Quốc tế

Có thêm thứ này, Su-30MKI có thể săn được cả F-22, J-20... tàng hình

Với radar Irbis-E, Su-30MKI có thể đối đầu với các tiêm kích tàng hình như F-22 của Mỹ hay J-20 của Trung Quốc.

Su-30MKI Flanker hiện là máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Ấn Độ, với 11 trong tổng số 27 phi đội tiêm kích là Su-30MKI và một số phi đội khác đang được lên kế hoạch xây dựng trong tương lai gần.

Theo MilitaryWatch, Su-30MKI được coi là tiêm kích mạnh nhất ở khu vực Nam Á và là máy bay duy nhất của Ấn Độ có thể đối chọi với các máy bay hiện đại của Không quân Trung Quốc như J-11B và J-16. Nó còn có thể được nâng cấp đáng kể bằng việc tích hợp nhiều loại vũ khí và công nghệ mới.

Tiêm kích Su-30MKI.

Một bản đánh giá về các nâng cấp và trang bị vũ khí mới được tích hợp lên tiêm kích Su-30MKI cho chúng ta biết ít nhiều về năng lực trong tương lai của dòng máy bay này.

Đó là các radar Irbis-E "thợ săn máy bay tàng hình", một nền tảng trang bị cho tiêm kích đời sau Su-35. Với radar hiện đại này, máy bay Su-30MKI có thể đối đầu với các tiêm kích tàng hình, ví dụ F-22 của Mỹ hay J-20 của Trung Quốc.

Irbis-E là tổ hợp radar quét mảng pha điện tử thụ động gồm có một nguồn tín hiệu phát sóng ở tần số duy nhất, sau đó năng lượng được truyền đến các yếu tố phát ra khác nhau ở mặt trước của ăng ten.

Khi được kích hoạt, Irbis-E làm việc bằng cách kết nối một ăng ten với máy phát vô tuyến rất mạnh để phát một xung ngắn của tín hiệu. Các ăng ten này được kết nối với máy thu có độ nhạy cao để khuếch đại tín hiệu dội lại từ mục tiêu.

Ưu điểm hàng đầu của Irbis-E là có thể giám sát một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với radar quét cơ khí truyền thống. Bộ vi xử lý của radar này liên tục tạo ra các búp sóng phụ, cho phép theo dõi trong khi đang quét.

Đặc biệt, nó còn tập trung được một chùm tia nhỏ vào mục tiêu nhất định để dẫn đường cho tên lửa sử dụng radar bán chủ động công kích.

Ngoài ra, một ưu điểm khác của radar Irbis-E là phạm vi tìm kiếm rất xa, số lượng mục tiêu phát hiện được cùng lúc vượt trội so với những radar hiện có trên chiến đấu cơ phương Tây.

Một số nguồn tin từ Nga tiết lộ, hệ thống Irbis-E có khả năng phát hiện máy bay tàng hình trong khoảng cách 60-90km. Với khoảng cách này, Su-30MKI của Ấn Độ hoàn toàn có đủ thời gian để triển khai phương án đánh chặn.

Radar này giúp máy bay sử dụng được các loại vũ khí tầm cực xa như tên lửa R-37M với tầm bắn tối đa gần 400km. Nó còn có khả năng chống chịu hoạt động phá sóng của đối phương tốt hơn.

Ngoài ra, máy bay Su-30MKI còn có thể được trang bị động cơ AL41FS vốn được trang bị cho Su-35, thay vì các động cơ AL-31FP như hiện tại.

Theo Xuân Phong/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo