Công nghệ AI tạo ra những vũ khí đáng sợ như thế nào trong tương lai?
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến những điều không tưởng thành hiện thực. Nó phát triển đáng kinh ngạc, dần thay thế luôn cả con người. Đặc biệt, AI đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng vào lĩnh vực quân sự, với mong muốn trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, từ đó chiếm ưu thế chủ đạo trên chiến trường trong tương lai.
Theo Eastday, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, điển hình là Phó Chủ nhiệm Trung tâm Truyền hình Quân đội Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc Lương Vĩnh Xuân đều nhất trí cho rằng Nga, Mỹ đang là 2 quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ trong việc phát triển xu hướng trên.
Theo báo cáo, gần đây Nga đã công khai những hình ảnh đầu tiên về hai cuộc thử nghiệm bay của máy bay không người lái (UAV) S-70 “Hunter” và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 SU-57. SU-57 là máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Nga hiện nay, còn UAV S-70 “Hunter” bản thân nó đã được trang bị năng lực tàng hình mạnh mẽ, 2 loại máy bay này nếu như có thể phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao khả năng phòng không truyền thống, do radar truyền thống cơ bản sẽ không phát hiện ra những thiết bị tiên tiến này.
Mỹ cũng đang tiến hành các kế hoạch tương tự Nga, Quân đội Mỹ đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch “hạm đội không người lái”. Ngoài việc đang thử nghiệm UAV XQ-58A thì Mỹ cũng có kế hoạch nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay chiến đấu F-22 và F-35; hoàn thành thử nghiệm tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter và sẽ nhanh chóng đưa vào phối hợp tác chiến với tàu khu trục lớp Zumwalt để tiến hành tác chiến vòng ngoài.
Cách thứcphối hợp tác chiến của Nga và Mỹ hiện nay cho thấy, các phương tiện không người lái phối hợp cùng với các hệ thống có người điều khiển đang là xu hướng sử dụng thiết bị tác chiến không người lái hiện nay.
Những thiết bị tác chiến không người lái mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay do trình độ trí tuệ nhân tạo chưa đủ cao, do vậy bắt buôc phải dựa vào việc có con người chỉ huy khống chế, trước đây là điều khiển từ xa, hiện nay là thiết bị có người lái và thiết bị không người lái cùng nhau “kề vai sát cánh” tác chiến.
Xét trong phạm vi toàn cầu, việc sử dụng các thiết bị không người lái trong chiến đấu đang ngày càng trở nên phổ biến, đồng thời năng lực tác chiến của các thiết bị không người lái cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Có thể nói rằng, các phương tiện bay không người lái đang chuyển dần từ “vai phụ thành vai chính” trên chiến trường.
Hiện nay việc vận dụng thiết bị tác chiến không người lái đang dần trở nên phổ biến. Iran trong một thời gian dài bị cấm vận nhưng năm nay cũng đã tổ chức diễn tập tấn công bằng UAV; tháng 9/2019, phiến quân Houthi ở Yemen đã sử dụng máy bay không người lái tấn công vào 2 cơ sở dầu mỏ ở Abqaiq và Khurais của Ả Rập Xê út, hành động làm “rung chuyển” cả thế giới.
Một đặc điểm nữa chứng minh các thiết bị không người lái đang chuyển dần từ “vai phụ thành vai chính”, đó là, trước đây, thiết bị không người lái thường phụ trách nhiệm vụ trinh sát, vận tải (ví dụ như UAV đời đầu tiên MQ-9 của Mỹ, chủ yếu là dòng máy bay trinh sát), nhưng Mỹ và Nga đang thử nghiệm vũ khí không người lái có khả năng tác chiến vượt trội, trực tiếp tham gia chiến đấu.
Quân đội Nga kế hoach đến năm 2025 sẽ “không người hóa” 1/3 các loại vũ khí chiến đấu hiện có, Mỹ càng nhanh hơn, đến năm 2020 đạt mục tiêu như Nga.
Vũ khí đáng sợ trên chiến trường tương lai
Cùng với việc kỹ thuật AI không ngừng phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc đang từng bước ứng dụng kỹ thuật AI vào các phương tiện không người lái hiện đại. Trong tương lai, nếu như các thiết bị không người lái có khả năng tự chủ quyết định, điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đối với cách bố cục chiến tranh hiện đại.
Các thiết bị không người lái hiện nay bắt buộc phải dựa vào con người điều khiển, mỗi một động tác của các thiết bị này đều do con người thiết lập, khi áp dụng AI, cục diện này sẽ triệt để cải biến. Đến một giai đoạn cao hơn, thiết bị không người lái sử dụng AI có thể tự chủ tìm kiếm mục tiêu, tự chế định chiến thuật phát động tấn công mục tiêu, bao gồm cả việc tự đánh giá hiệu quả chiến đấu.
Những thiết bị này có hiệu quả tính toán cao, tính cơ động và khả năng tiêu diệt mục tiêu cao hơn con người rất nhiều, nếu những thiết bị này được đưa ra chiến trường sẽ trở thành những vũ khí vô cùng đáng sợ.
Hiện, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng AI vào các phương tiện không người lái. Tháng 7/2019, Cơ quan nghiên cứu công nghệ Không quân Mỹ (AFRL) cho biết, chương trình tích hợp công nghệ tự hành và AI áp dụng trên các phương tiện bay không người lái với tên mã Skyborg sẽ bắt đầu được tiến hành ngay trong mùa hè năm 2019.
Trong các thí nghiệm, công nghệ Skyborg sẽ được tích hợp và áp dụng trên các phương tiện bay nhỏ, nhưng có khả năng bay tốc độ cao và linh hoạt. 3 mẫu phương tiện bay không người lái sẽ tham gia chương trình thử nghiệm Skyborg là XQ-58A Valkyrie, BQM-167 Skeeter và QF-16. Nếu quá trình thử nghiệm diễn ra thuận lợi, công nghệ Skyborg sẽ được áp dụng chính thức trên nhiều phương tiện chiến đấu của Không quân Mỹ vào năm 2023.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, Skyborg có thể là công nghệ nền để áp dụng vào hàng loạt chương trình vũ khí tương lai của Không quân Mỹ. Trong số đó, chương trình phát triển công nghệ AI hỗ trợ phi công trong các tình huống không chiến - ACT3 được coi là có liên quan mật thiết tới công nghệ Skyborg.
Thậm chí, nếu công nghệ Skyborg khẳng định được sự tin cậy trong các thử nghiệm, nó có thể đảm nhiệm vai trò “phi công số”, tương tự như công nghệ ePilot Nga đã giới thiệu trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57.
Cuối tháng 3/2019, Tập đoàn VKO Almaz Antey của Nga tiết lộ cho thế giới biết về một loại UAV trang bị súng ngắn Vepr-12 được mệnh danh “cỗ máy tiêu diệt UAV”. Sắp tới, Quân đội Nga sẽ sở hữu một loại máy bay mới thay thế bộ đội và thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu.
Mô hình mới đang trải qua thử nghiệm, đây là một biến thể trang bị súng trường tấn công Kalashnikov cỡ nòng 7,62x39mm, loại súng có thể trang bị cho UAV chống khủng bố ở khu vực Trung Đông và các nơi khác. Một tính năng đặc biệt khác của UAV này là khả năng tích hợp thành một “đội quân bay” bao gồm 40-60 UAV hoặc nhiều hơn.
Theo các nhà phân tích quân sự, tương lai của quân đội sẽ dựa vào “đội quân bay” thay thế cho người trên chiến trường và sử dụng AI để tự xác định và loại bỏ mục tiêu địch.
Không nằm ngoài xu hướng này, Trung Quốc cũng đang nỗ lực phát triển AI ứng dụng vào các phương tiện không người lái. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình để xây dựng và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự, hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Theo Đức Trí/Infonet
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo