Quốc tế

Chiến sự ở Ukraine sang tháng thứ 3, Nga và phương Tây gia tăng đối đầu

Cùng với sự leo thang trong cuộc xung đột tại Ukraine, tranh cãi giữa Nga và phương Tây cũng trở nên gay gắt hơn trong tuần này, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai khối cường quốc.

Nga thay đổi chiến thuật, mặt trận phía Đông và phía Nam Ukraine “nóng rẫy” / Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ "hoàn thành tất cả nhiệm vụ" trong chiến dịch quân sự ở Ukraine

Nga trong tuần này đã ngừng cung cấp khí đốt cho hai nước châu Âu là Ba Lan và Bulgaria, đồng thời tuyên bố với quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, NATO đã lựa chọn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình nhà nước Nga hôm 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc chính quyền Ukraine không có thiện chí đàm phán, đồng thời chỉ trích phương Tây đang làm leo thang xung đột.

“Phương Tây không nên đánh giá thấp nguy cơ gia tăng của xung đột. Các đoàn xe chở vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp. NATO về bản chất đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói.

Những ngày gần đây, Mỹ đã gia tăng cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, đặc biệt lần đầu tiên cung cấp các vũ khí hạng nặng. Và cũng lần đầu tiên tại một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức, Washongton đã chủ trì một cuộc họp của hơn 40 quốc gia trong và ngoài NATO nhằm phối hợp gia tăng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Không còn dè dặt như trước đây, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã công khai đề cập khả năng này.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc Liên minh châu Âu không còn trung lập về mặt quân sự hay việc khối 27 nước thành viên cùng với Mỹ và các đồng minh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ Nga không có nghĩa là tham chiến. Phương Tây về cơ bản không coi nhẹ cảnh báo của Nga và điều này được thể hiện rõ ở việc những nước này tới nay vẫn cho thấy khá kiềm chế trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine để tránh vượt qua “giới hạn đỏ” đụng độ, đặc biệt trong việc cung cấp máy bay tiêm kích, xe tăng chiến đấu hay đưa quân tham chiến tới Ukraine.

Trong tuần này cũng chứng kiến một diễn biến hòa dịu đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đến Ukraine và trước đó là Nga. Đây là lần đầu tiên Tổng thư ký Antonio Guterres đến hai quốc gia này kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 29/4 thừa nhận Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không ngăn chặn được cuộc xung đột ở Ukraine. Ông kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn hoàn toàn cũng như đạt được các giải pháp thiết thực ngay lập tức để cứu sống và hạn chế tối đa tổn thương cho dân thường, mà trước tiên là thiết lập các hành lang nhân đạo nhằm sơ tán dân thường khỏi các khu vực diễn ra giao tranh.

“Cuộc chiến này phải kết thúc. Hòa bình phải được thiết lập theo Hiến chương của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Nhiều nhà lãnh đạo đã tham gia vào các nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột mặc dù những nỗ lực này cho đến nay đều không thành công. Tôi có mặt ở đây để gửi đi thông điệp rằng: Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh.
Xung đ?t Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm