Chuyên gia Ấn Độ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật huyền thoại"
Nga sẵn sàng triển khai tên lửa hạt nhân và phòng không tối tân tại Cuba / Iran tuyên bố tấn công ngay lập tức nếu Mỹ bắt tàu chở dầu sang Venezuela
Trong bài viết trên báo Times of India nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ S D Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo kiêm Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, gọi Hồ Chí Minh là một nhân vật huyền thoại của Việt Nam, người đã có vai trò to lớn trong việc giành độc lập cho Việt Nam và thống nhất đất nước. Theo tác giả này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nền tảng và góp phần không nhỏ trong việc phát triển quan hệ gần gũi giữa hai đất nước Việt Nam và Ấn Độ.
Theo ông S D Pradhan, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn trau dồi kiến thức để giúp giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tiếng nói kêu gọi độc lập cho Việt Nam ngay từ Thế chiến I. Ông được truyền cảm hứng từ Cách mạng tháng Mười Nga. Sau thành công của cuộc cách mạng này, làn sóng vùng lên đấu tranh đã diễn ra tại các thuộc địa của Pháp và Anh. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các nước này, trong đó có Ấn Độ.
Vào năm 1923, Hồ Chí Minh, cùng M N Roy, một nhà cách mạng của Ấn Độ, đã cùng hoạt động cho Hội những dân tộc bị áp bức tại châu Á ở Moscow (Nga). Sự kết nối này đã nêu bật các mối liên hệ lịch sử trong cuộc đấu tranh chung nhằm giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của thực dân và và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ông S D Pradhan cho hay, Hồ Chí Minh, người đã nghiên cứu chặt chẽ phong trào cách mạng của Ấn Độ, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Ấn. Trùng hợp là, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi đều được xem là “Vị Cha già dân tộc” của Việt Nam và Ấn Độ. Ông hiểu rất rõ vai trò của Mahatma Gandhi trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Ông S D Pradhan dẫn lại lời Hồ Chí Minh khi Chủ tịch so sánh tình hình Ấn Độ với Việt Nam: “Các bạn có Mahatma Gandhi thì ở đây tôi là một môn đồ của Mahatma Gandhi”.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ chính thức giữa hai nước. Ông Nehru đã tới thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ chống thực dân Pháp vào năm 1954. Cũng thú vị là, trong khi Nehru được gọi là “Chacha Nehru” (Chacha có nghĩa là bác) trong tiếng Ấn Độ thì Hồ Chí Minh được gọi là “Bác Hồ” tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Nehru từng viết rằng ông “ấn tượng bởi Hồ Chí Minh là một người thân thiện và rất thẳng thắn”. Hai nhà lãnh đạo khi đó đã thảo luận về về tình hình đang nổi lên trong khu vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới các mối liên hệ của Ấn Độ với khối Thịnh vượng chung và bày tỏ sự quan tâm tới các mối liên hệ với Liên hiệp Pháp với điều kiện đất nước của ông phải giành độc lập hoàn toàn. Ông Nehru thấy rằng Hồ Chí Minh không thù hận nước Pháp, mà nhận thấy ông là một con người của hòa bình và thiện chí. Điều đó đã đặt nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Ấn thông qua các chuyến thăm và các tiếp xúc nhằm vượt qua nghi thức ngoại giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 11 ngày tới Ấn Độ vào tháng 2/1958. Chuyến thăm đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Về mặt quốc tế, chuyến thăm này cũng có ý nghĩa rất quan trọng, khi Ấn Độ chính thức ủng hộ Việt Nam. Sự đón tiếp nồng hậu và thân tình dành cho Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đã phản ánh tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Việt Nam và cá nhân ông.
Ông Nehru đã chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “một nhà lãnh mạng vĩ đại và một anh hùng huyền thoại”. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề ngoại giao sau Hội nghị Bandung năm 1955 mà cả ông Nehru và Hồ Chí Minh đều tham gia. Cả hai đều đánh giá cao các nỗ lực vì hòa bình của các quốc gia đang phát triển. Trong thời gian lưu lại tại Ấn Độ, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với nhiều người và điều này cho thấy ông rất chú trọng tới mối quan hệ nhân dân. Theo ông S D Pradhan, sự giản dị của Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng đặc biệt với người Ấn Độ.
Vào năm 1959, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ là Rajendra Prasad đã tới thăm Việt Nam theo lời mời của Hồ Chí Minh. Ngoài quan hệ chính trị, quan hệ nhân dân giữa hai nước cũng được chú trọng. Tổng thống Rajendra Prasad và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng trồng cây bồ đề lưu niệm, được chiết từ cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật thành đạo, tại chùa Trấn Quốc. Sự kết nối văn hóa được xây dựng từ đó là nền tảng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Ông S D Pradhan lưu ý rằng, vào năm 1965, Ấn Độ, với tư cách là một thành viên của Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đối với Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại về các cuộc ném bom xuống miền bắc Việt Nam. Trong thời gian ông Indira Gandhi làm thủ tướng vào năm 1966, Ấn Độ đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vụ ném bom và giải quyết xung đột Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Geneva. Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ ngoại giao từ cấp lãnh sự lên đại sứ vào năm 1972 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhưng Hồ Chí Minh là người có công lớn trong việc này. Ấn Độ xem Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo rất quan trọng trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã tham dự lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969.
Ông S D Pradhan nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một trong những nhân vật nổi bật trong thời đại của chúng ta. Tiếng tăm của ông đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng những cây cầu hữu nghị và kết nối giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Đây là một món quà vô giá mà ông để lại cho cả hai nước. Theo ông S D Pradhan, mối quan hệ chặt chẽ này giữa hai nước có tầm trọng trong việc việc duy trì cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á.
End of content
Không có tin nào tiếp theo