Quốc tế

Chưa phải phương Tây, đây sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xung đột Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine đang gây ra nhiều tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Một loạt máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt của Nga cất cánh bất thường: Chuyện gì đang xảy ra? / Báo cáo độc lập về thiệt hại sau 3 tuần của Nga và Ukraine - "Những con số biết nói"!

Chưa phải phương Tây, đây sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xung đột Ukraine
Ảnh minh họa

Nguy cơ mất an ninh lương thực

Hôm 14/3 vừa qua, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, bao gồm lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô tới các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu cho đến 31/8.

Trước đó, vào ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Lương thực và Chính sách Nông nghiệp Ukraine Roman Leshchenko thông báo nước này quyết định tạm thời cấm xuất khẩu tất cả các loại phân bón.

Ông Leshchenko nhấn mạnh, lệnh cấm xuất khẩu là bắt buộc và tạm thời, nhằm khôi phục sự cân bằng của thị trường nội địa và đảm bảo hoạt động bình thường của các hoạt động nông nghiệp, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực ở Ukraine và thế giới.

Chưa phải phương Tây, đây sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xung đột Ukraine - Ảnh 1.

Các nước nghèo sẽ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: Gett

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine đứng thứ 5. Hai quốc gia chiếm 19% nguồn cung lúa mạch toàn cầu, 14% nguồn cung lúa mì và 4% nguồn cung ngô, và chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Hai nước cũng là nhà cung cấp dầu hạt cải dầu chủ lực, chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương trên thế giới. Nga là nhà sản xuất chính của mặt hàng phân bón toàn cầu.

 

FAO cho biết: “Do nhu cầu, vật tư, chi phí vận chuyển cao cũng như sự gián đoạn hoạt động của các cảng biển nên giá lương thực, vốn đã leo thang kể từ nửa cuối năm 2020, đã đạt mức cao nhất lịch sử vào tháng 2/2022. Ví dụ lúa mì và lúa mạch, giá toàn cầu tăng 31% trong năm 2021; giá dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60%. Nhu cầu cao và giá khí đốt tự nhiên biến động cũng đẩy chi phí phân bón tăng cao. Ví dụ, urê, một loại phân đạm quan trọng đã tăng giá gấp ba lần trong vòng 12 tháng qua".

Theo báo cáo của FAO, khoảng 50 quốc gia hiện đang dựa vào nhập khẩu từ Nga và Ukraine để đảm bảo 30% hoặc hơn nguồn cung lúa mì, hầu hết là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước thiếu lương thực có thu nhập thấp ở Bắc Phi, Châu Á.... Đối với những nước này, tình hình an ninh lương thực đặc biệt nghiêm trọng.

Giá năng lượng tăng

Trong bài viết đăng tải trên trang web của Dự án Syndicate mới đây, Giáo sư Jayati Ghosh thuộc Đại học Massachusetts Amherst cho rằng, các nước nghèo sẽ chịu tác động kinh tế mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo bà Ghosh, truyền thông phương Tây thường tập trung vào tác động của việc tăng giá năng lượng ở châu Âu. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nhưng hầu hết các nhà nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên trên thế giới đều nghèo hơn nhiều so với châu Âu. Nhiều quốc gia trong số này đã không thể thực hiện các phản ứng tài khóa đối với đại dịch như các nền kinh tế phát triển như Mỹ, đồng thời, sự phục hồi kinh tế và vấn đề việc làm của họ càng khó khăn hơn nhiều. Giá dầu tăng gần đây đã giáng đòn mạnh vào các nước nghèo khiến các nước này có thể đối mặt với loạt vấn đề về cán cân thanh toán và áp lực lạm phát trong nước. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, những vấn đề này rất khó giải quyết.

Tất nhiên, áp lực lạm phát gia tăng từ xung đột ở Ukraine cũng làm phức tạp thêm thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế phương Tây giàu có - đối phó với giá cả tăng cao mà không gây dẫn đến nguy cơ hạ cánh cứng. Nhưng các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, khiến các nhà hoạch định chính sách của các nước này tốn nhiều công sức hơn. Giá dầu thô tăng mạnh gần đây rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp đến các nước nhập khẩu dầu thô và sẽ đẩy tất cả vật giá khác lên cao do chi phí đầu vào và vận chuyển tăng.

 

Bà Ghosh kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức đa phương cần tăng cường nỗ lực, ít nhất là cung cấp tài chính bù đắp để giúp các nước đang phát triển đối phó với nhiều cú sốc về giá, đồng thời đề xuất và thực thi các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên các thị trường hàng hóa thiết yếu. Nếu không, xung đột Nga-Ukraine sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế toàn cầu, và các nước nghèo sẽ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm