất kỳ quốc gia nào, Nga hiểu rõ tình thế khó khăn khi phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nhiều khu vực.
Nga liên tục phải cảnh giác với viễn cảnh rằng, Mỹ sẽ thiết lập căn cứ quân sự thường trực tại biên giới Nga. Chỉ tính riêng ở Đức, Mỹ đã có khoảng 38.000 quân đồn trú tại nước này. Washington cũng muốn triển khai ít nhất 1.000 quân tới Ba Lan. Trong khi đó, các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania cũng đều có lực lượng bán thường trực với sự hiện diện luân phiên của 4.500 lính Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng có mối quan hệ đối tác gần gũi với Georgia và bán vũ khí sát thương cho Ukraine.
Chiến lược bao vây đối thủ bằng các căn cứ và hiện diện quân sự cũng được Mỹ áp dụng tại nhiều khu vực khác. Iran là một ví dụ điển hình. Mỹ đã đưa quân vào Afghanistan và Iraq, sau đó thiết lập hiện diện lâu dài tại đây. Mỹ cũng có các căn cứ vây quanh Iran, đặt tại những nước như Pakistan. Số lượng binh sĩ Mỹ ở sát nách Iran ước tính khoảng 125.000 người.
Giới phân tích nhận định mục tiêu cuối cùng của phe diều hâu trong chính quyền Mỹ là thay đổi chế độ tại Iran. Ngay cả khi cố vấn an ninh John Bolton, người theo đuổi chính sách cứng rắn với Iran, rời đi, mục tiêu này cũng không thay đổi. Iran là nước sở hữu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú, đồng thời đang thắt chặt quan hệ với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Syria.
Ngoài Iran, Syria cũng là nơi Mỹ duy trì hiện diện quân sự. Lực lượng Mỹ chiếm khoảng 30% lãnh thổ Syria, bao gồm các khu vực có nguồn dầu mỏ dồi dào nhất. Washington cũng đặt các căn cứ quân sự tại đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo