Quốc tế

Chuyển động vũ khí Mỹ đốt nóng Baltic

Những chuyển động vũ khí Mỹ trong tuần qua đang đốt nóng Baltic và đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ láng giềng Belarus và Nga.

Sẽ có hành động đáp trả

Ngày 28/10, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, Belarus coi việc triển khai Mỹ ở Litva gần biên giới nước này là một bước khiêu khích mà họ buộc phải đáp trả.

"Quân đội chưa bao giờ được triển khai một cách khiêu khích như thế đến biên giới của chúng ta từ bên kia đại dương. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Theo tôi, đây thậm chí cũng là lần đầu tiên ở Litva. Đây là một tiền lệ... Đương nhiên, chúng ta chỉ đơn giản là bị buộc phải đáp trả sự khiêu khích như vậy", ông Lukashenko nói.

Lực lượng xe tăng Mỹ trong một lần tập trận tại Baltic.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus đã kêu gọi thực hiện đáp trả mà không cần huy động hỏa lực rầm rộ. "Chúng ta là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, chúng ta không muốn chiến tranh", ông kết luận.

Trong khi đó, Nga đã bày tỏ sự quan ngại về hành động của Mỹ, do Litva tiếp giáp với khu vực Kaliningrad của Nga và về Tây Nam, khu vực này là khu vực chiến lược, được coi là "tiền đồn của Nga giữa lòng NATO".

Để đối phó với những diễn biến mới, Nga vừa công bố kế hoạch triển khai vũ khí đến Kaliningrad. Cụ thể, đến cuối năm 2019 Nga sẽ hoàn thành bố trí Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Tor-M2 tại Lữ đoàn tên lửa Kaliningrad nhằm củng cố sức mạnh phòng không ở khu vực chiến lược này.

Hệ thống Tor-M2 có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào, bất kể là bom dẫn đường hàng không, máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu cánh cố định. Tor-M2 được Nga bố trí tại Kaliningrad là để đáp trả việc Ba Lan và các quốc gia Baltic tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh khu vực này. Tại Ba Lan còn có căn cứ mới của NATO và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Theo Giáo sư Vadim Kojolin của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, sức mạnh quân sự của các nước NATO giáp Kaliningrad đã được tăng cường đáng kể. Ông nói: "Trước cuối năm 2020, Ba Lan sẽ cho phép Mỹ xây dựng và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trong lãnh thổ của mình. Ba Lan đã mua hệ thống tên lửa chống hạm mới nhất của Na Uy và tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ.

Điều này tự nhiên gây ra phản ứng của quân đội Nga. Khi các nước láng giềng có được những vũ khí tấn công này, quân đội Nga phải đáp trả, đây là một thông lệ. Tất cả các lực lượng quân sự trên thế giới sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc mắt để mắt trong trường hợp này".

Vũ khí Mỹ làm nóng Baltic

Những tuyên bố và kế hoạch của cả Belarus và Nga được đưa ra nhằm phản ứng với động thái điều chuyển vũ khí bất thường của Mỹ đến Baltic trong những ngày qua.

Mỹ đang điều động số lượng lớn binh lính và xe tăng thiết giáp đến 3 quốc gia biển Baltic là Latvia, Estonia và Litva để chuẩn bị tiến hành hành động bố trí quân sự "quyết tâm Đại Tây Dương". Đợt đầu tiên, 8 xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất của Abrams M1A2SEP và 21 xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A3 đã được điều động đến Litva.

Theo kế hoạch, Tiểu đoàn bọc thép số 1 của Quân đoàn 9 Quân đội Mỹ sẽ đồn trú tại Litva, tổng cộng là khoảng 80 đơn vị xe có bánh với 500 binh sĩ và gần 100 đơn vị thiết bị hạng nặng, trong đó có 30 xe tăng Abrams và 25 xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Hiện các đơn vị bọc thép còn lại đang lần lượt tới Litva. Sau khi hoàn thành tập kết, các đơn vị bọc thép sẽ có hơn 100 xe. Ngoài ra, việc triển khai hành động quân sự này sẽ kéo dài trong 6 tháng và các binh lính khác của Mỹ cũng sẽ tới Litva để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn vào mùa đông sắp tới.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ đóng quân ở Litva, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Mỹ điều động nhiều xe bọc thép với đa số xe bọc thép hạng nặng triển khai tới Litva.

Bộ Quốc phòng Litva cũng đã lên tiếng về hoạt động đóng quân của Quân đội Mỹ, nói rằng "trong quá khứ, Litva đã tiếp nhận nhiều đơn vị cấp Tiểu đoàn của Mỹ, nhưng điều này là để tiến hành các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước.

Trong bối cảnh khi chưa tiến hành các cuộc tập trận, Mỹ đã điều động nhiều xe bọc thép hạng nặng đến Litva thì đây là lần đầu tiên".

Mikhail Alexandrov, một chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự tại MGIMO, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, nói với Pravda.Ru rằng: "Nếu NATO và Mỹ tấn công Kaliningrad, Nga sẽ không ngồi và chờ họ phá vỡ hệ thống phòng thủ trên không của Nga ở khu vực này. Ngay khi chúng ta có thể thấy sự tập trung của máy bay Mỹ vào các sân bay ở châu Âu, chúng ta sẽ đơn giản phá hủy các sân bay đó bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung.

Sau đó, quân đội của chúng ta sẽ đi tấn công theo hướng Baltic và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Baltic trong vòng 48 giờ. NATO thậm chí sẽ không có thời gian để cảm nhận - họ sẽ thấy một sự tích tụ quân sự rất mạnh ở biên giới với Ba Lan. Tất cả những điều này sẽ kết thúc với việc NATO mất các nước vùng Baltic", chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo