Quốc tế

Chiến tranh Nga - Ukraine: Trở ngại trong đàm phán hòa bình và lập trường của các bên

Với sự cạnh tranh về lợi ích, hiện còn quá sớm để có một cái nhìn rõ ràng về khung thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Việc kiểm soát lãnh thổ sẽ quyết định không chỉ sự cân bằng chính trị - quân sự trong tương lai giữa Nga và Ukraine mà còn những triển vọng để Kiev khôi phục kinh tế.

Tổng thống Zelensky tuyên bố: Ukraine sẵn sàng chiến đấu với Nga "trong 10 năm" / Lãnh đạo Chechnya đáp trả tuyên bố "chiến đấu 10 năm" của Tổng thống Ukraine: Sẽ kết thúc nhanh gọn!

Ukraine và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình từ cuối tháng 2/2022, vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ thấp triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần khi nhận định hôm 12/4 rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên "một lần nữa đi vào ngõ cụt".

Binh lính Ukraine. Ảnh: Reuters
Binh lính Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ukraine cho rằng các cuộc thảo luận "vẫn đang diễn ra", thậm chí cả khi "việc đàm phán vô cùng khó khăn", cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak bình luận.

Những cuộc đàm phán hòa bình luôn là sự pha trộn phức tạp giữa những tính toán chiến lược và cảm xúc con người.

Học giả Andrew Blum thuộc Đại học San Diego với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các chương trình xây dựng hòa bình, cũng như nghiên cứu về hòa bình và xung đột nhận định: "Điều quan trọng là cần chú ý đến cả hai nhân tố hòa bình và xung đột để hiểu tại sao các cuộc đàm phán thành công hoặc không thành công".

Các thỏa thuận hòa bình có thường xuyên thất bại hay không?

Theo số liệu của Đại học Uppsala, Thụy Điển, từ năm 1946 - 2005, chỉ có 39 trong số 288 cuộc xung đột, tức là chiếm 13,5%, kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình. Những cuộc xung đột còn lại kết thúc với chiến thắng thuộc về một bên hoặc kết thúc giao tranh mà không đạt được thỏa thuận hòa bình, cũng như không có bên chiến thắng.

 

Thậm chí cả khi các bên tham chiến không thể đạt được thỏa thuận hòa bình, các cuộc đàm phán vẫn có thể giúp giảm thương vong cho dân thường qua các lệnh ngừng bắn tạm thời hoặc thiết lập các hành lang nhân đạo để cung cấp nhu yếu phẩm hay sơ tán dân thường. Có một số minh chứng cho thấy, thậm chí cả những thỏa thuận hòa bình thất bại cũng có thể giúp làm giảm cường độ xung đột trong tương lai.

Ý nghĩa của các thỏa thuận hòa bình khi các bên tham chiến vẫn giao tranh

Các cuộc trao đổi hòa bình có thể xây dựng nền tảng cho một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột. Chúng cũng có thể giảm những tác động tiêu cực cho dân thường.

Theo chuyên gia Andrew Blum, những cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn thường diễn ra trong giai đoạn cao điểm của cuộc xung đột.

Nếu các bên tham chiến nhất trí về một lệnh ngừng bắn và tuân thủ thỏa thuận đó, hai bên tham chiến đều có thể tránh được thương vong. Họ cũng có thể xây dựng niềm tin để dọn đường cho những cuộc đàm phán khó khăn hơn.

 

Chẳng hạn, lệnh ngừng bắn ở Dãy núi Nuba tại Sudan được cho là đã giúp xây dựng niềm tin, cho phép những cuộc trao đổi hòa bình Bắc - Nam mở rộng và thực chất hơn diễn ra, bắt đầu vào năm 2002.

Những thỏa thuận hẹp giúp chấm dứt bạo lực và cứu sống nhiều sinh mạng cũng có thể đạt được trong xung đột. Trong cuộc xung đột Gaza vào năm 2008 - 2009, trong khi không có thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được, Israel đã mở một hành lang nhân đạo để cho phép các gói cứu trợ có thể đến được với dân thường.

Một điều quan trọng là các cuộc đàm phán hòa bình không phải là điều các bên tham chiến coi là một công cụ thay thế giao tranh. Đó là một chiến lược, được sử dụng cùng với giao tranh, để mỗi bên đạt được các mục tiêu của mình.

Các vấn đề lớn nhất của các cuộc đàm phán hòa bình

Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề trong đàm phán mà các bên phải đối mặt.

 

Thách thức lớn nhất với những cuộc đàm phán hòa bình là tình trạng bạo lực và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các bên tham chiến. Tuy nhiên, một lý do phổ biến khiến các cuộc đàm phán gặp trở ngại là một bên tham chiến tin rằng họ có thể giành chiến thắng mà không cần phải ngồi vào bàn đàm phán. Chẳng hạn, tại Afghanistan, Taliban đã rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình năm 2021 bởi lực lượng này tin rằng họ có thể giành được những lợi thế quân sự đáng kể và việc Mỹ thông báo rút quân.

Lập trường của các bên trong cuộc chiến ở Ukraine

Ukraine

Ukraine muốn quay lại tình trạng trước chiến tranh, tức là quân đội Nga sẽ rút khỏi các vị trí. Tổng thống Zelensky cùng với các cố vấn của ông cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, Nga sẽ phải đóng góp vào ngân sách tái thiết Ukraine hậu chiến tranh và bồi thường cho tất cả nạn nhân chiến tranh. Nếu Nga từ chối, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí là sau khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức đạt được. Tạm thời, Ukraine yêu cầu Nga phải rút quân khỏi các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass mà Moscow đã công nhận độc lập. Đổi lại, Kiev dường như sẵn sàng nhượng bộ về việc gia nhập NATO và sẵn sàng đàm phán về tình trạng trung lập với các bên đảm bảo nước ngoài, trong đó có Nga.

Nga

 

Lập trường của Nga cũng đã có sự dịch chuyển trong hơn 50 ngày qua. Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, những yêu cầu về chính trị của Nga không chỉ bao gồm việc Ukraine không được gia nhập NATO hay Ukraine phải thay đổi Hiến pháp để duy trì tình trạng trung lập mà còn bao gồm những giới hạn về quy mô hệ thống quốc phòng, số lượng các căn cứ quân sự, cũng như số lượng và các loại vũ khí được nhập khẩu. Về văn hóa, Moscow yêu cầu Ukraine phải quy định tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai chính thức tại quốc gia này, cũng như cấm các tổ chức cực hữu hoạt động. Cuối cùng, Moscow yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và công nhận độc lập của các nước cộng hòa tự xưng khu vực Donbass.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nga đã dịch chuyển trọng tâm quân sự sang khu vực phía Đông và phía Nam Ukraine, nơi các lực lượng của Nga có nhiều thuận lợi trong trong việc triển khai lực lượng. Những yêu cầu gần đây của Nga chủ yếu tập trung vào tình trạng phi hạt nhân và trung lập của Ukraine, không nhắc đến chủ đề tư cách thành viên của Ukraine trong NATO hay việc không được cho phép triển khai các căn cứ quân sự hoặc các hệ thống vũ khí của nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, chiến lược để giành chiến thắng của Nga bao gồm: Thứ nhất là kiểm soát thành phố Mariupol. Thứ hai là mở rộng các nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass tới những giới hạn biên giới hành chính của họ. Thứ ba là duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Kherson để đảm bảo có đủ nguồn cung nước ngọt cho Crimea. Thứ tư là bảo vệ cây cầu nối các khu vực lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở Donbass với Bán đảo Crimea theo đường bờ biển Azov và vùng Kherson. Đó là những mục tiêu đủ để Nga tuyên bố chiến thắng.

Các nước phương Tây

Trong khi đó, Mỹ và Anh dự báo sẽ có một cuộc chiến ủy nhiệm lâu dài với Nga ở Ukraine. Sự hợp tác mở rộng giữa liên minh phương Tây được thực hiện để duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga, củng cố sự đoàn kết giữa các thành viên trong liên minh và làm suy yếu Nga về dài hạn.

 

Xe thiết giáp Bushmaster đỗ trước máy bay vận tải C-17 Globemaster đang chuẩn bị tới Ukraine sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia thông báo về gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Xe thiết giáp Bushmaster đỗ trước máy bay vận tải C-17 Globemaster đang chuẩn bị tới Ukraine sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia thông báo về gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Có một số lý do giải thích tại sao các quan chức Mỹ và Anh ban đầu hoài nghi hoặc cảnh giác về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Với Washington và London, một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng, dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sẽ cho phép Nga tập hợp lại lực lượng trong khi các đối tác châu Âu dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt Nga và ít nhất sẽ khôi phục quan hệ về mặt thương mại với Moscow.

Các nước châu Âu hiện đang chia rẽ về cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi các thành viên EU dường như thống nhất về việc cần phản ứng với chiến dịch của Nga ở Ukraine thì họ lại không có cùng tiếng nói trong vấn đề cắt đứt quan hệ với Moscow, tăng cường các biện pháp trừng phạt hay cung cấp cho Ukraine các vũ khí hiện đại hơn.

Đức, Hà Lan, Áo, Pháp, Bỉ cùng một số quốc gia Tây Âu khác muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc. Việc chiến tranh sớm kết thúc sẽ giúp họ ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, duy trì sự ổn định xã hội và khôi phục một phần quan hệ với Nga. Tuy nhiên, Ba Lan, Slovenia, Litva, Latvia và Estonia lại đang thúc đẩy nhiều lệnh trừng phạt chống Nga hơn, trong đó có lệnh cấm vận hoàn toàn năng lượng và phong tỏa đi lại, trong khi cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine như máy bay chiến đấu, xe tăng và các hệ thống phòng không.

Những bên còn lại

Hầu hết các quốc gia ở phía Nam bán cầu, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Uzbekistan, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập cho rằng Nga và phương Tây cần tăng cường đối thoại cũng như hòa bình ở Ukraine cần đạt được sớm nhất có thể. Tuy nhiên, một số quốc gia đang "để mắt" đến vai trò như một nhà đảm bảo tương lai cho an ninh Ukraine, trong đó có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

 

***

Với sự cạnh tranh về lợi ích, hiện còn quá sớm để có một cái nhìn rõ ràng về khung thỏa thuận hòa bình. Việc kiểm soát lãnh thổ sẽ quyết định không chỉ sự cân bằng chính trị và quân sự trong tương lai giữa Nga và Ukraine mà còn những triển vọng cho Ukraine để khôi phục nền kinh tế.

Ngoài ra, tình trạng của Crimea và Donbass cũng là vấn đề then chốt trong nội dung đàm phán khi tính tới tầm quan trọng to lớn của vấn đề này với cả Nga và Ukraine. Cuối cùng, phương thức tình trạng trung lập của Ukraine cũng là mối quan tâm cao của Moscow và Kiev.

Hiện chưa thể xác định rõ ràng nội dung khung thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, đặc biệt khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra. Cuộc chiến ở phía Đông Ukraine sẽ có vai trò quan trọng với kết quả chung của cuộc chiến và vị thế đàm phán của các bên./.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm