Quốc tế

Chủ nghĩa cực đoan và bạo lực len lỏi trong quân đội Mỹ

Các kết quả điều tra mới nhất cho thấy, hầu hết những người có liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol hồi tháng 1 đều là cựu binh. Một số người trước đó còn được triển khai tới Iraq, Afghanistan hoặc từng làm việc trên chiếc Air Force One chuyên chở Tổng thống Mỹ và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI)...

Resort đẹp lãng mạn bên bờ biển Hua Hin / Cảnh sắc mùa thu đẹp như tranh vẽ ở Tokyo

Hàng chục cuộc điều tra của FBI

Thống kê cho thấy, trong số hơn 300 người đến nay bị buộc tội tấn công Điện Capitol, có ít nhất 30 người là cựu binh, gần 10 người đang là binh sĩ trong Lực lượng dự bị quân đội hoặc Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ. Hãng CNN cho hay, giới chức Lầu Năm Góc cay đắng thừa nhận rằng, có thể số binh sĩ đang tại ngũ tham gia bạo loạn còn cao hơn nhiều. Chính vì thế mà vào cuối tháng 1, 14 Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã cùng viết thư kêu gọi Lầu Năm Góc tiến hành một cuộc tổng thanh tra chủ nghĩa cực đoan trong quân đội.

Những kẻ quá khích cực đoan tấn công Điện Capitol hồi tháng 1. Ảnh: Military.

Đến giữa tháng 1, một tiểu ban của Hạ viện cũng đã tổ chức phiên điều trần với tiêu đề "Những sự cố đáng báo động về quyền tối cao của người da trắng trong quân đội - Làm thế nào để ngăn chặn?". Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng da đen đầu tiên của Mỹ Lloyd Austin, đã phải chỉ đạo các sĩ quan chỉ huy ở tất cả các cấp tiến hành cuộc điều tra, thông báo kết quả trước ngày 1/4 về việc giải quyết chủ nghĩa cực đoan trong quân đội và việc binh sĩ tham gia các phong trào như Boogaloo, Oath Keepers, Proud Boys, Three Percenters…

Trong khi đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, FBI cũng đã tiến hành 68 cuộc điều tra riêng rẽ về "vòi bạch tuộc các nhóm cực đoan trong quân đội". Năm 2009, Vigilant Eagle - một chương trình của FBI tập trung vào việc điều tra các cựu binh tham gia những nhóm phân biệt chủng tộc hoặc tôn vinh người da trắng đã cố gắng đưa những cựu binh cực đoan này trở về với quỹ đạo bình thường. Song có vẻ như những nỗ lực này không mấy thành công.

Một báo cáo của FBI được công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, nhiều cựu binh từng được cảm hoá đó, sau này lại được phong trào Proud Boys tuyển mộ. Cuộc khảo sát của Military Times năm 2019 cũng chỉ ra rằng, sự phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng trong quân đội. 36% binh sĩ được hỏi, trả lời rằng đã "chứng kiến những ví dụ cụ thể về quyền tối cao của người da trắng và tư tưởng phân biệt chủng tộc trong hàng ngũ quân đội", tăng 14% so với năm 2018.

Tờ Counterpunch cho hay, các quy định trong quân đội Mỹ phân định rõ các quyền mà binh sĩ có hoặc không có. Nhưng chỉ thị 1325.6 của Bộ Quốc phòng lại cho phép các thành viên đang tại ngũ được quyền tham gia các cuộc biểu tình chính trị miễn là họ ở ngoài cơ sở, không mặc quân phục, chỉ đại diện cho chính họ và không vu khống Tổng thống hay các quan chức cấp cao.

Tuy nhiên, các hoạt động như gây quỹ, phân phát tài liệu chính trị hoặc mặc trang phục của những người theo chủ nghĩa tối cao da trắng và các nhóm cực đoan khác có thể dẫn đến việc bị đuổi khỏi quân ngũ. Hạ nghị sĩ Jackie Speier thuộc bang California phân tích rằng, chỉ thị 1325.6 là một lỗ hổng của Lầu Năm Góc trong việc khuyến khích binh sĩ theo các phong trào cực đoan và điều này cần phải sớm thay đổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chỉ đạo tiến hành điều tra về chủ nghĩa cực đoan trong quân đội.

Sự thất bại của Lầu Năm Góc

Trên thực tế, quân đội Mỹ được xây dựng để trung lập về mặt chính trị và tự hào là không phân biệt đối xử mà chỉ dựa trên thành tích để duy trì một lực lượng tất cả tình nguyện bảo vệ đất nước. Sau quyết định hồi tháng 2 của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, tất cả các đơn vị trong quân đội Mỹ đã tiến hành sàng lọc sự len lỏi của các đảng phái cực đoan hoặc tội phạm trong binh sĩ.

"Đó là một khởi đầu tốt nhưng Lầu Năm Góc không nên dừng lại ở đó. Bộ Quốc phòng nên thực hiện đánh giá chính sách toàn diện để nâng cấp các công cụ của quân đội nhằm xác định những kẻ cực đoan và khả năng chúng thực hiện các hành vi bạo lực có động cơ tư tưởng. Làm như vậy là rất quan trọng cho sự an toàn của cả cộng đồng và của chính các binh sĩ", bài báo trên tờ USA Today có đoạn viết. Cũng theo tờ báo này, Lầu Năm Góc phải đánh giá lại quy mô của việc tư tưởng cực đoan xâm nhập vào quân đội. Bởi lẽ, năm ngoái, nhiều binh sĩ đang tại ngũ đã bị bắt vì liên quan đến ít nhất 3 âm mưu cực đoan cực hữu, trong đó có một trung sĩ quân đội bị cáo buộc âm mưu với một nhóm tân Quốc xã để thực hiện một cuộc tấn công vào đơn vị mình…

Chưa rõ liệu những con số như vậy có thực sự phản ánh nguy cơ bạo lực ngày càng tăng hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, quân đội Mỹ cũng nên chú ý đến sự cố chấp sâu sắc của một số binh sĩ và mối liên hệ có thể có giữa những nhóm tôn vinh quyền tối cao của người da trắng và chủ nghĩa cực đoan chống chính phủ. Một nguồn tin từ chính Lầu Năm Góc mới đây cũng thừa nhận, giới chức quốc phòng nước này hiện chưa thu thập được đầy đủ dữ liệu trên toàn hệ thống về các vụ kỷ luật liên quan đến chủ nghĩa cực đoan, bạo lực. Các cuộc điều tra về hành vi sai trái trong quân đội được xử lý bởi các ngành dịch vụ tương ứng, với các giám sát viên cấp dưới được phép thực hiện hành động mà không cần báo cáo các quyết định của họ trong chuỗi chỉ huy.

Song một tài liệu mới được tìm thấy trong hải quân hé lộ rằng, nhiều thập kỷ qua, lực lượng hải quân và thuỷ quân lục chiến Mỹ đã "lặng lẽ loại bỏ những người theo chủ nghĩa tối cao da trắng tồi tệ nhất trong hàng ngũ của họ, đề nghị miễn nhiệm hành chính mà không để lại hồ sơ công khai". Chỉ đến khi nhóm vận động American Oversight tham gia, chi tiết về 13 cuộc điều tra lớn liên quan đến hoạt động của chủ nghĩa tối cao da trắng trong hải quân và Thủy quân lục chiến mới được tiết lộ.

Một nhóm cực đoan có sự tham gia của cựu binh Mỹ trong một cuộc bạo động ở Georgia hồi năm 2018. Ảnh: Getty.

Cuộc điều tra đầu tiên là về vụ việc xảy ra ngày 10/12/2000 khi 3 người đàn ông da trắng rời khỏi một cuộc biểu tình của tân Quốc xã mới và đi đến trung tâm thành phố Jacksonville, bang Florida. Họ đang tìm kiếm một người da đen để đánh. Đến đường Main, họ thấy John Joseph Newsome, 44 tuổi và đánh ông này một cách dã man bằng nắm đấm, ủng và chai thuỷ tinh.

Bộ ba này sau đó bị bắt và đều nhận trọng tội, bị kết án với các mức án khác nhau trong nhà tù quận Duval. 2 trong số 3 người này là binh sĩ thuộc Hải quân Mỹ thì bị giải ngũ một cách thầm lặng và bước vào cuộc sống dân sự mà không có một vết tích nào trong hồ sơ. Khi hai người này hợp tác với các công tố viên dân sự, bản án trọng tội cũng không bao giờ được ghi vào hồ sơ.

Các cuộc điều tra sau đó của chính lực lượng hải quân chỉ rõ, từ năm 2000 đến nay, nhiều binh sĩ đã bị cáo buộc tấn công, trộm cắp, lạm dụng lời nói, đe dọa và tham gia tội phạm băng đảng. Một cuộc điều tra liên quan đến các thành viên của một băng đảng cực đoan da trắng được gọi là RRR cho thấy có nữ binh sĩ chuyên làm các bản tin trực tuyến về chủ nghĩa tối cao của người da trắng. Cô này thậm chí còn khoe khoang về việc được bảo mật tối mật của mình trong khi viết các bài báo về Hitler, người Do Thái và người da đen…

Nhưng không một cuộc điều tra nào dẫn đến một phiên tòa quân sự, hay còn được gọi là tòa án binh - nơi mà thành viên trong quân đội có thể nhận được cái gọi là "hành vi trừng phạt" cho những hành vi xấu của mình. Bên cạnh 13 cuộc điều tra này còn có 10 cuộc điều tra khác đang được tiến hành. Những vụ việc này không bao giờ được cung cấp cho giới truyền thông cũng như tên của các binh sĩ vi phạm đều được ẩn danh.

Vì thế, nhiều nhóm hoạt động xã hội đang kêu gọi Lầu Năm Góc thành lập một nhóm thanh kiểm tra mới chịu trách nhiệm xem xét tiến độ điều tra các vụ phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực trong lực lượng. Chưa hết, các nhóm này còn cho rằng, Quốc hội Mỹ nên mở rộng nhiệm vụ bao gồm cả trách nhiệm theo dõi các loại hình đe dọa bạo lực cực đoan và Lầu Năm Góc phải phát hành báo cáo hàng năm về số vụ chủ nghĩa cực đoan xảy ra trong toàn ngành, bao gồm cả những vụ việc không đưa ra cáo buộc hình sự.

Tờ Counterpunch dẫn lời một chuyên gia về chống phân biệt chủng tộc của FBI cho hay, ngoài việc thu thập dữ liệu, quân đội nên làm nhiều hơn nữa để nhắm mục tiêu vào các cá nhân dễ bị cực đoan hóa; nên làm việc với FBI để cung cấp cho các nhà tuyển dụng quân sự và chỉ huy đơn vị quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu về các hình xăm biểu thị tư cách thành viên trong các tổ chức cực đoan. Các chương trình đào tạo tương tự được sử dụng bởi các nhà điều tra chống khủng bố của FBI nên được mở rộng để giúp các đơn vị tuyển dụng trong quân đội phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo trong số những người đăng ký nhập ngũ.

Hạ nghị sĩ Jackie Speier thì đề xuất quân đội Mỹ nên sửa đổi Bộ luật thống nhất về tư pháp quân sự để khiến việc tham gia tích cực vào hoạt động cực đoan trong nước là vi phạm luật quân sự. Bộ Cựu chiến binh cũng cần phối hợp với các tổ chức cựu chiến binh cơ sở và cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn nỗ lực của các nhóm cực đoan nhằm tuyển mộ và cực đoan hóa các cựu chiến binh.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm