Quốc tế

Chuyên gia: Trung Quốc thua trước khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ

Chi phí quá nhiều cho những chương trình kinh tế kém hiệu quả và lún sâu vào chạy đua vũ trang sẽ khiến Trung Quốc phải thua đau nếu bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ, theo nhà phân tích.

Mỹ điều 400 xe tải chở vũ khí tới Manbij sau đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ / Vũ khí trên tiêm kích Su-57 ‘vô hình’ đối với hệ thống radar

Ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), giáo sư chuyên về chính phủ tại Đại học Claremont McKenna, tác giả cuốn sách "Người bạn chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc", trong một bài bình luận trên tạp chí Project Syndicate cho rằng Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến tranh lạnh mới, khi chi quá nhiều cho các chương trình nước ngoài mà không nhận lại nhiều và chạy đua vũ trang một cách không bền vững với Mỹ.

Bài học Liên Xô

Theo ông Bùi, trái ngược với Liên Xô, các lãnh đạo Trung Quốc nhận ra thành quả kinh tế tốt là nền tảng cho tính hợp pháp chính trị. Dù vậy, giống như Liên Xô, Trung Quốc "vung tay quá trán"trong khi ngày càng mắc kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang không bền vững với Mỹ.

Chuyen gia: Trung Quoc thua truoc khi bat dau Chien tranh Lanh moi voi My hinh anh 1

Trung Quốc mắc kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang không bền vững với Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Kavin Frayer/Getty).

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ám ảnh với việc tìm hiểu nguyên do. Cơ quan nghiên cứu chính phủ được giao nhiệm vụ này cho rằng lỗi phần lớn là ở Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cải cách đã không đủ tàn nhẫn để giữ Liên Xô nguyên vẹn. Nhưng không phải tất cả các nhân tố quan trọng đều được các lãnh đạo Trung Quốc ngày nay chú ý.

Chắc chắn CPC đã nằm lòng bài học quan trọng đầu tiên: Thành quả kinh tế mạnh mẽ là thiết yếu cho tính hợp pháp chính trị. Và trọng tâm duy nhất của CPC trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP đã mang lại một “điều kỳ diệu kinh tế” – thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng hỏa tiễn từ 333 USD năm 1991 nên 7.329 USD năm 2017. Đây là lý do quan trọng nhất tại sao CPC duy trì được sức mạnh, chuyên gia nhận định.

Nhưng chú tâm vào một nền kinh tế đang chững lại không phải là sai lầm duy nhất các lãnh đạo Liên Xô đã phạm phải. Họ cũng bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và không thể thắng được với Mỹ, trở thành nạn nhân của sự dàn trải nguồn lực quá đà, ném tiền và tài nguyên vào những cơ chế ít có giá trị chiến lược và quản lý kinh tế yếu kém trong một thời gian dài. Giờ đây, khi Trung Quốc có thể bước vào một cuộc “chiến tranh lạnh” mới với Mỹ, CPC dường như đang có nguy cơ lặp lại sai lầm thảm họa tương tự Liên Xô từng mắc phải.

Dàn trải sức mạnh

Nhìn qua, Trung Quốc dường như không thực sự đang chạy đua vũ trang với Mỹ. Ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm 2018 – khoảng 175 tỷ USD – chỉ bằng một phần tư 700 tỷ USD ngân sách được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Nhưng thực tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao hơn con số chính thức nhiều. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc chi khoảng 228 tỷ USD vào quân sự trong năm 2017.

 

Tuy nhiên vấn đề không nằm ở bản thân số tiền Trung Quốc chi cho súng ống, mà là sự gia tăng chi phí quân sự liên tục cho thấy khả năng nước này đang chuẩn bị tham gia vào một cuộc chiến mòn mỏi lâu dài với Mỹ. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chưa được trang bị để tạo ra đủ nguồn lực hỗ trợ mức chi tiêu mà người thắng cuộc trên mặt trận này sẽ cần.

Nếu Trung Quốc có một mô hình phát triển bền vững làm nền tảng cho một nền kinh tế hiệu quả cao, việc chạy đua vũ trang quy mô vừa phải với Mỹ là hoàn toàn có thể. Nhưng Trung Quốc không có điều này.

Ở cấp độ vĩ mô, sự tăng trưởng của Trung Quốc có xu hướng tiếp tục chậm lại, do dân số đang lão hóa nhanh, mức nợ cao, chênh lệch đáo hạn tài sản-nguồn vốn, và cuộc chiến thương mại leo thang mà Mỹ khởi xướng. Tất cả những điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đang giới hạn của Trung Quốc. Ví dụ, khi tỷ lệ người già cần phụ thuộc tăng lên, chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu cũng sẽ tăng lên.

Hơn nữa, dù kinh tế Trung Quốc có thể hiệu quả hơn nhiều so với kinh tế Liên Xô,nó vẫn khó so sánh với Mỹ. Lý do chính là ảnh hưởng lâu dài của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (DNNN) – thành phần chiếm một nửa tổng tín dụng ngân hàng của nước này nhưng chỉ đóng góp 20% giá trị gia tăng và việc làm.

Ông Bùi nhận định, vấn đề của CPC là DNNN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quy tắc một đảng, được sử dụng vừa để thưởng cho những người trung thành và vừa tạo điều kiện cho chính phủ can thiệp theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô chính thức. Loại bỏ những công ty cồng kềnh và không hiệu quả này không khác nào tự tử về mặt chính trị. Tuy nhiên, bảo vệ những doanh nghiệp này cũng không tránh khỏi điều tất yếu, vì họ càng được phép khai thác các nguồn tài nguyên khan hiếm bao nhiêu, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ sẽ càng trở nên khó gánh bấy nhiêu, và thách thức đối với thẩm quyền của CPC sẽ càng lớn bấy nhiêu.

 

Các lãnh đạo Trung Quốc đã không đánh giá đầy đủ là cần tránh "dàn trải sức mạnh đế quốc", hay cố gắng vươn ra những mục tiêu vượt quá khả năng của mình để duy trì các thỏa thuận quân sự hoặc kinh tế.

Video: Mỹ tự tin chiến thắng trong chiến tranh thương mại

"Vung tay quá trán"

Khoảng một thập kỷ trước, khi thặng dư thương mại khổng lồ mang lại một nguồn tiền tệ mạnh, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tham gia vào những cam kết tốn kém ở nước ngoài và trợ cấp cho những “đồng minh chết” khó đòi nợ.

 

Một ví dụ là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình trị giá nghìn tỷ USD tập trung vào tài trợ bằng vay nợ để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Dù sớm có dấu hiệu rắc rối – mà cùng với kinh nghiệm từ Liên Xô – Trung Quốc nên dừng lại, nhưng họ dường như vẫn quyết tâm thúc đẩy BRI – kế hoạch các lãnh đạo đã thiết lập thành trụ cột cho “chiến lược Trung Quốc vĩ đại” mới.

Một ví dụ nghiêm trọng hơn của "dàn trải sức mạnh đế quốc" là sự trợ cấp hào phóng của Trung Quốc đối với các nước từ Campuchia tới Venezuela tới Nga – khi không đề nghị nhận lại nhiều. Theo dữ liệu của Đại học William and Mary, từ năm 2000 đến 2014, Campuchia, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cuba, Ethiopia, và Zimbabwe tất cả nhận 24,4 tỷ USD trong các chương trình tài trợ hoặc cho vay trợ cấp lớn của Trung Quốc. Trong cùng giai đoạn, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và Venezuela nhận 98,2 tỷ USD.

Hiện tại, Trung Quốc đã cam kết bổ sung 62 tỷ USD cho các khoản vay của “Hành lang Trung Quốc – Pakistan”. Chương trình này sẽ giúp Pakistan đối mặt với cuộc khủng khoảng cân bằng thanh toán, nhưng cũng sẽ làm tiêu hao kho bạc của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đe dọa đến việc kho bạc này có thể đầy trở lại.

Giống như Liên Xô, Trung Quốc đang vung tay quá trán đối với một số ít người bạn, nhận lại không nhiều trong khi ngày càng lún sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang kém ổn định. Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung vẫn chưa bắt đầu, nhưng Trung Quốc dường như đã nắm phần thua.

Theo vtc.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm